Siết tín dụng bất động sản, nhưng khuyến mại vẫn còn nhiều

(ĐTCK) Tín dụng cho lĩnh vực bất động sản năm 2019 được dự báo sẽ tiếp tục bị siết chặt. Tuy nhiên, với nhóm khách hàng cá nhân có nhu cầu mua nhà ở thực, các ngân hàng vẫn ưu ái cho vay.
Siết tín dụng bất động sản, nhưng khuyến mại vẫn còn nhiều

Kể từ đầu năm 2019, tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn (có kỳ hạn dưới12 tháng) cho vay trung - dài hạn (có kỳ hạn trên 12 tháng) theo quy định Thông tư 19/2017/TT-NHNN đã giảm từ 45% về 40%. Bởi vậy, để có nguồn vốn cho vay trung - dài hạn, các ngân hàng cần tích cực gia tăng huy động và tỷ trọng của vốn trung - dài hạn trong cơ cấu tổng nguồn vốn huy động.

Điều này không những không gây ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của các ngân hàng, mà còn góp phần thúc đẩy các ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn huy động theo hướng dài hạn, ổn định hơn, đồng thời đẩy mạnh thêm việc cho vay ngắn hạn để tối ưu hóa nguồn vốn ngắn hạn.

Với tín dụng bất động sản, trong năm 2019, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục kiểm soát chặt. Tuy nhiên, với tín dụng mua nhà, các nhà băng vẫn mở rộng cửa. Theo đó, lãi suất cho vay mua nhà cũng được ưu đãi trong thời gian đầu.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện VIB cho biết, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất cạnh tranh khi vay tiêu dùng tại VIB, chẳng hạn vay mua ô tô với lãi suất từ 7,4%/năm, vay mua nhà từ 7,5%/năm... Theo vị này, mức lãi suất đưa ra dựa trên cơ sở các loại chi phí hợp lý, bao gồm cả chi phí huy động vốn trung - dài hạn, đảm bảo tính cạnh tranh về mặt bằng lãi suất cho vay dành cho khách hàng.

"Ngoài mức lãi suất cạnh tranh, khi vay vốn tại VIB, khách hàng còn nhận được những ưu đãi khác như thời hạn vay dài để khách hàng có thể cân đối nguồn trả nợ, hạn mức vay cao, thủ tục đơn giản và thời gian phê duyệt, giải ngân nhanh chóng", đại diện VIB chia sẻ thêm.

Mặc dù chủ trương của cơ quan quản lý là tiếp tục kiểm soát vốn tín dụng dành cho các chủ đầu tư bất động sản, nhưng dòng vốn đổ vào phân khúc cho vay mua nhà dự báo vẫn sẽ tăng mạnh trong năm nay khi nhiều ngân hàng đang triển khai cho vay phân khúc này.

Chẳng hạn, Techcombank có chương trình "Ưu đãi lãi vay, mua ngay nhà mới" với lãi suất 6,79%/năm, áp dụng cố định trong vòng 12 tháng.

PVcomBank đang quảng bá chương trình "Sẵn vốn ngay, an cư trong tầm tay". Theo đó, khách hàng có nhu cầu vay vốn để mua, xây, sửa nhà trong thời gian này sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi 7,49%/năm trong 6 tháng đầu và 8,99%/ năm trong 12 tháng sau đó, thời gian vay kéo dài 20 năm.

NCB áp dụng lãi suất cho vay mua nhà, sửa nhà ở mức tương đối thấp so với sản phẩm vay mua nhà trả góp của các ngân hàng khác. Cụ thể, NCB đưa ra mức lãi vay 9,5%/năm, cố định trong vòng 24 tháng; mức 7,99%/năm trong vòng 12 tháng và 6,5% trong vòng 6 tháng. Thời hạn vay dài nhất là 25 năm, hạn mức cho vay lên đến 90% giá trị căn nhà.

MB mới đây công bố dành 2.500 tỷ đồng cho vay mua bất động sản và một số mục đích khác như mua ô tô, sản xuất - kinh doanh..., lãi suất áp dụng từ 7%/năm đối với vay mua ô tô; 7,49%/năm với vay mua, xây dựng sửa chữa nhà đất, cho vay mua nhà, đất dự án và tối thiểu 8,2%/năm khi khách hàng vay phục vụ sản xuất kinh doanh.

Thời gian gần đây, tín dụng của các ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản đang được duy trì ở mức dưới 10% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, giảm mạnh so với ngưỡng xấp xỉ 30% trong giai đoạn 2010-2011.

Từ năm 2016 đến nay, tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, trong khi tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán... được kiểm soát chặt chẽ.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, việc cấp tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro nên phải kiểm soát chặt. Tuy vậy, Thống đốc cũng nhấn mạnh, NHNN không cấm cho vay bất động sản, song các ngân hàng phải thận trọng khi cho vay lĩnh vực này.

Trên thực tế, hầu hết các khoản cho vay cá nhân mua nhà, sửa chữa nhà hiện được xếp vào mảng tín dụng tiêu dùng, trong khi các khoản vay dành cho tổ chức, doanh nghiệp với mục đích đầu tư và sinh lợi trên bất động sản đó sẽ được xếp vào nhóm tín dụng bất động sản.

Theo giới chuyên gia, cách tính này làm cho bức tranh về tín dụng bất động sản không chính xác, cần phải tách tín dụng mua nhà, sửa nhà khỏi tín dụng tiêu dùng chuyển về tín dụng bất động sản để có thể quản lý hữu hiệu, giảm tình trạng tín dụng bất động sản “núp bóng” cho vay tiêu dùng gây rủi ro lớn cho thị trường.

Bên cạnh đó, những hạn chế về dòng vốn vào bất động sản vẫn chủ yếu từ ngân hàng, nên nguồn vốn không bền vững. Bởi về bản chất, ngân hàng chủ yếu sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn trong lĩnh vực bất động sản. Đây là một trong những lý do khiến cơ quan quản lý siết dần vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục