SIC hủy niêm yết: 500 cổ đông nhỏ mắc cạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một nhóm cổ đông của Công ty cổ phần ANI (SIC) phản ánh, việc SIC thông qua nghị quyết ĐHCĐ với sự tham gia của phần lớn các cổ đông lớn về việc hủy tư cách công ty đại chúng, hủy niêm yết trên sàn HNX khiến các cổ đông nhỏ lẻ "mắc cạn".
Dự án của SIC thi công Dự án của SIC thi công

Trong tờ trình về việc hủy niêm yết cổ phiếu, Ban lãnh đạo SIC cho biết, việc hủy niêm yết do cơ cấu cổ đông không đáp ứng điều kiện của Luật Chứng khoán mới.

Theo thông báo từ ngày 15/9/2021, Công ty cổ phần ANI (SIC - sàn HNX) cho biết, đã không đáp ứng điều kiện là công ty niêm yết, theo mục a Khoản 1 Điều 32 Luật chứng khoán số 54/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, là có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ. Cụ thể, theo danh sách cổ đông tại thời điểm đó có 7 cổ đông cá nhân và tổ chức đã sở hữu 90,305% cổ phần SIC.

SIC thông báo không đủ điều kiện là công ty đại chúng theo Luật định, đồng thời xem xét về việc hủy tư cách công ty đại chúng của Công ty cổ phần ANI theo quy định.

Tại ĐHCĐ bất thường vừa diễn ra, có 29 cổ đông đại diện cho 94,453% cổ phần SIC trong tổng số 513 cổ đông đã bỏ phiếu thông việc hủy tư cách công ty đại chúng và hủy niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Theo Điều 121, Nghị định 155 hướng dẫn một số điều của Luật Chứng khoán, trong trường hợp hủy bỏ niêm yết tự nguyện phải được Đại hội cổ đông thông qua, trong đó phải được trên 50% số phiếu biểu quyết của các cổ đông không phải là cổ đông lớn thông qua. Nếu chiếu theo quy định này, SIC không thể hủy niêm yết tự nguyện vì Nghị quyết ĐHCĐ bất thường vừa tổ chức có rất ít nhà đầu tư nhỏ lẻ tham dự vào bỏ phiếu mà chủ yếu là nhà đầu tư lớn bỏ phiếu.

Theo phản ánh của một nhóm cổ đông, nhỏ việc SIC hủy niêm yết khiến cổ đông nhỏ “mắc cạn” phải lựa chọn giữa việc "bán non" cổ phiếu với giá hiện tại chưa phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp hoặc nắm giữ cổ phiếu khi SIC hủy niêm yết sẽ mất thanh khoản, đồng thời về sau cũng khó bán được đúng giá kỳ vọng nếu cổ phiếu không giao dịch trên sàn.

Nhóm cổ đông nhỏ cho rằng, SIC không thể hủy niêm yết tự nguyện vì Nghị quyết ĐHCĐ được thông qua chưa đúng quy định của Luật Doanh nghiệp.

Cơ cấu cổ đông SIC thời điểm tháng 9/2021

Cơ cấu cổ đông SIC thời điểm tháng 9/2021

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục