Sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tại kỳ họp thứ 10

0:00 / 0:00
0:00
Lý do trình Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Chu Ngọc Anh chưa được tiết lộ.
Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Chu Ngọc Anh trong một phiên họp của Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Chu Ngọc Anh trong một phiên họp của Quốc hội.

Sẽ đề nghị bổ sung nội dung miễn nhiệm Bộ trưởng Chu Ngọc Anh vào chương trình kỳ họp thứ 10, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại phiên họp chiều 17/9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Ông Dũng không nói cụ thể lý do trình miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Chu Ngọc Anh, nhưng trong trường hợp trình Quốc hội miễn nhiệm, có thể Bộ trưởng Chu Ngọc Anh sẽ nhận nhiệm vụ mới, không còn là thành viên Chính phủ đương nhiệm.

Vẫn liên quan đến nhân sự, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết sẽ tính phương án sắp xếp thời gian hợp lý cho nội dung này, vì ngoài Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Y tế có trình Quốc hội làm nhân sự hay không, vẫn đang chờ để sắp xếp.

Dự kiến khai mạc ngày 20/10/2020, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV vẫn chia làm hai đợt.

Bên cạnh công tác lập pháp, giám sát như thường lệ, ở kỳ họp này Quốc hội còn thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong 1 ngày.

Quốc hội cũng sẽ quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Quốc hội dự kiến sẽ bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với doanh nghiệp khai thác nước để sản xuất kinh doanh trong năm 2020. Nội dung này sẽ được Thường vụ Quốc hội xem xét vào chiều 18/9.

Nội dung nữa được bổ sung là trình Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM), người có thêm quốc tịch khác nhưng đã không báo cáo tổ chức.

Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết sau kỳ họp thứ 9, Chính phủ đã nhận được 189 kiến nghị của cử tri đã trả lời 186/189 kiến nghị, 3 kiến nghị còn lại sẽ được trả lời trước kỳ họp thứ 10. Và 67 kiến nghị tồn đọng từ đầu nhiệm kỳ cũng đã được xử lý, ông Dũng cho biết.

Về chất vấn, ông Dũng cho hay, Thủ tướng nhận 4 phiếu chất vấn đến nay đã trả lời 2/4 phiếu.

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Với nội dung này thì Quốc hội sẽ chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu các thành viên Chính phủ chuẩn bị thật tốt để trả lời chất vấn, ông Dũng cho biết.

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 là 19,5 ngày (đợt 1 là 8 ngày và đợt 2: kéo dài 11,5 ngày). Đợt 1 bắt đầu ngày 20/10 (khai mạc kỳ họp) và kết thúc ngày 28/10; đợt 2 bắt đầu từ ngày 3/11 đến bế mạc kỳ họp, ngày 17/11.

An Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục