Việc chẳng đặng đừng
Mới đây, LienVietPostBank đã thông báo về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2018, cụ thể giảm mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 từ 1.800 tỷ đồng xuống còn 1.200 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho biết, một trong những lý do chính khiến Ngân hàng điều chỉnh kế hoạch là việc NHNN không cấp thêm chỉ tiêu tăng trưởng (room) tín dụng.
“Năm 2017, tăng trưởng tín dụng của LienVietPostBank đạt 20%. Ngân hàng đã xây dựng kế hoạch kinh doanh của năm 2018 từ những tháng cuối năm 2017 nên dựa theo mức tăng trưởng tương đương năm cũ. Với việc NHNN không nới room tín dụng, hoạt động kinh doanh không thể phát triển như chỉ tiêu ban đầu nên lợi nhuận phải điều chỉnh giảm”, ông Thắng cho biết.
Trong khi đó, dù không tuyên bố công khai nhưng tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cũng thừa nhận, mới qua nửa đầu năm, nhà băng này đã “tiêu” gần hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN phân bổ. Dù đã nỗ lực tận dụng mọi biện pháp, nhưng Ngân hàng mới chỉ đạt một nửa chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
“Tình hình tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm sẽ là bài toán đau đầu của Ban lãnh đạo Ngân hàng”, vị tổng giám đốc chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo cao cấp một nhà băng cho rằng: “Việc phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, đặc biệt là lợi nhuận, là câu chuyện “chẳng đặng đừng” do những điều kiện kinh doanh thay đổi. Nếu không làm vậy, kết quả lợi nhuận cuối năm dễ khiến cổ đông thất vọng. Quan trọng hơn cả, việc điều chỉnh thể hiện tính chất hoạt động thực tế của các ngân hàng”.
Hoạt động dịch vụ: Cứu cánh của tổ chức tín dụng
Trong bối cảnh room tín dụng có phần hạn hẹp, hoạt động dịch vụ đang trở thành cứu cánh của các tổ chức tín dụng với tốc độ tăng trưởng tích cực.
Ông Hoàng Minh Hoàn, Giám đốc tài chính SCB cho biết, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2018 của Ngân hàng tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, với những chuyển dịch về định hướng kinh doanh trong những năm vừa qua, hoạt động dịch vụ đã và đang đóng góp đáng kể trong cơ cấu thu nhập của SCB, với mức thu lên tới 319 tỷ đồng, tăng mạnh 65% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong khi đó, theo Báo cáo tài chính của TPBank, 6 tháng đầu năm 2018, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm 2017, đạt 244 tỷ đồng.
Riêng phí kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm đạt 53 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2017 chỉ đạt 4,2 tỷ đồng. Chưa kể, hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng lãi 57 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 39 tỷ đồng.
Mặc dù lợi nhuận của Công ty Tài chính FECredit chỉ đóng góp 36% lợi nhuận trước thuế hợp nhất nửa đầu năm nay của VPBank, giảm so với mọi năm, nhưng phí thu được qua hợp tác bán bảo hiểm với AIA được lãnh đạo Ngân hàng cho biết đã đạt 70% kế hoạch cả năm đề ra.
Còn tại Techcombank, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2018 tăng 90% so với cùng kỳ năm 2017 nhờ nhiều mảng kinh doanh tăng trưởng tốt ngoài tín dụng như kinh doanh ngoại hối tăng 66%; mua bán chứng khoán đầu tư tăng gần 4 lần; thu nhập từ góp vốn mua cổ phần tăng 2,5 lần...
Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, định hướng của Ngân hàng trong thời gian tới là tiếp tục đa dạng nguồn thu nhằm phân tán rủi ro, không quá phụ thuộc vào thu nhập lãi hay phí.
Trong các nguồn thu ngoài lãi, hoa hồng bảo hiểm giúp thu về khoảng 288 tỷ đồng. Mảng bancassurance của Techcombank hiện chiếm 26% thị phần bán bảo hiểm qua ngân hàng.
Mặc dù thu nhập từ các hoạt động chính giảm nhưng lợi nhuận của SHB vẫn tăng trong quý II/2018 nhờ tăng đột biến lãi thuần từ đầu tư chứng khoán.
Cụ thể, quý II, thu nhập từ lãi thuần của SHB giảm 7%, đạt 1.098 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm mạnh gần 55% chỉ đạt 47 tỷ đồng; hoạt động kinh doanh ngoại hối có cải thiện nhưng vẫn lỗ 0,8 tỷ đồng; trong khi đầu tư chứng khoán lãi đột biến hơn 235 tỷ đồng, dù cùng kỳ năm trước lỗ hơn 6 tỷ đồng.
Lãi thuần từ hoạt động khác cũng đạt hơn 21 tỷ đồng, thoát khỏi tình cảnh thua lỗ năm ngoái khi lỗ gần 30 tỷ đồng.
Niềm tin hoàn thành mục tiêu
Dù đến tháng 9/2018 mới có kết quả điều tra xu hướng kinh doanh chính thức quý III/2018 của Vụ Dự báo Thống kê, NHNN, nhưng theo thông tin Đầu tư Chứng khoán ghi nhận được, các tổ chức tín dụng vẫn kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện.
Thậm chí, một số ngân hàng đang tiến hành tuyển thêm nhân sự phục vụ nhu cầu công việc trong quý III và những tháng sôi động cuối năm.
Chẳng hạn, OCB vừa tuyển gấp nhiều vị trí nhân sự trên toàn hệ thống trong tháng 7 vừa qua. Cụ thể, Ngân hàng tuyển hơn 140 nhân viên cho bộ phận kinh doanh bao gồm chuyên viên quan hệ khách hàng, chuyên viên bán hàng qua điện thoại, cộng tác viên phát hành thẻ…
Hay trên website của các ngân hàng vẫn liên tục thông báo tuyển dụng nhân sự, bên cạnh việc nhân viên truyền nhau thông tin và gửi hồ sơ về ngân hàng.
Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp NHNN cho rằng: “Trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ không còn phụ thuộc đồng vốn vào hệ thống ngân hàng, mà khai thác trên thị trường chứng khoán, trái phiếu…Do đó, doanh thu của hệ thống ngân hàng sẽ không còn phụ thuộc quá lớn vào tín dụng.
Đặc biệt, hướng tới tuân thủ theo Basel 2, việc quản trị rủi ro tín dụng, quản trị rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động… sẽ khiến các ngân hàng càng phải rất thận trọng khi cho vay để đảm bảo có lợi nhuận, đồng thời chất lượng khoản vay phải tốt”.
Trong bối cảnh này, các ngân hàng sẽ phải đa dạng hóa các hoạt động nhằm tối ưu hóa lợi nhuận, nhất là khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã gần cạn.
Tại Hội nghị sơ kết 7 tháng đầu năm và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm 5 tháng cuối năm 2018, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank đã quán triệt: “Để nâng cao năng lực cạnh tranh, Agribank tiếp tục đặt khách hàng là trung tâm, tối đa hóa các nguồn lực, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ giao tiếp, phong cách giao dịch để hướng đến mục tiêu phục vụ khách hàng tốt nhất”.
Trong khi đó, ông Hoàn cho biết: “Trong khoảng thời gian còn lại của năm, SCB chắc chắn sẽ gặp phải những thách thức và khó khăn nhất định.
Tuy vậy, Ngân hàng đang có lợi thế mà ít nhà băng khác có được, đó là hệ thống mạng lưới gồm 238 chi nhánh, phòng giao dịch, cộng với định hướng phát triển mạnh mẽ công nghệ ngân hàng hiện đại từ phía Ban lãnh đạo. Đây sẽ là cơ sở để Ngân hàng có thể hoàn thành mục tiêu kinh doanh đã đặt ra năm 2018”.