Siam Brothers Việt Nam, ​chất lượng làm nên thương hiệu

(ĐTCK) Dẫn đầu thị trường ngư cụ, thương hiệu “Con gà” và “Hải mã” hơn 20 năm xuất hiện tại Việt Nam đã ghi dấu trong lòng người tiêu dùng với chất lượng luôn đảm bảo. Không dừng lại ở đó, ban lãnh đạo Công ty cổ phần Siam Brothers Việt Nam cho biết, năm 2018, bên cạnh tăng trưởng sản xuất, Công ty sẽ chú trọng vào các hoạt động gắn kết với cộng đồng ngư dân, hướng tới phát triển xanh, bền vững của ngành đánh bắt thủy hải sản Việt Nam.
Bà Ngô Từ Đông Khanh - Thành Viên HĐQT SBV Bà Ngô Từ Đông Khanh - Thành Viên HĐQT SBV

Đem chất lượng đến tận tay người tiêu dùng

Có mặt tại Việt Nam từ những ngày đầu nền kinh tế mở cửa hội nhập, đến nay, dây thừng mang thương hiệu “Con gà” hay “Hải mã” đã không còn quá xa lạ với ngư dân và trở thành những thương hiệu hàng đầu mỗi khi nghĩ tới trong ngành sản xuất ngư cụ. Ít ai biết rằng, thương hiệu này được gây dựng bởi người Thái sống trên đất Việt. Thừa hưởng nền văn hóa Thái Lan với tinh thần trách nhiệm cao, uy tín, sản phẩm của SBV nhận được sự tin yêu và ủng hộ của nhiều ngư dân Việt Nam trước hết bởi chất lượng.

Hiện nay, cùng hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm ngư nghiệp như SBV có một vài cái tên như Penro, UWC và một số thương hiệu Trung Quốc. Theo đó, sản phẩm của SBV có giá bán trung bình cao hơn khoảng 20% so với mặt bằng chung của thị trường, nhưng sản lượng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.

“Các sản phẩm ngư nghiệp có đặc thù riêng nên Công ty luôn tập trung cho chất lượng và trên mỗi sản phẩm đều có tem đảm bảo chất lượng 3 năm. Điều đáng nói là bản thân người ngư dân cũng quan niệm thà bỏ ra một khoản tiền nhiều hơn để đầu tư cho sản phẩm có chất lượng, còn hơn đánh đổi với nguy cơ mất trắng khi mua sản phẩm không đảm bảo”, bà Ngô Từ Đông Khanh, Thành viên HĐQT SBV nói và cho biết thêm, năm 2017 dù đối mặt với nhiều biến động giá nguyên liệu nhưng SBV giữ chiến lược ổn định giá bán nội địa.

“Giá bán sản phẩm của Công ty có thể ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung của thị trường. Trên cơ sở lợi ích của người tiêu dùng, việc điều chỉnh giá bán với chúng tôi được cân nhắc kỹ”, bà Khanh nói.

Tăng trưởng dựa theo nhu cầu

Tổng vốn đầu tư một tàu đánh bắt xa bờ tùy mã lực có giá trị dao động 3 - 5 tỷ đồng, trong đó chi phí dây thừng và lưới chiếm khoảng 30%. Đây là 2 sản phẩm chủ lực của SBV, thị trường hiện tập trung chủ yếu ở vùng duyên hải miền Trung với hệ thống 600 cửa hàng phân phối lẻ trải từ Nam ra Bắc, trong đó có hơn 200 cửa hàng là các khách hàng trung thành. Điều này giúp SBV không chỉ ổn định đầu ra mà còn giúp gia tăng độ nhận diện thương hiệu.

SBV tập trung chuẩn hóa hệ thống phân phối theo hướng chất lượng và chuyên nghiệp. Tăng trưởng của Công ty dựa trên sự hoàn thiện nguồn cung trước nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa và xuất khẩu. SBV ước tính, khoảng 20% - 30% nhu cầu xuất khẩu và nội địa mà sản lượng cung ứng ra thị trường của Công ty vẫn chưa đáp ứng kịp. Đó là lý do trong những năm gần đây, SBV liên tục đầu tư thêm nhà máy để gia tăng công suất đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ngoài nhà máy số 4 đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2017 với công suất hoạt động hiện nay khoảng 50% công suất thiết kế là 3.000 tấn/năm. Dự kiến trong quý II/2018, SBV sẽ nâng công suất hoạt động nhà máy này lên tối đa. Cùng với đó, Công ty đang lên kế hoạch triển khai xây dựng thêm nhà máy số 5 trong thời gian tới để tiếp tục khai thác dư địa thị trường cả trong và ngoài nước.

Việc đầu tư nhà máy đòi hỏi doanh nghiệp phải có nguồn lực tài chính. Để giải quyết khó khăn này, SBV lựa chọn con đường IPO và niêm yết cổ phiếu như một điều tất yếu bởi đây là một trong những kênh huy động giá rẻ và hiệu quả với doanh nghiệp. Đáng chú ý,  SBV là doanh nghiệp FDI niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, do đó thách thức là không thể tránh khỏi.

Một trong những khó khăn lớn nhất gặp phải là chuyển đổi công tác quản trị từ một công ty gia đình sang doanh nghiệp đại chúng niêm yết minh bạch và hiệu quả. “Những vấn đề đó SBV đã vượt qua, đến nay sau gần 1 năm niêm yết, công tác quản trị tại doanh nghiệp cũng có nhiều chuyển biến tích cực”, bà Khanh nói.

Theo chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020 của Chính phủ, nền kinh tế duyên hải và biển đóng góp khoảng 53% - 55% tổng GDP quốc gia, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản từ 8% - 10%/năm với kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8 – 9 tỷ USD. Đồng thời, để giảm thiểu tác động môi trường, Chính phủ khuyến khích và hỗ trợ ngư dân thay thế đánh bắt ven bờ sang các phương thức nuôi trồng thủy sản, nâng cấp và chế tạo thuyền lớn để di chuyển ngoài khơi theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP để tăng thu nhập và tăng cường công tác bảo vệ biển đảo.

Trên cơ sở đó, để đào sâu thị trường, bà Khanh cho biết định hướng phát triển của Siam Brothers Việt Nam sẽ tập trung phát triển sản phẩm phục vụ nuôi trồng thủy sản và an toàn hàng hải để đón đầu thị trường. Các sản phẩm đều đạt chứng chỉ VR của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Song song với các mục tiêu tăng trưởng, triết lý kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp trong những năm tiếp theo là hướng tới xây dựng một doanh nghiệp xanh, phát triển bền vững theo đúng các tiêu chuẩn ISO 14001 về hệ thống quản lý môi trường và Smeta về tiêu chuẩn lao động, sức khỏe, an toàn, đạo đức kinh doanh.     

Ngọc Nhi

Tin cùng chuyên mục