Liên quan đến câu chuyện truy thu và phạt thuế siêu thị Nguyễn Kim gần 150 tỷ đồng khiến dư luận quan tâm, VnExpress có cuộc trao đổi với Phó cục trưởng Cục thuế TP HCM Nguyễn Nam Bình.
- Tại sao cơ quan thuế để Nguyễn Kim “lọt sổ” nhiều năm qua, đến giờ mới bị truy thu, trong khi đáng lẽ, ngay sau thời điểm quyết toán (hạn cuối là 31/3 hằng năm) đã có thể yêu cầu bổ sung nếu phát hiện có vấn đề?
- Trước giờ chính sách thuế của Việt Nam (trong đó có thuế thu nhập cá nhân) chủ yếu thực hiện theo cơ chế tự khai, tự nộp. Khi nào phát hiện ra doanh nghiệp có những dấu hiệu bất thường hoặc phát sinh khiếu nại, tố cáo..., cơ quan thuế mới tiến hành thanh tra các nghĩa vụ thuế. Vì vậy, Nguyễn Kim mới nộp thiếu thuế thời gian dài như vậy.
- Với quyết định truy thu và phạt Nguyễn Kim gần 150 tỷ đồng này, Cục thuế sẽ tiến hành xử lý ra sao?
- Nguyễn Kim đang xin ý kiến Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính về quyết định truy thu. Nếu hai cơ quan này có ý kiến khác, Cục thuế TP HCM sẽ xem xét lại.
Còn trước mắt, cơ quan thuế vẫn ra quyết định xử lý theo đúng quy trình.10 ngày sau khi Cục thuế ra quyết định (ngày ra quyết định là 29/6), Nguyễn Kim sẽ phải nộp gần 150 tỷ đồng vào ngân sách.
- Thông thường, nếu có một nguồn thu nhập thì người lao động có thể ủy quyền cho công ty đứng ra kê khai khấu trừ thuế tại nguồn và nộp cho cơ quan thuế.
Khi khấu trừ tại nguồn, chỉ một số khoản được miễn thuế và không phải kê khai. Còn Nguyễn Kim đã kê khai sai những khoản mục này, dẫn đến các khoản không chịu thuế thực tế là phải chịu thuế.
Nguyễn Kim lấy mức lương thấp hơn để làm cơ sở tính thuế thu nhập. Phần còn lại phân bổ vào các khoản mục khác như tiền tăng ca, tiền tăng giờ làm.
Không chỉ có lương mà các khoản tiền thưởng hàng quý, hàng năm cũng được thực hiện theo cách tương tự để giảm phần thuế phải nộp. Lương tăng ca thì chỉ nộp thuế bằng giờ làm việc bình thường, phần chênh lệch sẽ được miễn thuế.
Chẳng hạn, với chức danh tổng giám đốc, phó tổng giám đốc thực nhận khoảng 300 triệu đồng mỗi tháng nhưng Nguyễn Kim chỉ khai thuế 30 triệu đồng.
Trưởng bộ phận thực nhận 50 triệu đồng mỗi tháng nhưng Nguyễn Kim chỉ khai thuế với lương cơ bản là 12 triệu đồng. Số tiền chênh lệch, 270 triệu đồng và 38 triệu đồng sẽ được chuyển thành lương tăng ca (chỉ nộp bằng giờ làm việc bình thường, phần chênh lệch sẽ được miễn thuế).
Đây là hành vi kê khai sai, nhưng họ vẫn thể hiện toàn bộ thu nhập chi trả cho nhân viên trên sổ sách kế toán chứ không có hành vi che giấu, giả mạo hay để ngoài sổ sách.
Nếu trốn thuế thì các con số thu nhập họ phải để nằm ngoài, hoặc có hai sổ sách. Họ không hiểu đúng luật thuế thu nhập cá nhân. Do vậy, Cục thuế chỉ xử phạt về hành vi kê khai sai (tiến hành truy thu số thuế thiếu và các khoản phạt) chứ không xử lý về tội trốn thuế.
- Với những trường hợp cố tình tìm cách trốn thuế thì sẽ bị xử lý như thế nào?
- Với những hành vi vi phạm quy định pháp luật về thuế như trốn thuế, gian lận thuế nhưng sau đó tự giác kê khai trước khi cơ quan thuế thanh kiểm tra thì được cho phép khắc phục. Trường hợp cố tình trốn thuế, né thuế và bị cơ quan thuế thanh tra phát hiện có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự tùy mức độ vi phạm khác nhau.
- Thời gian tới, Cục thuế TP HCM có biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng vi phạm thuế tương tự này?
- Cục thuế sẽ tăng cường việc kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp. Hoạt động này trước hết là để đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định, thủ tục của luật pháp Việt Nam; đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh cũng như đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Thứ hai, việc thanh kiểm tra thuế và áp dụng các chính sách truy thu, phạt nặng sẽ làm gia tăng tính răn đe với các doanh nghiệp không tuân thủ quy định.
Ngoài ra, thời gian tới, cơ quan thuế sẽ giám sát lại các trường hợp quỹ lương mà doanh nghiệp trả so với mức thuế họ đóng.
Song song đó, Cục thuế sẽ đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật thuế thu nhập cá nhân nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành thuế của doanh nghiệp cũng như tiếp tục rà soát các khoản thu nhập để đảm bảo công bằng trong nghĩa vụ thuế với tất cả mọi người và doanh nghiệp.