Siêu đòn bẩy trên thị trường chứng khoán (Kỳ 3): Né nguy cơ giảm dây chuyền từ các tổng kho

(ĐTCK) Với khả năng giá cổ phiếu lao dốc không phanh khi các tổng kho bán giải chấp, nhà đầu tư cần làm gì để tránh được nguy cơ “cháy” tài khoản?

Đừng sử dụng đòn bẩy quá đà

Với những người sử dụng tổng kho như một phương tiện để tăng khả năng đầu tư của mình, việc đối diện với nguy cơ cháy tài khoản là điều khó tránh khỏi. Bởi chỉ cần cổ phiếu giảm giá xấp xỉ 10%, các tổng kho có thể sẽ bán cổ phiếu ra ồ ạt để thu tiền về. Động thái này sẽ khiến giá cổ phiếu giảm thêm, dẫn tới số tiền thu về của nhà đầu tư còn rất nhỏ.

Thế nhưng, với những nhà đầu tư không sử dụng siêu đòn bẩy từ các tổng kho, làm cách nào để né được nguy cơ tài khoản bị thổi bay do hiệu ứng bán tháo từ các tổng kho này? Câu hỏi này đặt ra trong bối cảnh, các nhà đầu tư bên ngoài gần như không có khả năng tiếp cận thông tin từ thị trường về giao dịch của các tổng kho? Câu trả lời trước hết nằm ở việc bản thân nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng đòn bẩy lớn.

Cổ phiếu khi bị giảm quá đà bởi một yếu tố bất thường sẽ có xu hướng quay trở lại vùng giá cân bằng, nên nếu không bị bán giải chấp ở vùng giá thấp (tương đương với nguy cơ bay tài khoản), nhà đầu tư sẽ còn cơ hội làm lại.

Trên thị trường thời gian qua, một số mã chứng khoán giảm giá tới 50%, với nguyên nhân ban đầu là việc bán tháo cổ phiếu của các tổng kho để thu hồi vốn, dẫn tới giá chạm vào ngưỡng bán giải chấp. Và rồi, các đợt bán giải chấp của công ty chứng khoán là cú nhấn chìm kế tiếp cho các cổ đông không sử dụng dịch vụ đòn bẩy của tổng kho.

Nhà đầu tư Nguyễn Văn Thành tại Công ty chứng khoán MBS cho biết, mặc dù một số mã chứng khoán được phép vay tới 50% giá trị giao dịch, nhưng với những mã chứng khoán có biến động lớn, cá nhân ông thường chỉ vay với tỷ lệ dưới 30% tổng giá trị giải ngân để tránh nguy cơ cổ phiếu bị ép bán giải chấp đúng vùng đáy.

Chọn cổ phiếu “đúng” và theo sát thông tin

Số đông nhà đầu tư có xu hướng mua vào khi cổ phiếu đang lên và bán ra khi cổ phiếu đã bị giảm. Khi một cổ phiếu bất ngờ có lệnh bán lớn (vài trăm nghìn đến cả triệu cổ phiếu/lệnh), nhà đầu tư có xu hướng dừng lại không dám mua, hoặc thậm chí bán theo. Điều này dẫn đến tình trạng đôi khi nhiều nhà đầu tư chấp nhận cắt lỗ đúng vùng đáy vì lo ngại, mà không phải vì bị ép bán giải chấp hoặc thông tin xấu từ doanh nghiệp.

Nhận định về thực tế trên, các nhà đầu tư có kinh nghiệm cho rằng, điều này xuất phát từ việc tâm lý các nhà đầu tư yếu và không tự tin về giá trị cơ bản của cổ phiếu. Việc mua bán cổ phiếu khi không nắm đầy đủ thông tin về cổ phiếu, doanh nghiệp phát hành và tâm lý yếu… thường khiến nhà đầu tư có quyết định sai.

“Nếu nắm đủ thông tin và tự tin với quyết định giao dịch của mình, khi giá cổ phiếu xuống, nhà đầu tư có thể coi đây là cơ hội để mua vào, hoặc ít nhất không bán ra ở vùng giá đáy. Đây là lý do tôi khuyên các nhà đầu tư nên nghiên cứu kỹ cơ bản của cổ phiếu trước khi giao dịch, thay vì chỉ mua bán theo đám đông hoặc tin đồn.

Bên cạnh đó, khi đã mua vào một cổ phiếu, nhà đầu tư cần theo dõi sát thông tin, giống như đang vào một trận đấu, không nên bỏ lơ thông tin thị trường”, Trần Thanh Tuấn, môi giới tại Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect nói và cho rằng, có như vậy, môi giới mới… có việc để làm.

Vai trò của cơ quan quản lý ở đâu?

Giao dịch giữa các nhà đầu tư với các tổng kho, về mặt hình thức, hoàn toàn là giao dịch dân sự. Tổng kho có tiền hoặc cổ phiếu và nhà đầu tư muốn vay tiền để giao dịch, hai bên thỏa thuận và tiến hành giao dịch. Vậy cơ quan quản lý cao nhất trong lĩnh vực chứng khoán, cụ thể là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải làm thế nào để phát hiện các dấu hiệu vi phạm và có biện pháp xử lý tình trạng “tổng kho”.

Sau hai bài đầu tiên về tổng kho, Đầu tư Chứng khoán đã nhận được một loạt phản hồi của các nhà đầu tư, với ý kiến cho rằng, hoạt động của các tổng kho đang tạo nên sự méo mó về diễn biến giá của các mã chứng khoán trên thị trường.

Bình luận về tính pháp lý của hoạt động này, nhà đầu tư đều cho rằng, đây là những hoạt động cần được giám sát. Tổng hợp các ý kiến nhà đầu tư, có 3 vấn đề lớn xung quanh tính pháp lý của hoạt động cho vay các tổng kho mà cơ quan quản lý cần xem xét.

Thứ nhất là sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa nguồn hàng, tiền bên ngoài với các công ty chứng khoán. Cùng là hoạt động cho vay, nhưng các công ty chứng khoán chỉ được cho vay trong danh mục cổ phiếu, với tỷ lệ tối đa là 50% giá trị giải ngân. Trong khi đó, các tổng kho cho vay bất kỳ mã chứng khoán nào, với tỷ lệ cho vay đến 80% giá trị giải ngân. Với vấn đề này, theo các nhà đầu tư, nên chăng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần có ý kiến về hoạt động các tổng kho nói trên.

Trên thực tế, để được phép cho nhà đầu tư giao dịch ký quỹ, các công ty chứng khoán phải đáp ứng các điều kiện về tài chính, nghiệp vụ và phải được chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Danh mục cho vay cũng là những cổ phiếu không nằm trong danh sách các cổ phiếu không được phép giao dịch ký quỹ, với tỷ lệ theo quy định; đồng thời chịu các ràng buộc về những quy định liên quan đến tổng mức giải ngân. Trong khi đó, các tổng kho hoạt động có lợi thế vượt trội, không cần giấy phép, không chịu ràng buộc nào.

Vấn đề thứ hai là câu chuyện lãi suất. Việc cho vay với lãi suất lên tới trên 20%/năm, vượt rất xa mặt bằng lãi suất chung, được nhà đầu tư đặt câu hỏi về tính hợp lý, hợp lệ của mức lãi suất này. Vấn đề thứ ba chính là hoạt động thuế.

Các công ty chứng khoán vẫn phải nộp thuế với phần lãi thu được từ hoạt động cho vay giao dịch chứng khoán, nhưng với các hoạt động cho vay của tổng kho, liệu có giao dịch nào được nộp thuế về ngân sách nhà nước?

Thực tế vận hành của các “tổng kho” và những dấu hỏi xung quanh nó đòi hỏi nhà quản lý phải có cách giám sát, điều tra sâu, thâm nhập vào thị trường mới có thể tìm ra các chứng cứ sai phạm.

Tiểu Mai

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục