Siêu thị trong nước: “Cái khó bó cái khôn”

(ĐTCK-online) Dù được thành lập từ nguồn vốn tự thân, liên doanh hay vốn nhà nước thì siêu thị “nội” vẫn được xem là những “đứa trẻ” chập chững, chịu nhiều thua thiệt trong cuộc chơi với các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong cùng lĩnh vực. Có đi tìm hiểu về mô hình hoạt động của các siêu thị của Thủ đô Hà Nội, mới thấy cụm từ “nền công nghiệp bán lẻ” vẫn còn xa xôi với những doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam. Chỉ còn hơn 1 năm nữa là đến thời điểm thị trường phân phối mở cửa hoàn toàn, sức ép đã “nóng” ngay sau lưng các doanh nghiệp trong nước, nhưng họ vẫn còn đang loay hoay bởi “cái khó bó cái khôn”...
Siêu thị trong nước: “Cái khó bó cái khôn”

Tận dụng lối đi làm nơi tập kết hàng

Trước khi cùng tôi đi tìm hiểu mô hình hoạt động của các siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cảnh báo: “Siêu thị tại Hà Nội hoạt động dưới 3 hình thức đầu tư vốn: liên doanh, cá nhân và vốn nhà nước. Nhưng dù với hình thức nào đi nữa, tất cả vẫn còn rất yếu và sẽ gay go trong cuộc cạnh tranh sắp tới”.

Kỳ vọng vào một siêu thị liên doanh, vì họ học được quy trình quản lý hiện đại của nước ngoài, chúng tôi tìm đến siêu thị Unimart tại số 7 Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa), đơn vị liên doanh giữa nhà đầu tư Đài Loan, Nhật Bản và Việt Nam. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những thùng hàng không cần bảo quản lạnh các loại được “tập kết” la liệt trên những lối đi, trong gầm cầu thang và cả trong sàn của những văn phòng làm việc. Tiếp chúng tôi trong văn phòng chật chội, Phó tổng giám đốc Lê Ngọc Dũng phân trần: “Diện tích nhỏ quá, nên chúng tôi tận dụng mọi chỗ có thể để làm văn phòng và làm kho chứa hàng. Mặt bằng cơ bản đã ưu tiên cho phần trưng bày hàng hóa trong siêu thị”.

Unimart cũng có nhà kho, nhưng diện tích không đủ. Đặc biệt, vào những ngày cao điểm như những dịp lễ tết, do kho chứa hàng dự trữ quá nhỏ, nên siêu thị này thường rơi vào cảnh thiếu hàng, không đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. “Mặt bằng hẹp đang là thách thức lớn đối với chúng tôi trong quá trình mở rộng kinh doanh”, ông Dũng than thở.

Là doanh nghiệp tư nhân, Công ty cổ phần Nhất Nam , chủ thương hiệu Fivimart cũng không tránh được khó khăn về mặt bằng kinh doanh. Nếu thường xuyên mua bán tại chuỗi siêu thị của Fivimart, hẳn các bà nội trợ không quá ngạc nhiên với cảnh lối đi trong siêu thị dần bị thu hẹp để nhường chỗ cho việc cất giữ hàng hoá. Vào những dịp lễ tết, hàng hoá của Fivimart còn “tràn ra” cả lối đi khiến các “thượng đế” nhiều khi phải nghiêng người mới tránh được nhau. Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam chia sẻ, dù đã chính thức hoạt động được 10 năm, nhưng phải sang tháng tới (tức là tháng 11), các siêu thị trong chuỗi Fivimart mới có tổng kho.

Trong thời gian thực tế tại một loạt siêu thị ở Hà Nội, chúng tôi thường rơi vào cảm giác bị ngột ngạt giữa các giá bày hàng. Bà Hậu giải thích thắc mắc này của chúng tôi kèm nụ cười buồn: “Diện tích siêu thị hẹp, trần nhà lại thấp, không tạo được không gian mua bán thoải mái cho khách hàng”.

 

Đuối thế trong cạnh tranh

Trong khi đó, các cơ sở thương mại do nước ngoài đầu tư đã dần xuất hiện ở Hà Nội với những ưu thế hơn hẳn về công nghệ, vốn và mặt bằng. Tại Metro Hoàng Mai vừa mới khai trương, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh hàng hoá được tự động đẩy ra từ bên trong để lấp chỗ trống cho những thứ đã được khách hàng chọn mua. Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng bày tỏ sự ngạc nhiên xen lẫn sự ghen tị khi biết được thực tế này, bởi trong siêu thị của họ, các nhân viên thường phải lúi húi sắp đặt lại từng gói kẹo, từng hộp sữa lên giá khi hết hàng.

Chỉ chi tiết nhỏ trên cũng có thể cho thấy, các siêu thị trong nước “đuối thế” so với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài có tiềm lực hùng hậu. Khi kể về sức ép cạnh tranh, bà Hậu than thở: biết đào đâu ra vốn, công nghệ và mặt bằng để kê giá hàng lớn như ở Metro Hoàng Mai.

Một trong những cuộc cạnh tranh khốc liệt nhất trong hệ thống bán lẻ chính là cuộc cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, đây cũng chính là rào cản lớn nhất với các siêu thị nhỏ trong nước. Trong khi các siêu thị của nước ngoài, với tiềm lực vốn, có thể sẵn sàng cam kết trả tiền hàng sớm cho nhà cung cấp thì các siêu thị nhỏ luôn tìm cách thương lượng với nhà cung cấp để chậm trả tiền hàng (do ít vốn). Vì thế, các nhà sản xuất đã có chế độ giá ưu đãi hơn cho các siêu thị nước ngoài. Cũng liên quan tới giá hàng hoá, nếu như nhập khẩu với số lượng lớn thì chắc chắn giá sẽ thấp. Song các siêu thị nhỏ thì không biết đến bao giờ mới bán hết một container hàng nhập khẩu, nên buộc phải lấy hàng qua khâu trung gian và giá hàng ở đây thường đắt hơn.

Cuộc chơi của “con nhà giàu”

Muốn kinh doanh siêu thị hiệu quả thì phải tổ chức chuỗi siêu thị. Muốn có chuỗi siêu thị thì phải có rất nhiều tiền. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty Siêu thị Hà Nội (Hapromart - Tổng công ty Thương mại Hà Nội) đã khẳng định như vậy khi nói về việc kinh doanh của một trong những loại hình doanh nghiệp bán lẻ này. Để minh chứng cho lời nói của mình, bà Hiền đưa ra dẫn chứng về con số 2 triệu USD mà Công ty của bà đã chi cho việc đưa vào vận hành phần mềm máy tính quản lý hoạt động của tổng kho siêu thị. “Hiện nay, chuỗi Hapromart cung cấp cho khách hàng khoảng 25.000 mặt hàng. Nếu không có phần mềm quản lý hàng hoá trong kho, thì người quản lý rất khó tính toán hàng xuất ra nhập về, chủng loại còn thiếu hay đủ, đáp ứng cho các siêu thị trong chuỗi được bao lâu... Kiểm đếm tới 25.000 mặt hàng bằng thao tác thủ công là việc làm cực kỳ khó khăn”, bà Hiền cho biết. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp khác đã lắc đầu lè lưỡi khi mới nghe đến số tiền nêu trên, bởi “kho bình thường còn chẳng có, nói gì đến phần mềm quản lý”.

“Doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng lên kế hoạch chịu lỗ trong vòng 5-7 năm để tạo ra thị trường cho riêng mình. Đây là điều mà doanh nghiệp trong nước không thể làm nổi bởi không đủ tiềm lực”, ông Vũ Vinh Phú phân tích. Tuy nhiên, không hẳn là cơ hội đã đóng trước mắt các doanh nghiệp trong nước. Hầu hết các nhà quản lý siêu thị trong nước đều khẳng định, họ có thể cạnh tranh được với siêu thị nước ngoài, bởi họ hiểu rõ tập quán tiêu dùng của người Việt: luôn thích ăn đồ tươi và thích sự tiện lợi.

“Mặc dù thị trường bán lẻ còn rất rộng, dễ khai thác, nhưng nếu cứ manh mún như hiện nay, các siêu thị trong nước sẽ bị bóp nghẹt. Muốn tự cứu mình, các doanh nghiệp buộc phải liên kết lại”, ông Phú chỉ ra giải pháp. Sự chia sẻ thông tin về hàng hoá, về những lô hàng hóa nhập khẩu lớn, về nguồn hàng giữa các siêu thị trong nước là điều rất cần thiết để tạo ra sức cạnh tranh với các nhà phân phối bán lẻ nước ngoài. Sự liên kết này sẽ giải quyết được vấn đề thiếu vốn mà doanh nghiệp trong nước đang vướng phải. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đặc biệt quan tâm tới những doanh nghiệp này, thông qua việc cho họ nhiều cơ hội tiếp cận với đất đai để kinh doanh hơn nữa. Ông Phú cũng cho biết, việc hình thành nền công nghiệp bán lẻ sẽ thay đổi được xu hướng tiêu dùng và tác động hiệu quả tới sản xuất. Tuy nhiên, đây vẫn là khái niệm còn “xa xôi” với các doanh nghiệp Việt Nam.

Duy Đông
Duy Đông

Tin cùng chuyên mục