Sẽ siết chặt hơn các điều kiện kinh doanh bán hàng đa cấp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp có đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp ở Việt Nam phải có thời gian hoạt động bán hàng đa cấp tối thiểu là 3 năm liên tục ở một quốc gia khác trên thế giới.
Sẽ siết chặt hơn các điều kiện kinh doanh bán hàng đa cấp

Đây là một trong những điều kiện áp dụng với các nhà đầu tư nước ngoài khi đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, vừa được Bộ Công Thương xây dựng và đưa ra lấy ý kiến.

Dự thảo cũng quy định rõ các kế hoạch trả thưởng cho đại lý của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Theo dự thảo, kế hoạch trả thưởng phải quy định rõ điều kiện đạt được, hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác chi trả từng cấp bậc, danh hiệu người tham gia bán hàng đa cấp; vấn đề bảo trợ quốc tế (nếu có);

Kế hoạch trả thưởng phải đảm bảo tổng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác chi trả cho người tham gia trên cơ sở kết quả bán hàng của người đó tối thiểu bằng 20% tổng số hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác mà doanh nghiệp chi trả cho người tham gia trong một năm…

Dự thảo cũng đưa ra các quy định nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp thông qua việc điều chỉnh cơ chế bảo trợ quốc tế, ngăn ngừa các hoạt động trái phép hoặc thu lợi bất chính từ thị trường Việt Nam.

Cụ thể, doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại Việt Nam không được sử dụng doanh số của người tham gia bán hàng đa cấp tại Việt Nam phát sinh từ hệ thống tuyến dưới ở nước ngoài để tính thành tích, cấp bậc và làm căn cứ chi trả hoa hồng cho người tham gia bán hàng đa cấp tại Việt Nam…

Ngoài ra, ở phần quy định đăng ký bán hàng đa cấp, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 20 với quy định trường hợp không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm ủy quyền cho một cá nhân cư trú tại địa phương làm người đại diện tại địa phương để thay mặt doanh nghiệp làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đó.

Tuy nhiên, điều kiện cũng được siết chặt hơn là người đại diện của doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại địa phương phải được cấp xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp; có đủ thẩm quyền và trách nhiệm đại diện cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp để làm việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp tại địa phương theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh theo phương thức đa cấp….

Dự kiến, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ hoàn thiện dự thảo trước khi Bộ Công Thương trình Chính phủ vào tháng 12/2021.

Theo số liệu của Bộ Công thương, trong giai đoạn 2015 - 2020, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại Việt Nam có xu hướng giảm mạnh, từ 67 doanh nghiệp vào thời điểm cuối năm 2015, xuống chỉ còn 22 doanh nghiệp vào cuối năm 2020. Thị trường bán hàng đa cấp những năm qua liên tục được siết chặt nhằm thanh lọc và tạo sân chơi bình đẳng, đúng nghĩa cho ngành này phát triển.

Mặc dù số lượng doanh nghiệp giảm rõ rệt, nhưng doanh thu của ngành lại có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ. Số liệu thống kê về doanh thu bán hàng đa cấp tại Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020 tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn đạt 16%, thuộc top 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất thế giới (năm 2019).

Đồng thời mức đóng góp thuế vào ngân sách Nhà nước của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2015 - 2020, với tốc độ gia tăng bình quân 29%.

N.Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục