Siemens hỗ trợ Việt Nam phát triển thành phố thông minh

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang hiện hữu, Việt Nam cần làm gì để các thành phố trở nên thông minh, có khả năng thích ứng tốt hơn. Ông Phạm Thái Lai, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Siemens Việt Nam, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn về vấn đề này.
Ông Phạm Thái Lai, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Siemens Việt Nam (ngồi giữa), trao đổi về việc xây dựng thành phố thông minh ở Việt Nam. Ông Phạm Thái Lai, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Siemens Việt Nam (ngồi giữa), trao đổi về việc xây dựng thành phố thông minh ở Việt Nam.

Việc phát triển các thành phố thông minh đã trở thành xu hướng toàn cầu. Theo ông, Việt Nam nên lồng ghép các giải pháp phát triển thành phố thông minh vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội như thế nào?

Hiện nay, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam, đặt ra nhiều thách thức cho hạ tầng của các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng. Lãnh đạo các thành phố và các nhà quy hoạch đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc đáp ứng đủ các công trình hạ tầng bền vững liên quan đến giao thông, năng lượng, tòa nhà, y tế, nước sạch…, để các thành phố trở nên hấp dẫn, đáng sống và cạnh tranh hơn.

Về khía cạnh này, giao thông là một trong những yếu tố chủ chốt, vì người dân thành phố cần phải di chuyển một cách thuận tiện. Hàng hóa cũng cần phải được vận chuyển một cách hiệu quả trong nội đô và ra ngoại ô.

Tất cả đều chỉ có thể thực hiện được thông qua việc triển khai rộng rãi các hệ thống giao thông công cộng, như tàu điện ngầm và xe buýt nhanh, cũng như phát triển các hệ thống quản lý giao thông thông minh, nhằm điều tiết và tối ưu hóa lưu lượng giao thông trong thành phố.

Việc tích hợp thông minh các hệ thống này có thể mang lại các dịch vụ tối ưu và thuận tiện cho người dân. Ví dụ tại từng thời điểm thực tế, có thể khuyến cáo cư dân sử dụng các phương tiện công cộng như tàu điện ngầm vì mật độ giao thông trên đường đang cao hoặc tắc nghẽn.

Công nghệ thông minh cũng có thể giúp tối ưu hóa các kết cấu hạ tầng hiện có. Chẳng hạn, tại TP. Munich (Đức), người ta đã phát triển một hệ thống tàu điện ngầm vào đầu những năm 1970, vận chuyển khoảng 250.000 người/ngày.

Hiện nay, con số này đã tăng lên khoảng 800.000 người/ngày. Điều này hoàn toàn khả thi thông qua việc sử dụng các công nghệ báo hiệu tự động thông minh, cho phép sử dụng nhiều tàu hơn trong cùng một giờ, mà không phải xây dựng thêm đường hầm hoặc đường ray.

Đối với Việt Nam, cần thiết phải phát triển các công trình hạ tầng cơ bản như trên một cách thông minh.

Thưa ông, ngoài việc phát triển mạng lưới giao thông tốt, thì Việt Nam cần phải làm gì để tạo ra các thành phố thông minh?

Như tôi nói ở trên, bước đầu tiên là phải bắt đầu triển khai các kết cấu hạ tầng cơ bản, như tàu điện ngầm hay hệ thống quản lý giao thông.

Siemens hỗ trợ Việt Nam phát triển thành phố thông minh ảnh 1

Ông Phạm Thái Lai, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Siemens Việt Nam 

Bước thứ hai là tự động hóa các hệ thống này hoặc làm cho các hệ thống này trở nên thông minh hơn và có hiệu suất cao hơn, đáng tin cậy hơn, như tàu không người lái hoặc việc thu phí tự động, hoặc các hệ thống thu phí chống ùn tắc.

Bước thứ ba là triển khai các công nghệ 4.0. Các công nghệ này được hỗ trợ bởi các công nghệ thông tin truyền thông tối tân, nhằm liên kết các hệ thống chuyển động và các dịch vụ với nhau, khiến cho chúng trở nên hoàn toàn tích hợp và thông minh.

Điều này có thể thực hiện được bằng cách sử dụng nền tảng công nghệ 4.0 của chúng tôi, có tên là Mindsphere. Công nghệ này đang được chúng tôi đưa ra thị trường.

Mindsphere kết nối các hệ thống đơn lẻ, phân tích các dữ liệu và có thể cung cấp các dịch vụ cá nhân đối với người tham gia giao thông (phụ thuộc vào tình hình giao thông và quỹ thời gian trong việc sử dụng ô tô, tàu điện ngầm, hay kết hợp đi tàu điện ngầm với dịch vụ đi chung xe ô tô).

Biến đổi khí hậu có thể là một trong các thách thức lớn nhất khiến Việt Nam gặp khó khăn hơn khi phát triển các thành phố thông minh. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Siemens có thể hỗ trợ gì Việt Nam trên phương diện này?

Việt Nam là một nước đông dân, cũng là nước có nguy cơ chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu nhất thế giới. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khoảng 80% khí thải các-bon là do các thành phố thải ra. Nền kinh tế của Việt Nam đang phát triển nhanh đã kéo theo nhu cầu lớn về năng lượng (tăng khoảng 12%/năm), đồng thời cũng làm tăng lượng phát thải khí các-bon.

Với hệ thống quản lý tòa nhà thông minh của Siemens, tiêu thụ năng lượng có thể giảm tới 30%. Chúng tôi đã áp dụng hệ thống này ở tòa tháp 101 tầng ở Đài Bắc và cho kết quả rất tốt. Hiện nay, hàng trăm hệ thống như vậy đã được lắp đặt tại các tòa nhà thương mại tại Việt Nam, điển hình là Ngôi nhà Đức tại TP.HCM, cũng như tại các khu dân cư và nghỉ dưỡng cao cấp trên khắp Việt Nam.

Các tua-bin khí hiệu suất cao của chúng tôi đã được sử dụng rộng rãi tại nhiều nhà máy điện hoạt động hiệu quả nhất tại Việt Nam, giúp giảm gần 5 triệu tấn khí thải các-bon hàng năm so với mức trung bình của thế giới.

Các công nghệ truyền tải điện và lưới điện thông minh của Siemens đã hỗ trợ giảm thiểu hao hụt điện truyền tải ở khoảng cách xa do cấu trúc phát điện tập trung của Việt Nam.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chú trọng đến việc áp dụng công nghệ số. Vậy những công nghệ này có tầm quan trọng ra sao đối với cuộc sống của chúng ta trong các thành phố thông minh?

Việc sử dụng dữ liệu lớn và  giao tiếp liên lạc giữa máy với máy, phân tích và tự động hóa đang thay đổi thế giới hạ tầng. Internet đã được áp dụng trong tất cả các ngành công nghiệp. Đó không phải là câu hỏi “như thế nào”, mà là “khi nào” thì Internet sẽ tràn ngập cuộc sống hàng ngày của chúng ta và các hệ thống kinh tế - xã hội. Như vậy, Việt Nam sớm hay muộn cũng sẽ bị cuốn vào xu hướng này.

Siemens có kiến thức sâu trong nhiều lĩnh vực. Như đã đề cập ở trên, nền tảng công nghệ 4.0 Mindsphere của chúng tôi sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc kết nối và phân tích các dữ liệu lớn.

Các công nghệ số được tích hợp vào quy hoạch phát triển đô thị nên sẽ đem lại lợi ích ngay lập tức, thông qua việc giảm tắc nghẽn giao thông, cải thiện chất lượng không khí và tăng tính tin cậy của năng lượng, qua đó đóng góp vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống.

Nhưng đâu sẽ là các thách thức mà Việt Nam đang gặp phải trong phát triển các thành phố thông minh?

Hiện nay, các công trình hạ tầng cơ bản của Việt Nam vẫn còn yếu và chưa đủ để đáp ứng nhu cầu từ việc gia tăng về dân số, đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Đồng thời, mỗi thành phố lại có những nhu cầu khác nhau. Nhu cầu của Hà Nội khác với nhu cầu của Cần Thơ, hoặc nhu cầu của TP.HCM khác với nhu cầu của Hải Phòng. Như vậy, quan trọng là, mỗi thành phố phải đặt ra các ưu tiên và phát triển các quy hoạch tổng thể riêng cho mình.

Điều đáng mừng là các công nghệ và giải pháp đã có sẵn sàng để hỗ trợ việc thực hiện các kế hoạch tổng thể đó. Không cần phải đợi công nghệ, mà cái tối cần thiết hiện nay là phải đặt ra các ưu tiên và thực hiện rốt ráo các kế hoạch.

Chúng tôi đang làm việc với nhiều thành phố tại Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm đúc kết từ hơn 200 quốc gia trên thế giới. Chúng tôi rất mong có cơ hội được giúp cho các thành phố ở Việt Nam trở nên thông minh hơn, bền vững hơn và đáng sống hơn.

Ông vừa nói rằng, hạ tầng giao thông đường bộ ở Việt Nam là thách thức rất lớn đối với các nhà lãnh đạo. Vậy Siemens có những giải pháp gì cho Việt Nam để giải quyết nút thắt này?

Chúng tôi đang làm việc với Bộ Giao thông - Vận tải và chính quyền một số địa phương về các dự án giao thông thông minh, bằng việc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông thông minh và triển khai các hệ thống quản lý giao thông thông minh, nhằm điều tiết lưu lượng giao thông tại các thành phố lớn.

Chúng tôi tin rằng, các hệ thống giao thông công cộng được triển khai rộng rãi sẽ là yếu tố chính làm cho các thành phố trở nên đáng sống hơn và cạnh tranh hơn.

Các giải pháp về tàu điện ngầm của chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng hỗ trợ các thành phố như Hà Nội và TP.HCM trong việc thực hiện ước mơ này.

Trong những bước tiến xa hơn, các tàu điện không người lái, các hệ thống hỗ trợ điều khiển tàu, hay các hệ thống vé điện tử sẽ làm cho việc đi lại của cư dân thành phố trở nên thuận tiện hơn nữa.

Thanh Tùng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục