Bài 2: Mỏi mòn kiến nghị… khẩn gỡ vướng cho Tuyến Metro số 1
Là dự án quan trọng quốc gia, khởi động từ năm 2007, song tới giờ này, Tuyến Metro số 1 (tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên) vẫn chưa thể khai thác thương mại, bởi vướng mắc trong việc xác định giá trị vốn ODA cấp phát còn lại từ Trung ương theo JPY (yên) hay VND (đồng) chưa được tháo gỡ mặc dù UBND TP.HCM đã nhiều lần kiến nghị khẩn. Hệ lụy của việc này không chỉ dừng ở hàng ngàn tỷ đồng không thể giải ngân.
Vẫn mãi một chuyện vướng víu
Tuyến Metro số 1 có tổng chiều dài 19,7 km với 3 ga ngầm, 11 ga trên cao, thuộc dự án quan trọng quốc gia, do Chủ tịch UBND TP.HCM quyết định đầu tư, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đứng tên chủ đầu tư.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.757 tỷ đồng, gồm vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương và vốn ODA vay lại nước ngoài của Chính phủ, vốn đối ứng từ ngân sách TP.HCM và trung ương. Trong đó, vốn ODA vay hơn 38.265 tỷ đồng (khoảng 185,176 tỷ yên); vốn đối ứng gần 5.500 tỷ đồng.
Báo cáo mới nhất đề ngày 19/4/2021 của MAUR cho thấy, tiến độ toàn Dự án tới thời điểm báo cáo đạt hơn 83%.
Đặc biệt, cả báo cáo của MAUR hay báo cáo trước đó ít ngày của Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM đều chung một bức xúc.
Cụ thể, cơ chế tài chính trong nước đối với vốn vay nước ngoài đã được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 7710/VPCP-QHQT, ngày 28/8/2019, theo đó, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã đồng ý nguyên tắc, cách thức xác định mức vay lại, giá trị cấp phát, cho vay lại theo đề xuất của Bộ Tài chính tại Công văn số 9227/BTC-QLN, ngày 12/8/2019.
Theo đó, cách thức xác định mức vay lại, giá trị cấp phát, cho vay lại đã được xác định theo nguyên tắc: vốn cấp phát là 70,836 tỷ yên (tỷ lệ 67,5%), trong đó, phần cấp phát đã giải ngân (đã hạch toán ngân sách nhà nước) là 53,022 tỷ yên, phần cấp phát chưa giải ngân theo các hiệp định vay đã ký là 17,814 tỷ yên; vốn vay lại là 34,106 tỷ yên (tỷ lệ 32,5%). Đối với phần vốn vay thuộc tổng mức đầu tư tăng thêm, UBND TP.HCM vay lại 100%.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh vướng mắc trong việc xác định giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách trung ương theo yên hay đồng cũng như tỷ giá quy đổi giữa 2 loại đồng tiền này để xác định chính xác giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách trung ương.
Về vướng mắc này, UBND TP.HCM đã nhiều lần có văn bản báo cáo, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và đã làm việc với lãnh đạo bộ, ngành liên quan để giải quyết. Thủ tướng Chính phủ cũng quan tâm chỉ đạo rất quyết liệt.
Trước kiến nghị của UBND TP.HCM tại buổi làm việc ngày 20/7/2020, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 307/TB-VPCP ngày 21/8/2020 truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như sau: “Tổng mức đầu tư được UBND TP.HCM phê duyệt bằng ngoại tệ đối với phần vốn ODA, Dự án có nhiều khoản chi trả bằng đồng yên Nhật Bản, các khoản vay cho Dự án bằng đồng yên Nhật Bản, nên việc xác định giá trị vốn cấp phát, vốn vay lại căn cứ tổng mức đầu tư theo đồng yên Nhật Bản. UBND TP.HCM có văn bản xác định chính xác giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách trung ương theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh tại Thông bảo số 225/TB-VPCP ngày 08/7/2020. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương xem xét, đề xuất bổ sung số vốn còn thiếu so với mức được ngân sách trung ương hỗ trợ (dự kiến bằng đồng Việt Nam tương đương 17,814 tỷ yên Nhật Bản) cho Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/8/2020; tỷ giá tính theo thời điểm thanh toán”.
Thực hiện chỉ đạo trên cùng hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chấp thuận chủ trương của Bộ Tài chính, UBND TP.HCM đã chỉ đạo chủ đầu tư cập nhật và thể hiện giá trị vốn vay ODA cấp phát và vay lại của Dự án Tuyến Metro số 1.
Tới ngày 22/3/2021, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký văn bản khẩn gửi Chính phủ về xác định giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách trung ương để tháo gỡ cho Dự án.
Mới đây nhất, ngày 14/4/2021, UBND TP.HCM tiếp tục gửi Văn bản số 1136/UBND-DA (do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình ký) để “kêu cứu”.
Song cho đến nay, vướng mắc của việc xác định giá trị vốn ODA cấp phát còn lại vẫn chưa được tháo gỡ.
Không chỉ hàng ngàn tỷ đồng không giải ngân được
Điều oái oăm, trong khi hàng loạt “siêu dự án” đường sắt, đường bộ “đói tiền”, thì Dự án Tuyến Metro 1 có nguồn vốn, lại vướng mắc trong việc xác định giá trị vốn ODA cấp phát còn lại, ảnh hưởng đến công tác giải ngân.
Báo cáo số 1136/UBND-DA, ngày 14/4/2021 của UBND TP.HCM cho thấy, Dự án Tuyến Metro số 1 đã đạt hơn 83% tổng khối lượng và đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để phấn đấu cơ bản hoàn thành thi công, lắp đặt thiết bị, tiến tới vận hành khai thác vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, vướng mắc trong việc xác định giá trị vốn ODA cấp phát còn lại đã ảnh hưởng đến công tác bố trí vốn, giải ngân vốn và các thỏa thuận vay đã ký kết.
Cụ thể, Thỏa thuận vay VN11-P7 ký ngày 30/3/2012 với trị giá vay là 44,302 tỷ yên có thời hạn giải ngân đến ngày 31/10/2018, sau đó được gia hạn 2 lần (đến ngày 30/4/2020 và ngày 31/10/2020). Nhưng do không được bố trí kế hoạch vốn ODA cấp phát từ năm 2017, nên mặc dù đã gia hạn 2 lần, số vốn vay từ Thỏa thuận vay VN11-P7 đã không được giải ngân là 8,647 tỷ yên (thuộc phần vốn ODA cấp phát).
Về kế hoạch vốn, năm 2020, Dự án Tuyến Metro số 1 được phân bổ 2.185 tỷ đồng, nhưng không giải ngân được. Năm 2021, Dự án được phân bổ 2.484,293 tỷ đồng, song hiện vẫn chưa có cơ sở để giải ngân.
Đáng lo nữa, theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình, UBND TP.HCM đang phối hợp với Bộ Tài chính xúc tiến thủ tục ký kết thỏa thuận vay tiếp theo của Dự án (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản đang triển khai công tác thẩm định để hoàn tất các thủ tục đàm phán, ký kết vào quý III/2021). Cơ sở để triển khai thủ tục đàm phán, ký kết thỏa thuận vay là quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cho vay lại theo Luật Quản lý nợ công năm 2017 (Bộ Tài chính đang thẩm định hồ sơ theo đề nghị của UBND TP.HCM).
Vì vậy, những vướng mắc trong việc xác định vốn ODA cấp phát sẽ ảnh hưởng đến công tác thẩm định và triển khai thủ tục ký kết thỏa thuận vay, dẫn đến khả năng thiếu vốn cho Dự án vào năm 2022, không chỉ gây khó khăn trong giải ngân, mà còn có thể dẫn đến khiếu nại và phát sinh chi phí do chậm thanh toán cho các nhà thầu cũng như đảm bảo tiến độ cam kết với nhà tài trợ.
Nhằm đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý cũng như có cơ sở để bố trí vốn, giải ngân nguồn vốn ODA, UBND TP.HCM kiến nghị Phó thủ tướng Phạm Bình Minh chấp thuận chủ trương phê duyệt quyết định điều chỉnh đầu tư Dự án Tuyến Metro số 1, trong đó xác định vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương và vay lại đối với vốn vay ODA cho Dự án bằng tiền đồng Việt Nam theo ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư như sau: vốn ODA đã giải ngân tính theo tỷ giá hạch toán ngân sách nhà nước tại từng thời điểm giải ngân; vốn ODA chưa giải ngân tính theo tỷ giá tại thời điểm phê duyệt điều chỉnh Dự án tại Quyết định số 4856/QĐ-UBND, ngày 13/11/2019.
Đối với số vốn ODA cấp phát từ Thỏa thuận vay VN11-P7 đã không được giải ngân (8,647 tỷ yên) thì theo ý kiến của Bộ tài chính. Tuy nhiên, để đảm bảo cấp phát hết số vốn vay nước ngoài đã phân bổ cho Dự án (70,836 tỷ yên), UBND TP.HCM kiến nghị Phó thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận việc điều chuyển hạn mức vốn ODA cấp phát chưa giải ngân từ Thỏa thuận vay VN11-P7 là 8,647 tỷ yên sang Thỏa thuận vay VNIS-PS.
UBND TP.HCM sẽ phối hợp với Bộ Tài chính điều chỉnh giá trị Hợp đồng vay lại theo quy định.
Đủ điều kiện gia hạn vay Dự án Tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương)
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính về gia hạn thời hạn giải ngân và điều chỉnh lịch trả nợ khoản vay Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) cho Dự án Tuyến Metro số 2, trong đó khẳng định tình hình hiện tại đã đáp ứng điều kiện của KfW để gia hạn thời hạn giải ngân và điều chỉnh lịch trả nợ khoản vay.
Năm 2019, UBND TP.HCM đã đề nghị gia hạn thời gian giải ngân đến khi hoàn thành Dự án vào năm 2026 và điều chỉnh lịch trả nợ bắt đầu từ năm 2027. Tuy nhiên, KfW có ý kiến, chỉ có thể gia hạn thời gian giải ngân đến ngày 30/12/2024 với điều kiện Dự án có tiến triển cụ thể như kết luận về Phụ lục hợp đồng số 13 giữa Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) và Tư vấn IC hoặc kế hoạch thực hiện giải pháp thay thế.
Liên quan đến đàm phán Phụ lục hợp đồng số 13 với Tư vấn IC, UBND TP.HCM cho biết, MAUR đã nỗ lực đàm phán, nhưng Tư vấn IC vẫn kiên quyết yêu cầu thanh toán cho các nhiệm vụ chưa hoàn thành, chưa đủ điều kiện thanh toán theo hợp đồng và các phụ lục hợp đồng đã ký, thì mới bắt đầu lại dịch vụ của mình.
Sau đó, MAUR đã làm việc với các nhà tài trợ, thống nhất về giải pháp thực hiện thay thế trong trường hợp không đạt được kết quả đàm phán với Tư vấn IC. Sau thời hạn cuối cùng, Tư vấn IC vẫn không đồng thuận, buộc MAUR gửi công văn tới các nhà tài trợ có ý kiến không phản đối việc kết thúc quá trình đàm phán với Tư vấn IC và việc triển khai giải pháp thay thế Tư vấn IC.
KfW đã có thư nêu ý kiến không phản đối đề nghị trên.
Từ đó UBND TP.HCM đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện các thủ tục về gia hạn thời hạn khoản vay đến ngày 30/12/2024 và điều chỉnh lịch trả nợ đến ngày 30/9/2025 với khoản vay của KfW cho Dự án có giá trị 240,75 triệu EUR.
Dự án Tuyến Metro số 2 dài 11,2 km, có tổng mức đầu tư hơn 47.800 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành năm 2026.
(Còn tiếp)