Hiện NHNN đang điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt và theo quan hệ cung - cầu. Mới đây, tại diễn đàn đầu tư tại Hồng Kông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhấn mạnh quan điểm này. Trong quý I năm nay, chúng ta rất thuận lợi so với các năm trước, bởi lần đầu tiên Việt Nam xuất siêu khá lớn, 1,65 tỷ USD. Nhưng đang có hiện tượng găm giữ và làm giá ở thị trường ngoại tệ tự do. Theo tôi, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, chẳng hạn như đánh giá về khủng hoảng kinh tế toàn cầu và thông tin về khủng hoảng có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Sắp tới, NHNN sẽ có những văn bản chỉ đạo và phối hợp với các ngành hữu quan (như Bộ Công an, lực lượng quản lý thị trường, UBND các địa phương…) để xem xét xử lý vấn đề này.
Biến động tỷ giá khiến có ý kiến cho rằng, cần thực hiện biện pháp kết hối ngoại tệ, tức là yêu cầu các tổ chức nắm giữ ngoại tệ phải bán một tỷ lệ nhất định cho ngân hàng. NHNN đã tính đến điều này chưa, thưa Thống đốc?
Vấn đề này đã được nhiều ngân hàng thương mại kiến nghị, nhưng theo Pháp lệnh Ngoại hối, có thực hiện kết hối ngoại tệ hay không là thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, không phải quyền của Thống đốc NHNN. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã từng áp dụng biện pháp kết hối ngoại tệ (giai đoạn 1999-2001), nên theo tôi cần thấy rằng, đó cũng là điều bình thường. Nếu có kết hối ngoại tệ thì cũng không phải là biện pháp gì bất thường.
Hiện nay, dự trữ ngoại hối quốc gia không thay đổi, chúng ta xuất siêu, quản lý nhà nước về ngoại hối chúng ta cũng ban hành đầy đủ các văn bản. Nhưng khi thực thi trong cuộc sống, có những diễn biến không phù hợp với pháp luật nhưng chưa được nghiêm trị. Sắp tới, chúng tôi sẽ có biện pháp quyết liệt hơn. Ví dụ, trong hệ thống ngân hàng, nếu các đại lý, bàn thu đổi ngoại tệ nào không thực hiện đúng theo Quyết định 21 của Thống đốc NHNN, thì tới đây sẽ buộc thu hồi ngay giấy phép hoạt động. Đồng thời, giám đốc chi nhánh ngân hàng thương mại nơi cấp giấy phép đó sai thì cũng sẽ bị xử lý. Khoảng vài ba hôm nữa NHNN sẽ có văn bản về vấn đề này.