Sau cơn sốt “cấp tính”
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, năm 2008, khi Mê Linh chính thức sáp nhập về Hà Nội, thị trường bất động sản nơi đây trở thành một trong những điểm nóng và giá nhà đất nhanh chóng được đẩy lên cao ngất.
Vào thời điểm đó, giá đất các dự án tại Mê Linh từng gây sốt trên thị trường bất động sản phía Bắc Hà Nội với giá đạt ngưỡng từ 18 - 22 triệu đồng/m2 so với mức trước đó chỉ 2 - 3 triệu đồng/m2.
Theo đó, rất nhiều chủ đầu tư đã tìm về Mê Linh để chọn lựa những mảnh “đất vàng”, vị trí đẹp, đắc địa để đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhưng sau đó gần như tất cả đều phải ngậm “trái đắng”. Hiện tại, các dự án nhà tại khu vực các xã Tiền Phong, Mê Linh, Đại Thịnh, Thanh Lâm… thuộc huyện Mê Linh vẫn là khu đất trống, hoang vu, cỏ dại um tùm, những khu nhà xây thô dang dở lác đác bóng người.
Điển hình, tại xã Tiền Phong, nơi được cho là tập trung nhiều dự án nhất của huyện Mê Linh, với gần 20 dự án nhà ở, khu đô thị có quy mô hàng trăm ha như Khu nhà nghỉ và biệt thự Nam Sơn của Công ty cổ phần Vinh Sơn trên 60ha;
Khu biệt thự sinh thái Phúc Việt của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phúc Việt quy mô 24,3 ha; Khu đô thị Minh Giang Đầm Và (2 giai đoạn) của Công ty TNHH Minh Giang gần 22ha; dự án làng hoa Tiền Phong của Công ty TNHH Tiền Phong trên 40ha; Làng Quốc tế Tiền Phong gần 30ha.., đều trong tình trạng “án binh bất động”.
Theo phản ánh của người dân sở tại, họ bị thu hồi đất cả chục năm nay, nhưng dự án thì vẫn bỏ hoang. Ngay trên địa bàn xã Mê Linh, khu vực trước lối rẽ vào đền thờ Hai Bà Trưng, hay dự án Khu đô thị Quang Minh của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Long Việt vẫn “vắng như chùa Bà Đanh” với một loạt khu đất bỏ hoang, trong khi diện tích đất canh tác của người dân ngày càng bị thu hẹp.
Sẽ thu hồi dự án chết
Theo ông Tạ Quang Thái, Chủ tịch UBND xã Mê Linh, Mê Linh cùng một số xã như Tiền Phong, Đại Thịnh, Tráng Việt, Văn Khê… đã được quy hoạch thành khu đô thị nên có rất nhiều dự án, thậm chí dự án rất lớn.
Tuy nhiên, có những dự án quyết định thu hồi đất từ năm 2008 không thấy triển khai hoặc triển khai chậm, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế nói chung của xã, đặc biệt là đất này lại nằm trong diện tích trồng hoa, hệ thống giao thông thủy lợi.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cũng chia sẻ, hiện có 47 dự án phát triển bất động sản chưa được đầu tư vì liên quan tới nhiều vấn đề. Huyện cũng đã nhiều lần có văn bản đôn đốc, đề nghị với TP.Hà Nội làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để họ vào đầu tư.
“Hiện còn 240ha quỹ đất giải phóng mặt bằng dở dang phải làm tiếp của 18 dự án, nếu thúc đẩy lên được sẽ thu thêm được 2.400 tỷ đồng, góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, ông Bùi Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết.
Mới đây, tại phiên họp giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Thành phố sẽ công bố danh sách 47 dự án chậm tiến độ.
Theo kết quả giám sát của Thường trực HĐND TP.Hà Nội, tổng số dự án chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm lên tới 383, trong đó Mê Linh chiếm 50 dự án.
“Trong 46 dự án chậm triển khai của huyện Mê Linh (được cấp phép vào tháng 7/2008), có 8 trường hợp Thành phố đã 10 lần mời lên đối thoại, nhưng chủ đầu tư không lên, buộc phải thu hồi. 38 dự án còn lại đang vướng mắc về chính sách giải phóng mặt bằng, giá đất…, Thành phố sẽ phối hợp với các bộ, ngành để có câu trả lời thỏa đáng cho các chủ đầu tư”, ông Chung cho biết thêm.
Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, việc để tồn đọng 383 dự án chậm do nhiều nguyên, trong đó có việc cơ quan quản lý các sở ngành, quận huyện chưa làm hết trách nhiệm.
Chẳng hạn, từ tháng 10/2012 đến tháng 3/2018, UBND Thành phố ban hành 38 quyết định thu hồi dự án, nhưng đến nay còn 22 dự án chưa được thu hồi.
Theo đó, Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội cho biết, sẽ giám sát việc tham mưu, xử lý 383 dự án chậm, đồng thời xem xét đưa vào nội dung chất vấn tại kỳ họp HĐND tới đây.