Theo đề xuất của Bộ Công thương, các dự án thủy điện loại ra khỏi quy hoạch chủ yếu là các dự án thủy điện nhỏ chưa có nhà đầu tư quan tâm, quy mô nhỏ, đấu nối khó khăn, diện tích chiếm đất lớn...
Mặt khác, trong quá trình thẩm định phê duyệt quy hoạch thủy điện (gồm thủy điện bậc thang và thủy điện nhỏ), bộ này sẽ tập trung đánh giá kỹ các chỉ tiêu về kinh tế - kỹ thuật và các tiêu chí về môi trường, xã hội đối với các dự án thủy điện để kiên quyết loại bỏ hoặc có sự điều chỉnh hợp lý.
Trong 3 năm thực hiện rà soát quy hoạch, Bộ Công thương đã loại khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang và 463 dự án thủy điện nhỏ, không xem xét quy hoạch 213 vị trí tiềm năng. Hiện nay, trên cả nước có 306 dự án thủy điện đang vận hành phát điện; 193 dự án đang thi công xây dựng; 245 dự án đang nghiên cứu đầu tư; còn lại 59 dự án có quy mô nhỏ, đang được tiếp tục rà soát.
"Thời gian qua, quy hoạch thủy điện rất tùy tiện, thiếu tổ chức, ảnh hưởng nhiều đến đời sống của dân cư và kinh tế địa phương"
- Bà Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng.
Trước đó, Bộ này cũng có văn bản gửi 5 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, đề nghị UBND các tỉnh khẩn trương chỉ đạo các cơ quan liên quan của tỉnh và chủ đầu tư các dự án thủy điện thực hiện nghiêm túc kết luận của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, xem xét điều chỉnh quy mô, sơ đồ khai thác để đánh giá cụ thể ảnh hưởng của dự án đến đất rừng.
Theo đó, đối với các dự án thủy điện đã được UBND tỉnh cho phép nghiên cứu, khảo sát để bổ sung vào quy hoạch, nếu có ảnh hưởng đến đất rừng, sẽ không xem xét đưa vào quy hoạch.
Đối với các dự án thủy điện đang thi công xây dựng, đã hoàn thành và đi vào vận hành, nếu không thực hiện đầy đủ các cam kết về trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng, sẽ yêu cầu dừng triển khai hoặc thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.
Đánh giá về động thái này của Bộ Công thương, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là hành động khá muộn, bởi những tác hại của việc “nở rộ” quy hoạch đầu tư xây dựng thủy điện của nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư thời gian qua là rất lớn, đặc biệt đến môi trường rừng, sinh kế và đời sống của người dân.
Bà Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng; đại biểu Quốc hội khóa XIII thẳng thắn cho rằng, thời gian qua, quy hoạch thủy điện rất tùy tiện, thiếu tổ chức, ảnh hưởng nhiều đến đời sống của dân cư và kinh tế địa phương. Trong khi đó, trách nhiệm quản lý không rõ ràng, đến khi xảy ra hàng loạt sự cố thì khó quy được trách nhiệm cụ thể cho cơ quan nào.
Bên cạnh đó, việc rà soát quy hoạch thủy điện và các dự án đầu tư thủy điện của Bộ Công thương trên thực tế đã từng được tiến hành trước đó, cụ thể như vào cuối năm 2013, Bộ này đã từng đề xuất loại bỏ 338 dự án thủy điện và không đưa vào quy hoạch 169 vị trí tiềm năng sau khi rà soát quy hoạch và tiến độ đầu tư xây dựng các dự án thủy điện. Tuy nhiên, kết quả thực hiện sau đó chưa rõ ràng và không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
Theo đại biểu này, cần xem xét một cách nghiêm túc quy hoạch các dự án thủy điện và quan trọng nhất là việc thực thi sau đó, đồng thời phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, chủ dự án đầu tư, doanh nghiệp đầu tư dự án đã gây hậu quả đối với nền kinh tế và cộng đồng để từ đó xử lý nghiêm.
Đồng tình quan điểm này, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, hiện nay, số lượng thủy điện nhỏ được quy hoạch rất nhiều, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, trong khi các tác động mặt trái tới môi trường sinh thái, chi phí xây dựng, gánh nặng sửa chữa bảo dưỡng rất lớn.
Theo ông Ngãi, nên siết chặt và hạn chế quy hoạch thủy điện nhỏ, bởi hiện nay xu hướng xây dựng vận hành thủy điện hầu như không còn được thế giới sử dụng mà hướng tới sử dụng điện than, khí. Đặc biệt, ông Ngãi nhấn mạnh việc rà soát quy hoạch thủy điện cần đảm bảo việc thực thi đồng bộ từ các địa phương để tránh tình trạng bình mới rượu cũ, tuy đã rà soát, chấn chỉnh quy hoạch song việc thực hiện vẫn không có sự thay đổi.