Siết đầu tư công bằng “má phanh” mới

(ĐTCK) Trước Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, nếu Luật Đầu tư công sửa đổi được thông qua theo hướng siết chặt chủ trương, quy trình đầu tư..., vấn nạn đầu tư tràn lan sẽ được phanh lại một cách rõ rệt.
Ảnh: Internet Ảnh: Internet

Dự thảo Luật Đầu tư công do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10 tới đây và vừa qua, UBTV Quốc hội đã tổ chức phiên họp góp ý vào Dự thảo luật. Trước tình trạng đầu tư công tràn lan, gây lãng phí và bức xúc lớn trong xã hội hiện nay, mục tiêu lớn nhất của dự luật sửa đổi là tạo ra những má phanh đủ mạnh để hãm đà đầu tư công tràn lan hiện nay.

Tại cuộc hội thảo nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế 5 năm 2011 - 2015 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 23/9, nghiên cứu của GS. TS Trần Thọ Đạt, Trường đại học Kinh tế Quốc dân cũng đã chỉ ra rằng, tình hình thâm hụt ngân sách ngày càng nghiêm trọng hiện nay có nguyên nhân quan trọng là do chi ngân sách trên GDP quá lớn. Ông Đạt cho biết, dù thu ngân sách trên GDP có giảm trong vài năm qua, nhưng năm 2011 vẫn đạt 27,7%, năm 2012 là 25,5% - mức cao hàng đầu châu Á. Đồng thời, chi ngân sách từ năm 2006 đến nay luôn chiếm khoảng 31% GDP, cao gấp 1,4 lần Trung Quốc và Thái Lan, trong đó các khoản chi đầu tư lãng phí là phổ biến trong nhiều ngành, nhiều địa phương. 

Để siết lại tình trạng này, Dự thảo Luật Đầu tư công quy định thống nhất việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công từ khâu xác định chủ trương đầu tư; phê duyệt dự án; các nguyên tắc bố trí vốn; điều kiện các chương trình, dự án được bố trí kế hoạch; quy trình; lập kế hoạch đầu tư; tổ chức triển khai thực hiện; theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra, giám sát...

Góp ý về Dự thảo luật, nhiều ý kiến tại UBTV Quốc hội yêu cầu quy định rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể liên quan đến đầu tư công. Cần xác định cụ thể hơn trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư để nâng cao tính chế tài của Luật đối với các trường hợp phê duyệt dự án đầu tư sai, kém hiệu quả, vốn tăng so với dự toán ban đầu, không cân đối được nguồn vốn để thực hiện, gây thất thoát, lãng phí.

Trao đổi với ĐTCK về vấn đề này, luật sư Trần Minh Hải (Công ty Luật Basico) cho rằng, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu nói thì rất dễ dàng, nhưng với cơ chế quyết định tập thể hiện nay, không dễ gì xác định được trách nhiệm cá nhân, cũng như xác định đâu là đầu tư tràn lan. Ví dụ, tỉnh nào cũng có đủ lý do để xây bảo tàng, bảo tàng nào cũng có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa... Vì vậy, Luật chỉ nên đưa vào những nguyên tắc cơ bản để xử lý tình trạng đầu tư tràn lan, bởi nếu quá chặt thì không ai dám ra quyết định.

Luật sư Trần Minh Hải cho rằng, hoạt động đầu tư, kể cả đầu tư công, về bản chất luôn hàm chứa rủi ro, mà những rủi ro này tương lai mới thể hiện, chứ tại thời điểm quyết định đầu tư khó mà thấy hết. Do đó, khi xem xét, cân nhắc đầu tư dự án thì quan trọng nhất là đảm bảo tính hiệu quả trong tương lai, chứ không chỉ tính đến yếu tố trước mắt như đóng góp thu nhập vào GDP, giải quyết công ăn việc làm, tức là nhu cầu thực tế của việc triển khai dự án. Vấn đề là phải báo cáo định lượng được dự án mang lại hiệu quả gì trong bao lâu, ở mức độ nào?

Đây cũng là một vấn đề mà UBTV Quốc hội đặt ra khi yêu cầu Luật Đầu tư công phải đảm bảo các dự án đầu tư gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và địa phương, tức là dự án phải có tầm nhìn trung và dài hạn.

Còn theo luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, hạn chế thất thoát, lãng phí trong các dự án sử dụng nguồn vốn có tính chất ngân sách không chỉ ở khâu thi công, mà phải quản lý ngay từ giai đoạn ý tưởng, xây dựng dự án. Ngay ở giai đoạn đầu của dự án, phải đánh giá được giá trị đem lại khi đầu tư đồng vốn ngân sách, chứ không chờ đến chân công trường mới giám sát. Sau đó mới là quản lý việc thực hiện dự án và tối quan trọng là khâu hậu kiểm... Đương nhiên, trong mỗi giai đoạn, phải ràng buộc, quy kết trách nhiệm cho cá nhân người ra quyết định đầu tư dự án.

Ngoài vấn đề luật hóa hoạt động đầu tư công theo hướng siết hơn, theo luật sư Hướng, việc minh bạch hóa hoạt động này từ khi còn là chủ trương rất quan trọng. Bởi trên thực tế, tính hiệu quả, nhu cầu xã hội của dự án, người dân trên địa bàn thụ hưởng là người nắm rõ nhất. Nếu có một cơ chế để người dân cùng giám sát một cách minh bạch thì những lãng phí, tràn lan trong đầu tư công sẽ được giảm thiểu hoặc dễ bị phát hiện.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Phải làm rõ cơ sở để xây dựng giá thành dự án đầu tư. Hơn nữa, Luật Đầu tư công còn phải tính đến tương quan với Luật Đấu thầu, nếu dự toán đầu tư 100 tỷ đồng nhưng đấu thầu vọt lên 200, 300 tỷ đồng thì sao? Quan trọng hơn là lấy tiền đâu ra để trả cho phần đầu tư này. Vấn đề nữa là quyết định đầu tư không trúng, ai chịu trách nhiệm? Bởi có đủ lý do để người ra quyết định đầu tư giải thích vì sao dự toán 100 tỷ đồng, nhưng thực tế lại vọt lên gấp đôi.

Bùi Trang
Bùi Trang

Tin cùng chuyên mục