Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), khẳng định tại buổi họp báo công bố Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới của Bianfishco ngày 25/8, sau khi trở thành cổ đông sáng lập công ty này, SHB sẽ trả 30% nợ cho các hộ dân trong tháng 9.
Bình An và quá khứ không bình yên
Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nào cũng phải vay nợ. Chỉ có điều, nợ sẽ được trả đúng hạn, giúp doanh nghiệp phát triển hay trở thành gánh nặng đè lên vai, thậm chí khiến doanh nghiệp phải tuyên bố phá sản mà thôi.
Trở lại câu chuyện Bianfishco một thời lẫy lừng trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản, cho đến giờ vẫn còn nhiều tiếng thở dài nuối tiếc. Sản phẩm của doanh nghiệp này đã có mặt tại 80 nước gồm cả Mỹ, Nhật, EU. Thời hoàng kim, doanh thu của Bianfishco từng đạt con số 100 triệu USD/năm và mang lại công ăn việc làm cho hơn 5.000 lao động.
Nhưng rồi thương hiệu thủy sản lớn này vẫn sụp đổ chỉ trong một thời gian ngắn vì khối nợ khổng lồ hơn 1.300 tỷ đồng. Dấu hiệu bất ổn đã xuất hiện từ năm 2011 và lên đỉnh điểm trong nửa đầu năm nay. Nguồn nguyên liệu đầu vào bấp bênh, các chi phí tài chính tăng cao, ngân hàng dừng cho vay đã khiến Bianfishco điêu đứng. Bên trong thì hệ thống quản trị công ty yếu kém và hệ quả là Bianfishco ngập trong tình trạng nợ nần, thua lỗ, mấp mé bờ vực phá sản.
Một bước đi được coi là chưa chín muồi của Bianfishco là việc họ mở rộng hoạt động từ chế biến cá tra phi-lê sang tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, thông qua chế biến sâu bằng công nghệ hiện đại với những tham vọng lớn hơn so với tiềm lực hiện có. Công ty đổ hàng trăm tỷ đồng, trong đó tỷ lệ vốn vay lớn hơn vốn tự có - nhằm thiết lập hệ thống thiết bị nhà xưởng, dây chuyền máy móc hiện đại.
Ngoài Viện Nghiên cứu Thủy sản Bình An được xây với số vốn đầu tư lên tới hơn 200 tỷ đồng, hoạt động từ tháng 7/2010, Bianfishco còn cho xây dựng kho lạnh công suất 10.000 tấn và đặc biệt là dự án Nhà máy sản xuất nước uống Collagen Bình An "ngốn" hết hơn 10 triệu USD. Trong bối cảnh hàng loạt chi phí vốn liên tục tăng cao, nguồn đầu vào không ổn định, gánh nặng nợ nần chồng chất, lại đầu tư dàn trải cả vào dự án Collagen, nên không khó hiểu khi Thủy sản Bình An ngày càng kém "yên bình" hơn, với khoản nợ 1.300 tỷ đồng treo lơ lửng trên đầu luôn rình rập phá sập công ty bất cứ lúc nào.
Đó là chưa kể hàng loạt dự án bất động sản vẫn còn "bất động" của công ty này. Mặc dù Tổng giám đốc SHB tỏ ra tự tin vào khả năng trả hết 30% nợ cho các hộ dân trong tháng 9, nhưng một chủ nợ khác, Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC) thuộc Bộ Tài chính - đơn vị phối hợp với SHB tái cấu trúc Bianfishco - lại thận trọng hơn. Tổng giám đốc DATC, ông Phạm Thanh Quang, cho rằng, thu hồi được khoản nợ gốc của Bianfishco đã là tốt lắm rồi.
"Tất cả các kế hoạch đặt ra với Bianfishco hiện nay là dự kiến, chỉ có lỗ của công ty là thực. Lỗ của Bianfishco là khoảng 1.000 tỷ đồng, còn theo đánh giá của chúng tôi lỗ còn trên 1.000 tỷ đồng", ông Quang nói với tờ báo điện tử VnEconomy.
SHB giải bài toán như thế nào?
Sau khi sở hữu 25 triệu cổ phần (tương đương với 50% tổng mức vốn điều lệ 500 tỷ đồng của Bianfishco), SHB đặt trọng tâm vào phương án tái cấu trúc toàn bộ hoạt động của Bianfishco, ưu tiên xử lý và tái cơ cấu nợ vay của các ngân hàng.
Một vấn đề được quan tâm là các khoản nợ của Bianfishco tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Ngân hàng Á châu (ACB) tương đối phức tạp, mặc dù các khoản vay trên đều có tài sản đảm bảo là nhà xưởng, máy móc, thiết bị.
Phía SHB cho biết, việc thế chấp 25 triệu cổ phần của bà Phạm Thị Diệu Hiền, nguyên Tổng giám đốc Bianfishco, chỉ là bổ sung tài sản đảm bảo khoản vay tại các ngân hàng nêu trên. Bianfishco không nhận thêm được khoản tiền nào từ việc thế chấp cổ phiếu này. Các chủ nợ lớn như BIDV, VDB có thể sẽ được SHB tiến hành đàm phán để chuyển nợ thành vốn góp khi Bianfishco có kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông và tăng vốn điều lệ lên 1.200 tỷ đồng.
Một vấn đề khác SHB cũng phải tính đến là việc thu hồi lại các khoản vốn vay của Bianfishco đối với Habubank trước đây. Một đại diện SHB cho biết, một số chủ nợ là các ngân hàng, tổ chức kinh tế đã đồng ý khoanh nợ, giảm lãi, miễn lãi đối với các khoản nợ của Bianfishco trong vòng ba năm nhằm giúp công ty hoạt động ổn định và hiệu quả trở lại.
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán Deloite Việt
SHB thực hiện giải ngân cho Bianfishco trả nợ tiền mua nguyên liệu của nông dân, bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Về cơ cấu tổ chức của Bianfishco, SHB sẽ sắp xếp lại theo hướng làm gọn nhẹ bộ máy, nâng cao hiệu quả. Theo đó SHB sẽ thành lập Tổng công ty Thủy sản Bình An trên cơ sở mở rộng, tiếp nhận và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty vệ tinh: Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, Công ty nuôi trồng thủy hải sản; tái cấu trúc Công ty sản xuất Nước uống Collagen, Viện Nghiên cứu Thủy sản…
Chiến lược mở rộng vùng nuôi trồng thủy hải sản - yếu tố chủ đạo đối với thành công của Bianfishco - cũng được đặc biệt chú trọng để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định cho hoạt động chế biến và xuất khẩu.
Chưa thể nói gì về tương lai của Bianfishco vào lúc này, nhất là các khoản nợ. Đơn giản vì không phải cứ thay đổi chủ sở hữu là là nợ xấu bỗng dưng biến mất được. Vấn đề là: Bây giờ xử lý các khoản nợ xấu ra sao? Có thể chuyển đổi nợ xấu thành vốn chủ sở hữu. Nếu làm theo cách này, dư nợ sẽ giảm đi, ngân hàng "tự nguyện một cách bắt buộc" trở thành cổ đông của công ty, nhưng cũng chưa có gì đảm bảo tình hình kinh doanh của công ty sẽ khả quan hơn khi được giảm bớt nợ.
Điều quan trọng nhất là ban lãnh đạo SHB có đưa Bianfishco vượt qua được vùng nguy hiểm bằng chiến lược kinh doanh phù hợp và tận dụng được giá trị tích hợp mà thương vụ M&A này mang lại để phát triển trong trung, dài hạn hay không?