Đầu tháng này, tại Ngân hàng A, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng tăng từ 4,1%/năm lên 4,3%/năm; kỳ hạn 2 tháng tăng từ 4,1%/năm lên 4,2%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng từ 5,1%/năm lên 5,3%/năm.
Tương tự, lãi suất tiết kiệm tại Ngân hàng V kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng cũng tăng từ 4,1%/năm lên 4,3%/năm; kỳ hạn 6 tháng đến dưới 9 tháng tăng từ 5,1% lên 5,3%/năm.
Lãnh đạo các ngân hàng đều chung nhận định, lãi suất huy động tại các ngân hàng trong tháng 9 tiếp nối đà tăng từ tháng 8.
Kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng, lãi suất tiết kiệm tại Ngân hàng T được điều chỉnh tăng 0,1% lên mức 4,7 - 4,8%/năm. Còn gửi tiết kiệm 6 - 9 tháng, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất 5,9%/năm, tăng tới 0,3% so với cùng thời điểm tháng trước.
Với khoản tiền gửi có kỳ hạn ngắn từ 1 - 2 tháng tại Ngân hàng B, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất là 5,5%/năm (tăng 0,1%/năm so với tháng 8), kỳ hạn từ 6 - 7 tháng có lãi suất là 7,3%/năm, kỳ hạn 8 tháng có lãi suất là 7,4%/năm (tăng 0,2%/năm); kỳ hạn từ 9 -10 tháng có lãi suất 7,4%/năm (tăng 0,1%/năm).
Trao đổi với phóng viên Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo các ngân hàng đều chung nhận định, lãi suất huy động tại các ngân hàng trong tháng 9 tiếp nối đà tăng từ tháng 8.
Cụ thể, thanh khoản thị trường tiền tệ liên ngân hàng tiếp tục xu hướng căng thẳng trong tháng 8/2018. Mặt bằng lãi suất tăng được phản ánh bởi mức tăng rất nhanh trên thị trường mở (OMO) hơn 2%/năm chỉ trong vòng 10 ngày đầu tháng, từ mức 2,0 - 2,3%/năm lên sát mức trần là 4,6 - 4,8%/năm và dao động quanh mức này trong phần lớn thời gian còn lại của tháng.
Bình quân cả tháng, lãi suất kỳ hạn 1 tuần là 4,11%/năm, tăng 1,81%/năm so với tháng trước và cao hơn 0,83%/năm so với cùng kỳ 2017, trong khi lãi suất kỳ hạn 3 tháng là 4,53%/năm, tăng 0,70%/năm so với tháng trước…
Xu hướng trên được các lãnh đạo ngân hàng lý giải bởi sự dịch chuyển các dòng tiền lớn trên thị trường. Dù tăng trưởng tín dụng không mạnh như các năm trước, nhưng thực tế chênh lệch huy động vốn – cho vay bằng VND tiếp tục thu hẹp trong tháng 8 với mức thu hẹp khoảng 50.000 tỷ đồng, do tín dụng tăng trưởng nhanh hơn so với huy động vốn khoảng 0,9%.
Bên cạnh đó, số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm nhẹ khoảng 5.000 – 10.000 tỷ đồng trong bối cảnh ngân sách nhà nước đã và đang chuyển dịch từ trạng thái thặng dư của tháng 7 sang thâm hụt nhẹ trong tháng 8/2018.
“Ngân hàng Nhà nước kiểm soát cung tiền chặt chẽ thông qua các công cụ thị trường mở và bán ngoại tệ can thiệp, với tổng khối lượng hút ròng gần 2.000 tỷ đồng trong bối cảnh thanh khoản không dư thừa.
Đáng chú ý, chỉ trong 4 ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành gần 50.000 tỷ đồng tín phiếu ở các kỳ hạn; trong đó, riêng kỳ hạn 140 ngày chiếm hơn 60% tổng số tín phiếu phát hành”, giám đốc nguồn vốn một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết.
Ngày 11/9, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND đã giảm 0,06 - 0,13 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn so với phiên đầu tuần.
Cụ thể, lãi suất qua đêm là 4,18%/năm, 1 tuần là 4,33%/năm, 2 tuần là 4,42%/năm và 1 tháng là 4,52%/năm. Mặc dù lãi suất liên ngân hàng có chiều hướng giảm, nhưng vị giám đốc nguồn vốn trên nhận định, thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng VND trong tháng 9 về cơ bản vẫn khá căng thẳng.
Mặt bằng lãi suất dự kiến tiếp tục duy trì ở mức cao, dao động chủ đạo quanh mức 4,2%/năm qua đêm và 4,7%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Mặc dù lãi suất tăng được các nhà phân tích nhận định bắt nguồn từ việc các ngân hàng tăng huy động nhằm đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ rút từ 45% hiện tại xuống còn 40% vào đầu năm 2019.
Ngân hàng Nhà nước thông qua hoạt động rút ròng khiến lãi suất liên ngân hàng bằng VND tăng lớn hơn mức tăng của lãi suất USD, giúp đồng nội tệ tăng giá, góp phần hạ nhiệt tỷ giá
Dù có tính thanh khoản cao thì việc rút 5% trong tổng số dư nguồn vốn huy động ngắn hạn như vậy là một khối lượng rất lớn nên các ngân hàng vẫn cần cơ cấu lại nguồn vốn để đáp ứng tỷ lệ trên.
Ngoài lý do trên thì việc lãi suất tăng cũng được cho là biện pháp chủ động của NHNN thông qua hoạt động rút ròng, từ đó khiến lãi suất liên ngân hàng bằng VND tăng lớn hơn mức tăng của lãi suất USD, giúp đồng nội tệ tăng giá, góp phần hạ nhiệt tỷ giá.
“Tuy nhiên, mức tăng của lãi suất huy động lần này chủ yếu tập trung vào các kỳ hạn ngắn, một chỉ báo cho thấy thanh khoản của một số tổ chức tín dụng đang có vấn đề”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.
Theo TS. Hiếu, chênh lệch huy động vốn – cho vay có thể tiếp tục co hẹp khoảng 10.000 – 15.000 tỷ đồng trong tháng 9 do tăng trưởng huy động vốn VND dự kiến vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại vẫn là một biến số khó lường và dự kiến sẽ biến động nhiều hơn trong các tháng cuối năm.
Đặc biệt, Chỉ thị số 04 /CT-NHNN đã nêu rõ kiểm soát tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng chặt chẽ, đặc biệt là cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, BOT, chứng khoán, cho vay tiêu dùng… sẽ tiếp tục là những yếu tố được thị trường đánh giá gây áp lực lên lãi suất.