Các nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, tại cuộc họp của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành kiêm Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển điện lực với các bộ ngành có liên quan mới đây, Bộ Công thương đã được yêu cầu tiến hành rà soát lại Đề án Quy hoạch Điện VIII và trình lại vào tháng 6 tới.
Đề án Quy hoạch Điện VIII đã chưa được Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 thông qua trong cuối tháng 3 đầu tháng 4/2021 như kỳ vọng của nhiều nơi dù Bộ Công thương thay mặt Hội đồng thẩm định đã có Báo cáo thẩm định Đề án Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới 2045 gửi Thủ tướng Chính phủ vào ngày 26/3/2021.
Theo đó, Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII thống nhất kết luận Quy hoạch đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Được biết Hội đồng thẩm định được thành lập vào ngày 25/2/2021. Tiếp đó, ngày 10/3/2021, Hội đồng thẩm định đã họp lần 1 để xem xét Đề án Quy hoạch điện VIII.
Hội đồng đã lắng nghe các ý kiến góp ý của các thành viên, đại diện uỷ viên phản biện với Đề án để đơn vị lập quy hoạch và đơn vị tư vấn tiếp thu, hoàn thiện Đề án.
Ngày 18/3/2021, Hội đồng đã họp lần 2 để bỏ phiếu thông qua báo cáo thẩm định Đề án Quy hoạch điện VIII và nội dung Đề án, Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII.
Có 4 phiếu đồng ý thông qua nội dung không chỉnh sửa và 22 phiếu đồng ý thông qua với điều kiện bổ sung chỉnh sửa của Đề án.
Cũng theo báo cáo, ngày 2/3/2021, Bộ Công thương đã có văn bản 1208/BCT-ĐL đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch điện VIII.
Vào ngày 17/3/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản số 1236/BTNMT thông báo kết quả thẩm định Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) của Quy hoạch điện VIII. Theo đó, 15/15 thành viên Hội đồng thẩm định cáo cáo ĐMC đã đồng ý thông qua với điều kiện chỉnh sửa bổ sung.
Trên cơ sở kết luận của Hội đồng thẩm định quy hoạch và nội dung ủy quyền của Phó thủ tướng - Chủ tịch Hội đồng thẩm định, Bộ Công thương - Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch điện VIII.
Cũng cần nhắc lại là báo cáo góp ý của một số doanh nghiệp lớn trong ngành điện như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) hay Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cũng có nhiều lo ngại với các nội dung được đưa ra trong Đề án Quy hoạch Điện VIII.
Đó là Đề án không đưa ra được đánh giá về nguồn năng lượng sơ cấp, tỷ trọng nguồn năng lượng sơ cấp trong nước và nhập khẩu cho sản xuất điện để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và các vấn để liên quan đến nhập khẩu nhiên liệu (LNG, than nhập khẩu...) như khả năng nhập khẩu, hạ tầng phục vụ nhập khẩu.
Cũng bởi đưa vào nguồn năng lượng tái tạo quá lớn nên khối lượng đầu tư lưới điện truyền tải tương ứng trong Dự thảo cũng trở nên rất lớn do được thiết kế đồng bộ với nguồn điện tiềm năng. Mà điều này có thể dẫn tới tình huống, khi các dự án nguồn “tiềm năng” không được triển khai nhưng các công trình lưới điện liên quan đã được đầu tư và ngược lại. Kết quả này là sự lãng phí lớn.
Cạnh đó, với tính chất “mở” của Quy hoạch, nhiều công trình nguồn, lưới điện tuy có tên nhưng lại chưa xác định vị trí. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến công tác thỏa thuận, thu hồi đất gây ra kéo dài thời gian thực hiện dự án so với mong muốn đặt ra trong Quy hoạch điện VIII.
Về phía mình, Petrovietnam cũng cho rằng, việc có hàng loạt nhà máy điện khí LNG được dự kiến nhưng chọn quy mô lẫn vị trí đầu tư để tối ưu hóa chi phí và không tạo ra áp lực tăng mạnh giá điện lại dường như chưa được xem xét kỹ trong Dự thảo Quy hoạch Điện VIII.