Giảm dần theo lộ trình
Từ đầu năm 2019, các ngân hàng chỉ được sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định tại Thông tư 19/2017/TT-NHNN. Tại Dự thảo Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, NHNN đưa ra lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo 2 phương án.
Cụ thể, với phương án 1, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn đến hết ngày 30/6/2020 là 40%; từ ngày 1/7/2020 đến 30/6/2021 là 35% và từ sau ngày 1/7/2021 là 30%. Với phương án 2, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn ở mức 40% đến hết ngày 30/6/2020, giảm còn 37% từ ngày 1/7/2020 đến 30/6/2021, từ ngày 1/7/2021 đến 30/6/2022 hạ xuống mức 34%, từ ngày 1/7/2022 giảm xuống 30%.
Theo lý giải của NHNN, việc điều chỉnh trên là nhằm phù hợp với chủ trương của Chính phủ và thực tế cho vay trung, dài hạn của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, từng bước kiểm soát rủi ro thanh khoản để bảo đảm an toàn hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước những thay đổi của các yếu tố từ trong và ngoài nước, góp phần ổn định hoạt động ngân hàng, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Theo tính toán của NHNN, việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn hàng năm 5% không tác động lớn đến hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và nhu cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp không phụ thuộc vào vốn ngân hàng, chủ động tiếp cận các nguồn vốn khác như phát hành cổ phiếu tăng vốn, phát hành trái phiếu hay hợp tác thực hiện dự án với các đối tác nước ngoài...
Trên thực tế, việc phải huy động vốn chủ yếu ngắn hạn trong khi cho vay trung và dài hạn chiếm tỷ lệ lớn đang khiến nhiều ngân hàng đau đầu. Các nhà băng chạy đua huy động lãi suất cao ở kỳ hạn dài ngày lên đến 8-8,7%/năm, thậm chí phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài 2-3 năm, với lãi suất lên đến 9%/năm tại VietA Bank, nhằm huy động vốn để cân đối lại nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.
Sở dĩ NHNN đưa ra lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn do trước đây tỷ lệ này chỉ nằm ở ngưỡng 30%, sau đó được nâng dần lên đến mức 60%, nhưng đã bị siết lại. Thực tế, việc các ngân hàng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn tác động tiêu cực lên hoạt động tín dụng, rủi ro thanh khoản và nợ xấu là điều khó tránh, bởi tín dụng chủ yếu chảy vào bất động sản, đa phần là vốn trung, dài hạn trong thời gian 1-2 năm trở lên.
Vì thế, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, xét về quản lý điều hành, NHNN không nên tiếp tục giãn thời gian giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, vì có thể tạo tiền lệ xấu. Định hướng giảm rủi ro thanh khoản qua tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã được đưa ra hơn 2 năm, nếu cứ có người kêu ca lại nhượng bộ thì uy tín của NHNN sẽ bị ảnh hưởng.
Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn hiện ra sao?
Việc “bóc ngắn, cắn dài” đang đặt ngân hàng trước những thách thức làm sao đủ vốn để phục vụ nhu cầu cho vay, nhưng vẫn đảm bảo vấn đề thanh khoản. NHNN đánh giá, một số ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa quản lý tốt nguồn vốn và sử dụng vốn, dẫn đến ký quá nhiều cam kết tín dụng, hợp đồng tín dụng, trong khi nguồn vốn để thực hiện không đáp ứng đủ hoặc có rủi ro về kỳ hạn. Các ngân hàng này gặp khó khăn về nguồn vốn, phải đi vay tổ chức tín dụng khác trên thị trường liên ngân hàng, làm gia tăng lãi suất cho vay, huy động…, ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách tiền tệ của Nhà nước.
Để đảm bảo quy định tại Thông tư 19/2017/TT-NHNN, các ngân hàng đã nhanh tay đẩy mạnh lãi suất huy động kỳ hạn dài cơ cấu lại nguồn vốn. Vì vậy, theo các nhà băng, hiện tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn nằm dưới mức 40%, ngoại trừ một số ngân hàng chưa hé lộ thông tin.
Báo cáo tài chính năm 2018 cho thấy, tại Vietcombank, VietinBank và BIDV, cho vay trung, dài hạn chỉ chiếm 38 - 45,5% tổng dư nợ. Trong khi tại 14 ngân hàng công bố tỷ lệ này cuối năm 2018 gồm: Nam A Bank, SCB, Techcombank, BIDV, HDBank, ACB, TPBank, Kienlong Bank, MBB, VPBank, VIB, Sacombank, OCB, Bac A Bank, con số đều dưới 40% theo quy định. Song tại nhiều ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ, tỷ trọng tín dụng trung, dài hạn lên tới 58 - 65%.
Hầu hết các ngân hàng đều có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2019 và tìm kiếm nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức quốc tế với kỳ hạn dài và chi phí thấp, hoặc phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài lãi suất 8,5-9%/năm, nhằm tăng nguồn vốn trung và dài hạn, giảm thiểu áp lực trong việc giảm dần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn trong tương lai.
Theo các chuyên gia kinh tế - tài chính, thực tế cũng phản ánh hệ thống ngân hàng đang phải gánh một lượng lớn nhu cầu vay vốn trung, dài hạn của nền kinh tế - nhu cầu có chi phí lãi suất cao. Lẽ ra, nhu cầu này được san sẻ bằng thị trường vốn, nhưng đây là con đường phát triển còn lâu dài tại Việt Nam.
TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, khó có thể giảm sâu lãi suất khi thị trường vốn cũng như thị trường trái phiếu chưa phát triển mạnh và bền vững. Doanh nghiệp vẫn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng thì lãi suất cho vay, nhất là đối với vốn trung, dài hạn, khó có thể giảm mạnh.
Nhiều lần thay đổi quy định
Trong 20 năm qua, NHNN đã có 7 lần thay đổi quy định về tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn. Trong đó, giai đoạn từ tháng 10/2010 đến tháng 1/2015, NHNN “mở” quy định về tỷ lệ này từ Thông tư 13/2010/NHNN. Sau đó, cơ quan này tiếp tục ban hành Thông tư 36/2014/NHH quy định trở lại tỷ lệ giới hạn 60%, rồi giảm về 45% và 40% từ ngày 1/1/2019.