Thậm chí, khi điểm danh, cơ quan quản lý mới phát hiện nhiều chủ đầu tư bỗng dưng… mất tích.
Rà soát phát hiện chủ đầu tư… mất tích
Ngày 31/10/2013, UBND TP. Hà Nội đã có Văn bản số 8151 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND huyện Mê Linh về việc kiểm tra dự án để hoang hóa sau giải phóng mặt bằng.
Theo đó, các chủ đầu tư dự án tại Mê Linh phải gửi những thông tin về dự án đang triển khai, bao gồm quy mô, nguồn vốn, thời điểm triển khai, ngày hoàn thành, tình hình thực hiện dự án, tình hình thực hiện bồi thường, bàn giao đất, nghĩa vụ tài chính với Nhà nước… trước ngày 18/11/2013.
Thế nhưng, ngày 27/11, sau thời hạn chót báo cáo 10 ngày, khi trao đổi với phóng viên Đầu tư Bất động sản, ông Đinh Ngọc Thức, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mê Linh cho biết, huyện Mê Linh mới chỉ nhận được báo cáo của 16 đơn vị trên tổng số 26 đơn vị được yêu cầu báo cáo. Đặc biệt, nhiều chủ đầu tư bỗng dưng mất tích, không thể liên lạc qua điện thoại, trong khi trụ sở doanh nghiệp cũng không còn.
Trung tâm Dự án Diamond Park New vẫn là những ruộng rau
Lý giải việc chủ đầu tư dự án bỗng dưng mất tích, ông Thức cho biết, nhiều doanh nghiệp đã chuyển trụ sở, nhiều nhân sự đầu mối đã nghỉ việc. Vì thế, để liên hệ được với chủ đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Thành phố và UBND huyện Mê Linh đang phải rà soát từng số điện thoại của doanh nghiệp, nhưng vẫn chưa thể liên lạc được với nhiều đơn vị.
Nhiều dự án sẽ lên “bàn cân”
Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, trên địa bàn huyện Mê Linh hiện có 50 dự án của 47 chủ đầu tư, với tổng diện tích đất lên đến 14.394 héc-ta. Hầu hết các dự án đều được phê duyệt trước thời điểm 1/8/2008 (thời điểm huyện Mê Linh sáp nhập vào Hà Nội). Ngay sau khi được phê duyệt, nhiều chủ đầu tư đã chia lô bán nền và huy động vốn góp từ nhiều nhà đầu tư thứ cấp, dù dự án đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, sau hơn 5 năm triển khai, đến nay, chưa có dự án nào tại các khu đô thị Mê Linh hoàn thành giải phóng mặt bằng. Trong số đó có nhiều dự án đình đám, một thời làm “nóng” thị trường bất động sản phía Bắc Thủ đô như Dự án Khu đô thị AIC, Dự án Minh Giang Đầm Và, Diamond Park New hay Cienco 5… Các dự án này hiện vẫn là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm, nhiều thửa ruộng chưa bồi thường giải phóng mặt bằng, vẫn được người dân trồng hoa màu.
Theo ông Thức, nguyên nhân khiến Mê Linh trở thành vùng dự án hoang là vì các dự án trên địa bàn hầu hết bị điều chỉnh quy hoạch nên phải tạm dừng. Ngay sau khi điều chỉnh quy hoạch, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, nên nhiều doanh nghiệp cũng không triển khai.
Dự án Ninh Giang Đầm Và thành bãi chăn bò
Ông Thức thừa nhận, rất nhiều dự án trên địa bàn đã tiến hành huy động vốn, vì vậy, việc dừng quá lâu có thể khiến nhiều khách hàng bức xúc. Thế nhưng, bản thân ông làm công tác tiếp dân, tiếp nhận đơn thư, cũng chưa hề nhận được đơn thư nào từ người dân liên quan đến tranh chấp mua bán đất dự án trên địa bàn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Hồng, đại diện một văn phòng môi giới bất động sản tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh cho biết, do chủ đầu tư “ngâm tôm” dự án quá lâu, trong khi thị trường địa ốc trầm lắng kéo dài, nên nhiều nhà đầu tư không chịu thêm được nữa đã quay lại đòi tiền góp vốn, song việc đòi lại tiền là rất khó.
Ở một số dự án, khách hàng và chủ đầu tư thỏa thuận không tiếp tục triển khai dự án khi thị trường vẫn còn quá xấu, nhưng vẫn có những dự án, khách hàng quyết liệt đòi nhà hoặc đòi rút vốn, điển hình như dự án chung cư cao tầng tại xã Tiền Phong do CTCP Đầu tư phát triển 18 làm chủ đầu tư.
Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, từ năm 2008 đến nay, vùng dự án Mê Linh đã trải qua nhiều đợt rà soát và điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với định hướng phát triển thành vành đai xanh, đô thị công nghiệp sạch và dịch vụ phía Bắc Thủ đô.
Việc Thành phố tiếp tục yêu cầu rà soát đối với các dự án tại Mê Linh lần này sẽ khiến hàng loạt dự án phải lên bàn cân. Khi đó, nếu các dự án đã huy động vốn bị trảm, nhiều khả năng tranh chấp sẽ bùng phát.