Định hình doanh nghiệp Việt
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 5 năm qua là một giai đoạn vô cùng khó khăn khiến các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam chật vật với những nỗ lực tái cấu trúc để tồn tại. Tuy đã bắt đầu thai nghén những doanh nghiệp tiềm năng, song cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa định hướng được một diện mạo mới có thể tạo ra những đột phá có hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập. Người đứng đầu VCCI nhìn nhận, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp với những thương hiệu và đẳng cấp cao trong khu vực và trên thế giới.
"Thể chế nào, doanh nhân đó, các doanh nhân đang hoạt động sẽ phải lột xác, chuyển mình và một thế hệ doanh nhân mới sẽ hình thành - một thế hệ doanh nhân sáng tạo"
- TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.
“Xét về tổng tài sản, một số doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn được xếp hạng cao trong khu vực, nhưng nhìn chung về hiệu quả và chất lượng thì còn nhiều việc phải bàn. Các đại gia trong giới doanh nhân Việt Nam đến nay chủ yếu hoạt động trong khu vực tài chính - ngân hàng và bất động sản. Tuyệt đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tính bài bản và chuyên nghiệp thấp và còn xa mới đạt tới các chuẩn mực phổ biến toàn cầu. Hộ kinh tế gia đình vẫn là chủ thể kinh tế phổ biến trong khu vực nông nghiệp, nông thôn”, ông Lộc nói.
Trong khi đó, làn sóng hội nhập đã cận kề với những tác động cộng hưởng tạo ra những thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân. Những thách thức này đã được đề cập nhiều trong thời gian qua, nay được ông Lộc nhắc lại với những quan ngại lớn hơn.
“Những lợi thế về tài nguyên và lao động sẽ suy giảm, thương mại quốc tế có xu hướng đảo chiều. Các ngành công nghiệp cần nhiều lao động và thâm dụng tài nguyên có thể sẽ trở lại chính quốc ở châu Âu và Bắc Mỹ với công nghệ tự động hóa, sử dụng người máy, trí tuệ nhân tạo và vật liệu mới, công nghệ nano, in 3D… với chi phí ngày càng giảm. Một hậu quả có thể thấy trước nếu cộng đồng doanh nghiệp Việt không vượt lên được chính mình để định hình và tồn tại, phát triển, đó là các lợi thế về địa kinh tế có thể mất đi, doanh nghiệp Việt sẽ không còn nguồn động lực hữu hiệu để cạnh tranh và phát triển”, ông Lộc cảnh báo.
Đổi mới cách nào?
“Tại sao sản phẩm của chúng tôi rất đơn giản, dễ làm, nhưng lại có thể tồn tại được hơn 130 năm”, ông Sanket Ray, Tổng giám đốc CocaCola Việt Nam đặt một câu hỏi khiến không ít doanh nghiệp bất ngờ. “Công thức thành công là chúng tôi tự coi doanh nghiệp là trường đại học của những sáng kiến. Đây cũng là kinh nghiệm mà tôi muốn chia sẻ với các doanh nhân Việt Nam. Chúng tôi tồn tại và phát triển được ở khắp thế giới nhờ sáng tạo và khớp nối với cộng đồng nơi chúng tôi đặt chân”, ông Sanket Ray chia sẻ.
Công thức 5C được vị CEO trên chia sẻ như một bí quyết thành công của đế chế CocaCola bao gồm khách hàng, cộng đồng, năng lực, hành động đúng và sự kết nối. Với tập đoàn này, không có khái niệm dừng lại, họ luôn xây dựng chiến lược trong việc làm cho danh mục sản phẩm của mình phong phú hơn, liên tục đổi mới trong cách tiếp cận khách hàng và đặc biệt tập trung phát triển công nghệ kỹ thuật số.
TS. Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG lại đem đến một hướng đi khác cho sự đổi mới. Ông đề cập đến công cụ hữu hiệu giúp tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp. M&A không chỉ đến từ doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam mà thực tế đã cho thấy không ít công ty trong nước đầu tư vào các doanh nghiệp nước ngoài như Vinamilk, FPT, Viettel…
"Người Việt Nam không thua các nước, nếu thể chế của chúng ta không thua họ thì nền kinh tế của chúng ta không có lý gì cứ lẽo đẽo theo sau"
- TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.
Được coi là một doanh nghiệp đến sau nhưng thành công trên thị trường Việt Nam, ông Bruce Butler, Chủ tịch Home Credit lại nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc làm chủ dữ liệu trong dịch vụ tài chính. Điều này cho phép doanh nghiệp xác định khách hàng, cung cấp đúng sản phẩm, cung cấp đúng dịch vụ, sử dụng đúng cách tiếp cận, đúng thời điểm và tăng độ hài lòng của khách hàng. Tổ chức có càng nhiều, càng đa dạng dữ liệu về khách hàng thì khả năng dự báo rủi ro càng cao. Đây là yếu tố then chốt trong việc ra quyết định kinh doanh hàng ngày.
Ở tầm vĩ mô, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, nếu Nhà nước còn cơ chế xin - cho thì chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ tìm đường phát triển dựa trên mối quan hệ thân hữu. Khi Chính phủ đã nghĩ mới, làm mới thì doanh nghiệp sẽ tự thân phải nâng tầm, tương xứng với tư duy đổi mới của Chính phủ. Đây là mối quan hệ nhân quả, biện chứng mà tất cả các quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp trong quốc gia đó đều phải trải qua trên còn đường lột xác để vươn tới tầm cao mới.
Theo ông Lộc, các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ có thể coi là những nghị quyết có ý nghĩa khởi nghiệp. Chính phủ đang nghĩ mới, làm mới, cố gắng nâng bậc thứ hạng cạnh tranh với các nền kinh tế ASEAN và toàn cầu. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng phải nâng cấp, đột phá để thích ứng với môi trường kinh doanh mới. Chính phủ quyết bỏ cơ chế xin - cho, doanh nghiệp chống “mối quan hệ thân hữu” đang là xu hướng chính của công cuộc cải cách để hình thành một chính phủ kiến tạo, phục vụ và một cộng đồng doanh nghiệp liêm chính, có sức cạnh tranh cao.
“Thể chế nào, doanh nhân đó, các doanh nhân đang hoạt động sẽ phải lột xác, chuyển mình và một thế hệ doanh nhân mới sẽ hình thành - một thế hệ doanh nhân sáng tạo. Người Việt Nam không thua các nước, nếu thể chế của chúng ta không thua họ thì nền kinh tế của chúng ta không có lý gì cứ lẽo đẽo theo sau”, ông Lộc nhấn mạnh.
Tinh thần đổi mới, sáng tạo, vượt lên trên lối suy nghĩ thông thường cũng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại lễ phát động phong trào thi đua trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp 2016 nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Thủ tướng nói: “Để các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp để đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, hàng năm có 30 - 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo, hiệu quả”.
Đây không chỉ là lời cam kết mạnh mẽ mà còn là lời giao việc của Thủ tướng Chính phủ tới cộng đồng doanh nghiệp khi đích thân Thủ tướng phát động phong trào thi đua với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, mở đầu cho một giai đoạn phát triển và vươn lên của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt.
Để thực hiện mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với doanh nghiệp.
Ba đồng hành bao gồm:
(1) Đồng hành đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, chú trọng đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, đảm bảo gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử để công khai, minh bạch nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước thông qua môi trường mạng, đảm bảo hàng năm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Phấn đấu đến năm 2020, chỉ số môi trường cạnh tranh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình của nhóm ASEAN 3.
(2) Đồng hành trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực như: cấp phép xuất nhập khẩu, thuế, đất đai, xây dựng, tín dụng, nông nghiệp, nông thôn… đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp phát triển với mục tiêu giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp theo đúng các cam kết trong khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế (ASEAN, WTO, APEC, ASEM...) và các hiệp định kinh tế - thương mại, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để nâng cao năng lực hội nhập cho doanh nghiệp, tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu và đầu tư, đặc biệt về AEC, TPP, RCEP…
(3) Đồng hành xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nhân (nhất là trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế vùng và địa phương).
Năm hỗ trợ là:
(1) Hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung triển khai hiệu quả đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp; rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp gắn kết với hoạt động của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu.
(2) Hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động, chú trọng mở rộng thị trường, đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ thông tin, nâng cao năng suất lao động giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2035, phấn đấu năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm.
(3) Hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh, bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm pháp luật.
(4) Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp như nâng cao khả năng tiếp cận thị trường trong nước và nước ngoài thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nhân Việt Nam tham gia tiến trình hội nhập quốc tế.
(5) Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Trong đó, chú trọng chất lượng, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật cao; tổ chức, vận hành các mô hình vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp, chương trình tăng tốc đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp với sự tham gia các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65 - 70%.