Sẽ phạt những NH không giảm lãi suất xuống dưới 12%

(ĐTCK-online) Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN theo nội dung yêu cầu tại Công điện số 02/CĐ - NHNN phát đi chiều tối ngày 26/2, sáng ngày 27/2, NHNN chi nhánh TP.HCM đã triệu tập khẩn các NH (NH) trên địa bàn TP.HCM.
Nhiều nhà băng quy mô lớn, vốn khả dụng dư thừa nhưng lãi suất thấp phải đau đầu trước bài toán điều chỉnh lãi suất huy động để giữ “máu” cho mình. Ảnh: Đức Thanh. Nhiều nhà băng quy mô lớn, vốn khả dụng dư thừa nhưng lãi suất thấp phải đau đầu trước bài toán điều chỉnh lãi suất huy động để giữ “máu” cho mình. Ảnh: Đức Thanh.

Theo ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, việc đua tăng lãi suất của các NH trong thời gian qua là phù hợp với nguyên tắc không để lãi suất âm. Tuy nhiên, do lạm dụng quá mức, một số NH quy mô nhỏ đã cạnh tranh không lành mạnh để tăng lãi suất huy động vốn, nhằm kéo khách hàng từ các NH lớn. Vì vậy, để thực hiện chủ trương theo nội dung tại Công điện số 02 là khống chế mức lãi suất huy động không vượt quá 12%/năm, NHNN chi nhánh TP.HCM yêu cầu các NH trên địa bàn đã tăng lãi suất lên trên 12% phải giảm ngay trong chiều hôm nay (27/2) hoặc chậm nhất là một trong hai ngày tới.

 

Trường hợp, NH nào không cắt giảm lãi suất xuống dưới mức 12%/năm sẽ bị xử lý nghiêm ngặt. Do đó, ngay sau khi thông báo tăng lãi suất huy động vốn lên 14,4%/năm trong sáng ngày 27/2 thì vào đầu giờ chiều cùng ngày SeABank đã nhanh chóng cắt lãi suất xuống dưới 12%/năm. Ngược lại, để đảm bảo tính thanh khoản, một số NH cổ phần quy mô nhỏ khác, chẳng hạn như HDBank, OCB… tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động tiền gửi đụng trần 12%/năm trong chiều ngày 27/2. Cụ thể, mức lãi suất huy động VND ở tất cả các kỳ hạn của HDBank hiện nay là 1%/tháng. Lãi suất huy động vàng dao động từ 2,04% - 2,76%. Tương tự, OCB ban hành mức lãi suất mới ở mức bình quân 12%/năm tùy từng kỳ hạn khác nhau.

 

NHNN chi nhánh TP.HCM cho rằng, trong thời gian qua nhiều NH cổ phần quy mô nhỏ đã lạm dụng cuộc đua lãi suất để lôi kéo khách hàng làm ảnh hưởng đến tính ổn định của thị trường tiền tệ. Vốn huy động được của các NH quy mô nhỏ lãi suất cao trong những ngày qua đã tăng lên đột biến. Chẳng hạn như VietA Bank bình quân trên 400 tỷ đồng kể từ khi tăng lãi suất lên 13,92%/năm áp dụng vào 25/2. Sự dịch chuyển vốn giữa các NH quy mô lớn lãi suất thấp sang NH quy mô nhỏ lãi suất cao ngày một rõ nét hơn. Vietcombank trong hai tuần qua đã bị rút 11.200 tỷ đồng; BIDV cũng được khách hàng rút ra khoảng 8.000 tỷ đồng. Chính điều này đang làm các nhà băng quy mô lớn, vốn khả dụng dư thừa nhưng lãi suất thấp phải đau đầu trước bài toán điều chỉnh lãi suất huy động để giữ “máu” cho mình. Mặt khác, vốn huy động về đang nằm ứ đọng tại các NH quy mô nhỏ, lãi suất cao.

 

Theo ông Phạm Văn Thiệt, Tổng giám đốc Eximbank Việt Nam, việc khống chế mức lãi suất huy động ở mức trần 12%/năm sẽ phần nào giúp các NH quy mô lớn, lãi suất phù hợp giữ chân được người gửi tiền và góp phần làm ổn định trong hoạt động tiền tệ, không như những ngày qua đã có sự xáo trộn không đúng với thực tế vấn đề. Có nghĩa, việc tăng lãi suất của một số NH quy mô nhỏ gần đây bên cạnh mục đích huy động vốn đáp ứng yêu cầu về thanh khoản còn tranh thủ cơ hội để thu hút khách hàng gửi tiền. Điều này cũng được ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM khẳng định trong cuộc họp sáng nay. Cũng theo ông Hạnh, để sớm chất dứt tình trạng trên, trong những ngày tới NHNN chi nhánh TP.HCM sẽ tiến hành thanh tra về lãi suất tại các NH cổ phần trên địa bàn. Trường hợp, NH nào vẫn giữ mức lãi suất trên 12%, NHNN chi nhánh TP.HCM sẽ có biện phát xử lý nghiêm. “Đây là chủ trương và yêu cầu của Thống đốc NHNN nên các NH phải nhanh chóng điều chỉnh lãi suất xuống dưới mức cho phép”, ông Hạnh nói.

 

Lâu nay, lãi suất luôn được các NH cổ phần tự cân đối và điều chỉnh theo cán cân cung  - cầu vốn. NHNN chưa có sự can thiệp nào đối với việc tăng giảm lãi suất của hệ thống các NH cổ phần. Như vậy, với nội dung của Công điện 02, lần này NHNN đã chính thức can thiệp vào việc điều chỉnh lãi suất của các NH. Theo tổng giám đốc một NH cổ phần, tăng lãi suất trong bối cảnh hiện nay là hoàn toàn phù hợp với diễn biến của thị trường. Vì lạm phát gia tăng nhanh so với lãi suất tiền gửi NH sẽ rất khó thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi trong dân, nếu phải hưởng mức lãi suất âm. Mặt khác, lãi suất luôn là “con dao hai lưỡi”, tăng lãi suất sẽ đồng nghĩa với tăng chi phí đầu vào. Các NH rất đau đầu với bài toán lãi suất nên rất thận trọng trước khi điều chỉnh. Do đó, lãi suất tăng cao tại một số NH quy mô nhỏ gần đây chủ yếu chỉ để đảm bảo tính thanh khoản vốn.

Vân Linh

>>Siêu lãi suất

Tin cùng chuyên mục