Siết chặt hơn nữa hoạt động xuất khẩu khoáng sản

Bộ Công Thương đang khẩn trương rà soát, điều chỉnh Thông tư số 08/TT-BCT ngày 18/6/2008 hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản theo hướng thắt chặt hơn nữa việc xuất khẩu khoáng sản. Dự kiến Thông tư sửa đổi này sẽ được Bộ hoàn thành trong tháng 10 tới.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Kim Phương/TTXVN)

Trong khi chưa sửa Nghị định 12/2006/NĐ-CP, cùng với biện pháp tạm dừng cấp phép khi thác mới, không gia hạn các giấy phép hết hạn và xem xét thu hồi cấp giấy phép của các doanh nghiệp không tuân thủ luật, theo Bộ Công Thương, Thông tư sửa đổi nhằm mục đích góp phần hạn chế hơn nữa việc xuất khẩu khoáng sản. Bộ Công Thương cũng đang chuẩn bị tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra vấn đề này và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

Bộ Công Thương cũng đề xuất Bộ Tài chính rà soát điều chỉnh tăng thuế suất thuế xuất khẩu một số loại khoáng sản quan trọng khác lên mức tối đa của khung thuế suất; chỉ đạo kiểm tra và có biện pháp hữu hiệu chấn chỉnh việc gian lận thương mại trong xuất khẩu khoáng sản.

 

Bộ Công Thương cũng rà soát và ban hành hướng dẫn việc xử lý khoáng sản thu giữ và cơ chế trích thưởng cho tập thể và cá nhân có thành tích trong việc ngăn chặn và thu giữ khoáng sản bất hợp pháp.

 

Bộ Quốc phòng chỉ đạo bộ đội biên phòng các tỉnh biên giới phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời hiện tượng xuất lậu khoáng sản qua biên giới đường bộ và đặc biệt là biên giới đường biển.

 

Đối với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố có hoạt động khoáng sản chú trọng kiểm tra, kiểm soát các tuyến đường vận chuyển, bến bãi, cảng biển tập kết khoáng sản; tạo điều kiện đẩy nhanh việc đầu tư các dự án chế biến sâu khoáng sản theo quy hoạch được duyệt để tiêu thụ các loại khoáng sản khai thác-chế biến trên địa bàn.

 

Thời gian gần đây, tình hình xuất khẩu lậu và gian lận thương mại trong xuất khẩu khoáng sản có biểu hiện gia tăng và diễn biến phức tạp, chủ yếu xảy ra trên địa bàn các tỉnh có biên giới đường bộ phía Bắc, một phần là xuất lậu qua đường biển.

 

Theo nhận định của Bộ Công Thương, xuất khẩu lậu khoáng sản quy mô lớn chủ yếu xảy ra trên đường biển, tập trung vào loại khoáng sản than, titan, sắt, ilmenit.... Đối tượng vận chuyển thông thạo luồng lạch, sử dụng chứng từ, hóa đơn vận chuyển nội địa nhằm đối phó công tác kiểm soát của các lực lượng chức năng, sau đó lợi dụng sơ hở để chuyển hướng đi ra hải phận quốc tế, xuất hàng lậu.

 

Trên đường bộ, các đối tượng sử dụng thủ đoạn quay vòng chứng từ, gian lận số lượng, thậm chí xuất lậu bằng container núp dưới danh nghĩa hàng hợp pháp. Ngoài ra, còn một thực tế là các lực lượng chức năng thiếu người, thiếu trang bị, thiếu kinh phí, chưa thể ngăn chặn được tình trạng xuất lậu.

 

Trong khi đó, một số doanh nghiệp được phép xuất khẩu khoáng sản lợi dụng sơ hở trong việc kiểm soát về số lượng của Hải quan để gian lận số lượng khoáng sản xuất khẩu, chủ yếu là đối với tinh quặng sắt. Việc xuất lậu và gian lận thương mại trong xuất khẩu khoáng sản đã làm thất thu ngân sách nhà nước, gây mất an ninh trật tự xã hội trên địa bàn, đồng thời gây bức xúc trong xã hội./.


TTXVN

Tin cùng chuyên mục