Sẽ yêu cầu xử lý nghiêm các lãnh đạo và cán bộ ngân hàng cố tình gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp

(ĐTCK) Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục rà soát, tham mưu NHNN sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng gây cản trở, vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do NHNN phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, sau khi Thông tư 01 của NHNN được triển khai, các thành viên trong Hiệp hội phản ánh cho thấy, toàn hệ thống ngân hàng đã trực tiếp hướng dẫn các doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Hà Nội các thủ tục, điều kiện vay vốn.

“Ban đầu, hệ thống ngân hàng chỉ ưu tiên các lĩnh vực, ngành nghề liên quan đến dịch vụ y tế, đồ bảo hộ, nhưng hiện nay thì đã mở rộng thêm các đối tượng, doanh nghiệp có thể thụ hưởng sau dịch Covid-19”, ông Quốc Anh nói.

Cũng theo ông Quốc Anh, hiện nay, các ngân hàng đang tiếp tục giảm các khoản lãi cũ mà doanh nghiệp đang vay. Điều đó có nghĩa là ngoài việc đồng hành cùng doanh nghiệp thời gian vừa qua, ngân hàng đã có 2 gói hỗ trợ doanh nghiệp cùng lúc. Việc tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới sẽ giúp các doanh nghiệp tái hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường sau giãn cách xã hội.

Ông Quốc Anh cũng chia sẻ khó khăn của các doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục vay vốn. Đó là các điều kiện cho vay thì các chuyên viên, kế toán trong hệ thống doanh nghiệp chưa đọc, hiểu rõ và kỹ các thủ tục hướng dẫn, nên khi phối hợp với các bộ phận tín dụng trong hệ thống ngân hàng chưa xây dựng được bộ hồ sơ chuẩn ảnh hưởng đến việc giải ngân trong hệ thống ngân hàng.

Sẽ yêu cầu xử lý nghiêm các lãnh đạo và cán bộ ngân hàng cố tình gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp ảnh 1

Toàn cảnh Hội nghị

Mặc dù vậy, hệ thống ngân hàng tại địa bàn Hà Nội đã rất nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp. Theo đó, ông Trần Quốc Hùng, Phó giám đốc NHNN TP. Hà Nội cho biết, tính đến nay, trên địa bàn Hà Nội, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 3.500 khách hàng với dư nợ gần 24 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 18 nghìn khách hàng với dư nợ trên 212 nghìn tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 280 nghìn tỷ đồng cho hơn 17 nghìn khách hàng.

Về triển khai các gói hỗ trợ khách hàng của Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn đã thực hiện các biện pháp gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội đã bổ sung thêm nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Nội.

“Tính đến 31/3/2020, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Nội đã gia hạn và điều chỉnh kỳ hạn nợ cho 3.380 khách hàng với dư nợ được điều chỉnh kỳ hạn và gia hạn nợ là 126 tỷ đồng. HĐND, UBND Thành phố đã nhanh chóng thông qua việc chuyển 650 tỷ đồng từ ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Nội, đáp ứng khoảng 65% nhu cầu vốn cần thiết bổ sung để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn nhằm phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch bệnh, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội”, ông Hùng nói.

Chia sẻ tại Hội nghị, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện trên phương châm là chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng với người dân, doanh nghiệp bằng chính nguồn lực của ngành ngân hàng.

Chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp được các TCTD triển khai là tiền huy động từ tiền gửi dân cư và các tổ chức kinh tế. Hơn nữa, TCTD cũng là doanh nghiệp và cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19, song toàn ngành đã quyết tâm vượt qua khó khăn, điều chỉnh lại kế hoạch, chỉ tiêu kinh doanh, lợi nhuận để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Được biết, tính đến nay, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215 nghìn khách hàng với dư nợ 138 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320 nghìn khách hàng với dư nợ  gần 1,13 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 659 nghìn tỷ đồng cho hơn 188 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch.

Tuy nhiên, Phó thống đốc thừa nhận, thực tế đâu đó vẫn còn tồn tại việc người dân, doanh nghiệp chưa được các TCTD tạo điều kiện trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của NHNN. Theo đó, ông Tú yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN tiếp tục rà soát, tham mưu NHNN sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng gây cản trở, vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Ông Tú cho biết, Chi nhánh NHNN TP. Hà Nội cũng được giao nhiều nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn không chấp hành, chậm xử lý, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm cho khách hàng.

“Các TCTD chia sẻ tối đa khó khăn với người dân, doanh nghiệp, sẽ yêu cầu xử lý nghiêm các lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ triển khai chậm, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm. Các doanh nghiệp phản ánh với NHNN về các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách của ngành ngân hàng trong quá trình triển khai", Phó thống đốc cho biết.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục