Siêu lợi nhuận từ Sapa Hưng Yên, TGĐ Hanic nói gì?

(ĐTCK) Mua vào và bán ra trong thời gian ngắn cổ phiếu Sapa Hưng Yên, CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (Hanic, mã SHN) thu lời tới 177 tỷ đồng. Giao dịch này của Công ty khiến thị trường đặt câu hỏi về tính xác thực của thông tin. Báo ĐTCK  đã trao đổi với ông Đinh Hồng Long, Tổng giám đốc SHN về vấn đề này. 
Siêu lợi nhuận từ Sapa Hưng Yên, TGĐ Hanic nói gì?

Mua vào và bán ra trong thời gian ngắn cổ phiếu Sapa Hưng Yên, CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (Hanic, mã SHN) thu lời tới 177 tỷ đồng. Giao dịch này của Công ty khiến thị trường đặt câu hỏi về tính xác thực của thông tin. Báo ĐTCK  đã trao đổi với ông Đinh Hồng Long, Tổng giám đốc SHN về vấn đề này.

Thưa ông, thị trường đặt câu hỏi, liệu khoản lợi nhuận liên quan đến thương vụ giao dịch cổ phiếu Sapa Hưng Yên có thật không, khi nó được diễn ra trong khoảng thời gian quá ngắn?

Chúng tôi đang trong giai đoạn tái cấu trúc toàn diện hoạt động của mình, và chủ trương của Công ty là tuân thủ mọi quy định của pháp luật, đặc biệt là tính trung thực, để một phần góp phần xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp trong mắt các khách hàng, đối tác, nhà đầu tư, một phần đảm bảo tính an toàn, hiệu quả trong kinh doanh. Và vì vậy, mọi hoạt động đầu tư của SHN cũng phải được thực hiện theo nguyên tắc này.

Nhưng Sapa Hưng Yên chỉ mới được thành lập có 2 tháng, nên việc có mức giá cao hơn nhiều mệnh giá có vẻ không hợp lý?

Về mặt pháp lý thì đúng là Sapa Hưng Yên mới được thành lập thời gian ngắn, nhưng nếu đánh giá một doanh nghiệp chỉ nhìn vào thời gian hoạt động ngắn, thì tôi nghĩ đó là điều phi logic. Điều tạo nên giá trị của doanh nghiệp phải là tài sản, lợi thế kinh doanh và chiến lược phát triển của doanh nghiệp đó.

Sapa Hưng Yên được thành lập trên cở sở dự án đã có sẵn, sở hữu nhiều tài sản có giá trị, trong đó có thể kể đến là nhà máy chuyên sản xuất bao bì PP trên dây chyền đồng bộ và hiện đại của Đài Loan với công suất trên 40 triệu sản phẩm/năm. Đây là nhà máy đã được xây dựng và đi vào hoạt động từ trước, có sẵn mạng lưới khách hàng, đối tác, nên khi thành lập Sapa Hưng Yên, Công ty đã khai thác được 100% công suất thiết bị, doanh thu trên 120 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 350 lao động. Bên cạnh đó, Sapa Hưng Yên cũng có nhà máy sản xuất bao dệt PP có công suất 20 triệu bao/năm, đã sản xuất cung cấp hàng trên khắp thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Công ty này cũng chính là nhà cung cấp sản phẩm bao bì cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn và có uy tín trong cả nước như: CTCP Proconco, CTCP Charoen Pokhand, Công ty TNHH Newhope…; các nhà thực phẩm, sản xuất phân bón. Sản phẩm bao bì của của Công ty đã xuất khẩu sang Nga, Đài Loan... và được khách hàng tin cậy. Số còn lại cung cấp chính cho nhà máy Xi măng Thăng Long và một số đơn vị khác.

Đặc biệt, nhà máy đặt trên diện tích đất gần 5 héc-ta tại mặt đường quốc lộ 5 của tỉnh Hưng yên giáp Hà Nội, đây là những vị trí đắc địa có giá trị thương mại cao và nhiều tiềm năng kinh doanh  lớn.

Ngoài nhà máy và diện tích đất này, Sapa Hưng Yên cũng sở hữu 2 dự án bất động sản khác bao gồm 1 dự án Biệt thự, nhà vườn, đô thị sinh thái ở phía Nam Hà Nội và một dự án bất động sản khác ở phía Tây Hà Nội.

Vậy vì sao đối tác mua bán không trực tiếp gặp nhau, mà lại phải thông qua Hanic và để cho Công ty có lãi lớn như vậy?

Khi tham gia tái cấu trúc SHN, phía Tập đoàn Geleximco ngoài cam kết hỗ trợ về các cơ hội kinh doanh để đảm bảo mục tiêu xóa lỗ, thì có cam kết hỗ trợ SHN trong việc tham gia vào các dự án của Tập đoàn để làm nền tảng cho kinh doanh sau này. Ý tưởng thành lập Sapa Hưng Yên trên nền tảng một số hoạt động kinh doanh và các dự án đã có, và SHN được ưu tiên tham gia, cho mục tiêu mở rộng kinh doanh giai đoạn tới.

Sapa Hưng Yên được chúng tôi đưa vào danh mục đầu tư dự kiến với mục đích ban đầu là sẽ khai thác toàn bộ lợi thế đắc địa của khu đất, phát triển tiếp các dự án cũng như hệ thống khách hàng của dự án này.

Tuy nhiên, do năng lực tài chính lúc đó của Công ty còn bị giới hạn, nên SHN đặt mục tiêu xóa lỗ thành công trước khi dành vốn cho các dự án mới. Và khi có đối tác muốn tham gia vào Sapa Hưng Yên và định giá cổ phiếu cao dựa định giá nhà máy và tiềm năng các dự án bất động sản, thì Ban lãnh đạo SHN đã quyết định tận dụng cơ hội này để đạt mục tiêu xóa lỗ. Đó là lý do chúng tôi quyết định ký mua và bán trong thời gian ngắn.

Sự thật là nếu không có đối tác mua, SHN sẽ không giải ngân vì còn ưu tiên vốn cho hoạt động khác nhằm xóa lỗ nhanh hơn.

Tuy đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Sapa Hưng Yên cho đối tác khác nhưng SHN vẫn duy trì cơ hội hợp tác và khai thác kinh doanh trong tương lai đối với dự án đầy tiềm năng.

Việt Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục