Sẽ minh bạch hoá việc bán cổ phần của CTĐC

(ĐTCK-online)Danh sách người lao động (NLĐ), cổ đông chiến lược trong công ty đại chúng (CTĐC) sẽ phải công khai trước 10 ngày khi DN thực hiện phát hành cổ phần (CP) cho 2 đối tượng này; giá bán CP ưu đãi cho CBCNV không thấp hơn 40% giá thị trường tại thời điểm phát hành… là những nội dung mới trong dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 18/2007/BTC.
Sẽ minh bạch hoá việc bán cổ phần của CTĐC

Hiện dự thảo đang được UBCK lấy ý kiến đóng góp của công chúng. Ông Nguyễn Thế Thọ, Trưởng ban Quản lý phát hành, UBCK trao đổi thêm với ĐTCK-online về vấn đề này.

Dự thảo quy định về việc phát hành CP theo chương trình lựa chọn cho NLĐ  có nhiều yêu cầu cao hơn so với Thông tư 18. Xin ông cho biết rõ quan điểm của Ban soạn thảo khi đưa ra những yêu cầu này?

Theo quy định trước đây, khi phát hành CP bán cho NLĐ, HĐQT phải công bố tiêu chuẩn và danh sách NLĐ được tham gia chương trình, nguyên tắc xác định giá bán và thời gian thực hiện. Dự thảo mới quy định những tiêu chuẩn, điều kiện trên phải công bố công khai, đồng thời có thêm ý kiến của Công đoàn, bởi hơn ai hết đây là tổ chức nắm rõ nhất về NLĐ. Ở đây, tôi nhấn mạnh là phải công khai tiêu chuẩn và danh sách người được tham gia để CBCNV và tổ chức công đoàn có thể tham gia giám sát, chứ không phải đưa tiêu chuẩn rồi xét duyệt một cách khép kín.

 

Nhiều NLĐ thắc mắc rằng, nếu chỉ được mua CP với giá thấp hơn thị trường 40% thì đâu có ưu đãi gì nhiều?

Dự thảo mới quy định giá bán CP cho NLĐ không được thấp hơn 40% giá thị trường tại thời điểm phát hành và giá bán cho cổ đông hiện hữu, kèm với nó là điều kiện nắm giữ tối thiểu 1 năm.

Thực tế nảy sinh trong thời gian qua cho thấy, nhiều công ty khi phát hành thêm CP, HĐQT đã quyết định bán cho NLĐ theo mệnh giá, khi một lượng CP lớn được đưa ra thị trường sẽ pha loãng số lượng và giá thị trường tất yếu điều chỉnh xuống. Như vậy, nhóm cổ đông là NLĐ sẽ được lợi, nhưng lại gây thiệt thòi cho các cổ đông khác.

Thực ra, xử lý mối quan hệ này rất khó, bởi khi ưu tiên cho NLĐ, bản thân họ lại cố gắng làm việc, tạo ra lợi nhuận cho công ty, song người quản lý phải cầm cân nảy mực, dung hòa quyền lợi của các nhóm cổ đông và tính cả đến sự phát triển của thị trường.

 

Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, mỗi DN có chính sách đãi ngộ nhân tài khác nhau và lương, thưởng không nhất thiết phải công khai. Quy định như dự thảo là can thiệp quá sâu vào hoạt động DN?

Cái gì cũng có hai mặt. Mặt được ở đây là tiêu chuẩn, tiêu chí được đưa ra một cách công khai minh bạch để công đoàn, cán bộ công nhân viên trong DN và chính các cổ đông có thể cùng tham gia giám sát. Mặt khác, có DN cho rằng, đây là điều không nên vì họ có quyền quyết định những vấn đề đó. Cũng vì có nhiều ý kiến như vậy nên khi soạn thảo thông tư chúng tôi quyết định đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, DN có thể đóng góp và mọi ý kiến đều được ghi nhận. Trường hợp tất cả các ý kiến đều nghiêng về một phía, chúng tôi sẽ tổng hợp  báo cáo với lãnh đạo UBCK xem xét, quyết định.

 

Liên quan đến quy định về đối tác chiến lược, tại sao dự thảo mới siết lại diện được mua cổ phần này?

Dự thảo cụ thể hóa những điều kiện, tiêu chuẩn để xác định đối tác chiến lược chứ không siết việc bán CP cho đối tác chiến lược, tránh tình trạng lạm dụng đối tác chiến lược như thời gian qua. Có nhiều nơi, đối tác chiến lược vừa mua CP xong đã bán, có trường hợp công ty mẹ không liên quan, hỗ trợ gì cho DN con cũng được coi là đối tác chiến lược và mua CP ưu đãi. Ở góc độ những người làm luật như chúng tôi, đưa ra chính sách rất khó. Khi quy định cụ thể về vấn đề này, có ý kiến cho rằng, đối tác chiến lược không thể là cá nhân, nhưng có DN lại bảo rằng, do đặc thù kinh doanh ngành nghề của họ, các tổng đại lý toàn là tư nhân.  Nói như vậy để thấy thị trường rất đa dạng, chính sách làm sao để đảm bảo cái chung nhất. Song đây cũng chỉ là dự thảo, nếu DN có đối tác chiến lược với những hoàn cảnh, điều kiện ngoài những gì dự thảo đưa ra thì nên đóng góp ý kiến.

 

Theo như dự thảo thì DN phải công bố danh sách NLĐ được mua CP, danh sách cổ đông chiến lược. Với những DN có tới hàng chục nghìn lao động thì điều này sẽ rất phiền hà, thưa ông?

Dự thảo ghi rõ tổ chức phát hành phải công bố thông tin tối thiểu 10 ngày trước khi thực hiện việc phát hành và báo cáo kết quả cho UBCK sau 10 ngày hoàn thành việc phát hành. Đối với trường hợp phát hành CP theo chương trình lựa chọn cho NLĐ, phát hành CP cho đối tác chiến lược, báo cáo phải kèm theo danh sách có chữ ký của NLĐ, đối tác chiến lược tham gia mua CP. Tôi cho rằng, với những điều kiện hiện nay, việc công bố thông tin không có gì phiền hà. Đưa ra quy định như vậy nhằm đảm bảo mục tiêu cao nhất của thị trường là công khai, minh bạch. Hơn nữa đây mới là những quy định trong dự thảo và đang lấy ý kiến đóng góp đến ngày 10/8 và quan điểm của DN, công chúng đầu tư sẽ được tiếp thu rộng rãi.

Phong Lan thực hiện.
Phong Lan thực hiện.

Tin cùng chuyên mục