Để đảm bảo cho khoản vay của các hợp đồng tín dụng nói trên, Công ty Đông Nam Á đã đưa 2 tài sản của bên thứ 3 vào làm tài sản bảo đảm gồm nhà đất của gia đình ông Dương, bà Khi và nhà đất của ông Vọng, bà Chiến.
Thời gian đầu, CTCP Đông Nam Á có trả nợ gốc và lãi nhưng sau đó không trả nữa. Từ tháng 6/2009, Ngân hàng đã nhiều lần yêu cầu Công ty trả nợ gốc và lãi nhưng công ty không trả nợ. Do đó, Ngân hàng đệ đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty Đông Nam Á trả nợ, nếu Công ty không trả nợ thì đề nghị xử lý tài sản bảo đảm của bên thứ 3.
Sau này khi SHB và Habubank sáp nhập vào tháng 8/2012, SHB đã kế thừa khoản nợ quá hạn này cũng như quyền khởi kiện.
Được biết, Công ty Đông Nam Á hiện còn nợ Ngân hàng số tiền gốc là 7,74 tỷ đồng và số tiền lãi (đến 21/5/2013) là 4,83 tỷ đồng, tổng cộng là 12,59 tỷ đồng.
Quá trình giải quyết vụ án, đại diện Công ty Đông Nam Á thừa nhận có vay ngân hàng theo 5 hợp đồng tín dụng và sau này không có khả năng trả nợ đúng hạn. Nay đại diện công ty này hứa hẹn lộ trình trả nợ gốc và lãi trong vòng 1 năm.
Về tài sản bảo đảm, đại diện công ty đề nghị ngân hàng cho rút 2 tài sản đang thế chấp để thay thế bằng tài sản khác, nhưng đại diện Công ty Đông Nam Á lại cho biết, hiện giờ chưa có tài sản bảo đảm nào khác để thay thế!
Hai gia đình đã đưa nhà đất vào làm tài sản bảo đảm cho Công ty Đông Nam Á thừa nhận có ký hợp đồng thế chấp, nhưng chỉ đảm bảo cho khoản vay tối đa là 400 triệu đồng và 856 triệu đồng (tương ứng với 2 nhà, đất). Hai gia đình này cũng không biết Công ty Đông Nam Á đã vay mượn của ngân hàng nhiều ít ra sao.
Tuy nhiên, 2 gia đình này thừa nhận nghĩa vụ trong khoản tiền nói trên và sẽ trả nợ cho ngân hàng tối đa là 400 triệu đồng và 856 triệu đồng.
Tại bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử chấp nhận đơn khởi kiện của SHB, buộc Công ty Đông Nam Á phải trả 12,59 tỷ đồng nợ gốc và lãi.
Về tài sản bảo đảm, các hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất đều được công chứng chứng thực, ngân hàng đã đi đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định pháp luật. Do đó, bản án sơ thẩm tuyên trường hợp Công ty Đông Nam Á không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, những người bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo hợp đồng thế chấp.
Nếu những người bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, SHB có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự phát mại tài sản nhà đất để thu hồi số tiền trên.
Không chấp nhận bản án nói trên, gia đình ông Vọng, bà Chiến đã có đơn kháng cáo. Được biết, TAND TP. Hà Nội đang xét xử phúc thẩm vụ án này.