Trong đó, sẽ sử dụng 61.680 tỷ đồng để thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và Đường Hồ Chí Minh; đầu tư cho các dự án dang dở đã có trong Danh mục dự án sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2012 - 2015 là 73.320 tỷ đồng; Chương trình xây dựng nông thôn mới 15.000 tỷ đồng và 20.000 tỷ đồng để làm vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn vay ODA.
Mặc dù đồng tình với việc phát hành thêm 170.000 tỷ đồng, nhưng trước thực tế tổng mức đầu tư nguồn vốn TPCP giai đoạn 2008 - 2012 của nhiều dự án bị đội lên 2 - 3 lần, có dự án tổng mức đầu tư điều chỉnh gấp hơn 7 lần, Đại biểu tỉnh Hà Nam, ông Phùng Đức Tiến đề nghị phải làm rõ số tiền 170.000 tỷ đồng TPCP được dự toán ở thời điểm nào và các dự án sử dụng vốn TPCP triển khai đến bao lâu thì xong?
“Nếu như đến lúc kết thúc dự án, giá vật tư, giá nhân công, giá xe máy thay đổi thì tổng dự toán của các dự án có phá vỡ không và có thay đổi không? Nếu phá vỡ, thay đổi thì hiệu quả đầu tư lại như thời gian vừa rồi, lại dàn trải. Trong trường hợp không dự kiến được thì tổng mức đầu tư tăng lên, lại phải phát hành TPCP lần nữa để bổ sung vốn”, ông Tiến băn khoăn.
Số tiền 170.000 tỷ đồng TPCP đã được Quốc hội “bật đèn xanh” để Chính phủ phát hành trong 3 năm tới, song theo Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) thì không nên mặc nhiên xác định đây là số tiền phải sử dụng... cho bằng hết, mà việc phân bổ phải trên cơ sở thẩm định, đánh giá đầy đủ các điều kiện của từng dự án trước khi quyết định mức phát hành tại từng thời điểm.
“Đầu tư bằng nguồn vốn TPCP phải cân nhắc hiệu quả không chỉ về kinh tế - xã hội mà còn là hiệu quả tài chính, vì đây là vốn vay nên phải tính đến trách nhiệm hoàn trả”, ông Tâm lưu ý.
Cũng như Đại biểu Trần Đức Tiến, Đại biểu Nguyễn Thành Tâm cũng rất quan tâm tới việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, bởi một trong những nguyên nhân dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư như đã từng xảy ra với rất nhiều dự án là do hiệu chỉnh kỹ thuật, vì không cân nhắc, thẩm định kỹ lưỡng khi chuẩn bị đầu tư.
“Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phải giám sát thường xuyên tình hình phát hành, sử dụng TPCP để đảm bảo an toàn nợ công, lạm phát”, ông Tâm kiến nghị.
Từ thực tế đầu tư cho các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn TPCP trong nhiều năm trở lại đây, Đại biểu tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Nam đề nghị, số tiền 170.000 tỷ đồng vốn TPCP lần này phải bố trí không chỉ đầy đủ mà phải kịp thời cho từng dự án để đảm bảo chất lượng, tiến độ thi công công trình, góp phần nâng hiệu quả đầu tư.
“Từ trước đến nay, rất nhiều dự án luôn được bố trí vốn trên sổ sách đầy đủ, nhưng khi triển khai thì không bao giờ kịp thời, gây khó khăn cho việc điều hành cũng như bản thân doanh nghiệp trúng thầu xây dựng công trình, dự án”, ông Nam dẫn chứng.
>> Trình Quốc hội phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu