Cụ thể, DN niêm yết chứng khoán tại HOSE phải có vốn điều lệ tối thiểu 120 tỷ đồng trong khi tại HNX vốn điều lệ tối thiểu là 30 tỷ đồng. Điều kiện về kết quả hoạt động kinh doanh được áp dụng đối với DN niêm yết tại HOSE phải có hoạt động kinh doanh 02 năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi và tại HNX là hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi với tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của năm liền trước năm đăng ký niêm yết tối thiểu là 5%...
Nhìn từ nhu cầu thực tiễn
Trên thực tế, nhu cầu niêm yết của các DN là có thực và cần được khuyến khích đứng trên góc độ công bố thông tin và giám sát cho lợi ích cổ đông nhỏ. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, nhìn vào chất lượng hàng hóa trên thị trường đang rất lộn xộn.
Chỉ trong tháng 10/2010, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã có thêm 11 mã cổ phiếu mới, như CTA, OCH, APP, QCC, TIG, GBS…, nâng tổng số DN niêm yết trên HNX lên 349 đơn vị, giá trị niêm yết đạt 54.430 tỷ đồng. Theo thông tin từ HNX, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm khoảng 30 DN lên sàn. Tại Sở GDCK TP. HCM (HOSE), từ đầu năm đến nay có khoảng 70 DN niêm yết mới và dự kiến sẽ có thêm gần 30 đơn vị tiếp tục chào sàn trong 2 tháng cuối năm. |
Ông Lê Hải Trà, Thường trực HĐQT Sở GDCK TP. HCM cho rằng, thị trường đã có một bước tiến vượt bậc nếu xét về quy mô, từ chỗ chỉ có hơn 40 DN niêm yết tính đến cuối năm 2005 thì nay con số đã nâng lên khoảng 620 DN. Tuy nhiên, đã đến lúc cần nâng tiêu chuẩn DN niêm yết bằng việc phân chia nhóm DN theo từng cấp độ khác nhau.
Để có thể cạnh tranh thu hút vốn từ các NĐT trong và ngoài nước, chất lượng hàng hóa cần được nâng lên. Hơn nữa, việc nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết bằng nhiều giải pháp sẽ tạo sự hấp dẫn cho thị trường, giảm thiểu rủi ro cho NĐT, tạo điều kiện cho các DN kinh doanh hiệu quả dễ dàng thu hút vốn.
Theo dự báo, số lượng DN niêm yết sẽ tăng rất mạnh trong năm tới bởi dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi (được Quốc hội thông qua kỳ họp này) quy định, khi đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng, các doanh nghiệp phải cam kết đưa chứng khoán chào bán niêm yết, đăng ký giao dịch tại thị trường chứng khoán có tổ chức trong thời hạn một năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán được đại hội đồng cổ đông hoặc chủ sở hữu thông qua.
Nhìn từ nhu cầu của DN
CTCP Bảo vệ thực vật An Giang hiện có vốn điều lệ 310 tỷ đồng và được đánh giá là DN làm ăn rất hiệu quả, lợi nhuận sau thuế năm 2010 có khả năng đạt 320 tỷ đồng. Công ty đang có kế hoạch tăng vốn lên gấp đôi 621 tỷ đồng và niêm yết cổ phiếu trên HOSE. Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Công ty cho hay, một trong những áp lực với lãnh đạo DN này trong việc quyết định lên sàn, ngoài vấn đề tăng cường quản trị DN còn xuất phát từ áp lực của các cổ đông lớn, trong đó có những quỹ đầu tư nước ngoài. “Nhiều nhà đầu tư tài chính chỉ có mục đích đầu tư ngắn hạn. Họ thúc DN lên sàn để tái cấu trúc danh mục, chốt lời và có cơ hội rút vốn”.
Còn theo ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cà phê Thái Hòa, DN có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, mới đây nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX, cho hay, cho dù TTCK đang ảm đạm, song kế hoạch niêm yết cổ phiếu của Thái Hòa đã được đặt ra từ năm 2007 ngay sau khi đưa công ty con là CTCP Cà phê An Giang (AGC) lên niêm yết. Trước mắt, mục tiêu của DN này đặt ra khi chào sàn là nhằm tăng cường quản trị DN, đồng thời tập dượt cho cán bộ nhân viên trong Công ty làm quen với việc minh bạch hóa thông tin. “Nếu thị trường ảm đạm thì các cổ đông sở hữu cổ phiếu chấp nhận nằm im, không mua bán cổ phiếu. Chuyện huy động vốn cho Tập đoàn tạm thời không phải là mục tiêu lớn nhất khi DN lên sàn”, ông An nói.
CTCP Huy Thắng là DN có quy mô rất nhỏ, vốn điều lệ 18 tỷ đồng, mới niêm yết trên sàn HNX. Ông Lê Văn Bảy, Giám đốc Công ty cho hay, DN có kế hoạch niêm yết cổ phiếu từ cuối năm 2007, đầu năm 2008, nhưng do khủng hoảng tài chính khiến TTCK rớt sâu nên đã tạm hoãn lại, nay dù thị trường không thuận lợi, nhưng Công ty vẫn quyết định không lùi kế hoạch đã định. Huy Thắng hiện hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây lắp, song tới đây sẽ triển khai dự án Anh Duy Tower với tổng chi phí đầu tư trên 371 tỷ đồng, vì vậy niêm yết là bước chuẩn bị cho việc huy động vốn dự kiến vào năm 2011. Ông Bảy cho hay, trước khi lên sàn, Công ty cũng thấy rộ lên tình trạng cổ phiếu của các doanh nghiệp quy mô nhỏ bị “thao túng giá” và sau đó thương hiệu Công ty chịu ảnh hưởng nặng nề, vì thế HĐQT và Ban điều hành Công ty xác định rất rõ mục đích sau khi lên sàn: tập trung vào hoạt động kinh doanh chính, hạn chế tối đa đầu tư tài chính hoặc những ngành nghề tay trái.
Có thể nói, cổ đông của hầu hết DN đều muốn đưa cổ phiếu lên sàn để tăng thanh khoản, mua bán dễ dàng… Cùng với việc nâng tiêu chuẩn các DN niêm yết, dựa trên một số tiêu chí như quy mô vốn, kết quả kinh doanh, quy định công bố thông tin…, nhà đầu tư đang hy vọng chất lượng hàng hóa sẽ tỷ lệ thuận với số lượng cổ phiếu chào sàn.