Năm 2025, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã lần đầu tiên thực hiện “khoán tăng trưởng” cho các địa phương. Kết quả thực hiện sau 6 tháng, trước thời điểm sáp nhập, là khá tích cực.
Báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, nhìn chung, tốc độ tăng GRDP quý II/2025 của các địa phương có sự cải thiện so với quý I. Trong đó, 41 địa phương (trước khi sáp nhập) đạt mức tăng trưởng quý II cao hơn so với quý I, 3 địa phương có mức tăng trưởng quý II tương đương quý I và 19 địa phương có mức tăng trưởng quý II thấp hơn quý I.
Tính chung 6 tháng, có 30 địa phương có mức tăng trưởng GRDP đạt trên 8%, trong đó có một số địa phương có mức tăng trưởng đạt trên 10%. “Các địa phương trọng điểm cơ bản đều đạt mức tăng trưởng khoảng từ 8% trở lên”, Bộ Tài chính cho biết.
Trong số các địa phương trọng điểm, Bộ Tài chính cho biết, 6 tháng đầu năm, kinh tế - xã hội của TP.HCM đạt nhiều kết quả tích cực, với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,82%. Dù chưa đạt được mức 8,67% như kịch bản nhưng đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020.
Trong khi đó, kinh tế - xã hội Hà Nội cũng có sự khởi sắc khi mức tăng trưởng GRDP quý II/2025 ước đạt 7,69%, đưa tốc độ tăng trưởng 6 tháng đạt mức 7,63%, đạt kế hoạch đề ra và tạo đà vững chắc để cả năm cán mốc 8%.
Bình Dương cũng là địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP khá cao, với mức 9,06% trong quý II/2025, và 8,3% trong 6 tháng. Trong khi đó, Đồng Nai tăng trưởng 8,34%; cả Hải Phòng vả Quảng Ninh đều tăng trưởng 11%.
Tuy nhiên, trong khi Quảng Ninh đạt và vượt kịch bản tăng trưởng kinh tế, thì Hải Phòng lại chưa đạt kịch bản đề ra. Theo kịch bản, Hải Phòng sẽ tăng trưởng 11,97% trong 6 tháng đầu năm, và đạt mức tăng trưởng 12,5% trong cả năm.
Cùng nằm trong nhóm các địa phương trọng điểm, Thanh Hóa tăng trưởng GRDP 7,88% trong 6 tháng. Con số này của Bắc Ninh là 7,09%; Nghệ An đạt 8,24%.
Hải Dương và Bắc Giang là hai trong số các địa phương đạt tốc độ tăng trưởng GRDP cao, lần tương ứng là 11,6% và 14,01%. Tăng trưởng GRDP của cả hai địa phương này đều vượt kịch bản đề ra. Trong đó, Bắc Giang đứng đầu cả nước về tăng trưởng.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, về cơ bản, các địa phương vẫn quyết liệt thực hiện mục tiêu tăng trưởng được Chính phủ giao, trong đó có 40 địa phương tiếp tục thực hiện theo đúng mục tiêu tăng trưởng; còn lại 23 địa phương phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn so với mục tiêu của Nghị quyết.
Việc thực hiện “khoán tăng trưởng” năm 2025, có thể nói, đã góp phần quan trọng “thúc” tăng trưởng GRDP của các địa phương, cũng như tăng trưởng GDP của cả nước. Tuy vậy, lời giải cho bài toán này sẽ phải thay đổi, khi mà kể từ ngày 1/7, địa giới hành chính đã được sắp xếp lại, theo đó sẽ chỉ còn 34 tỉnh, thành phố, thay vì 63 tỉnh, thành phố như trước đây.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, có 17/34 địa phương sau sáp nhập đạt mức tăng trưởng trên 8%. Đó là Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Phú Thọ, Bắc Ninh, TP. Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, TP. Huế, TP. Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Đồng Nai, An Giang.
Tuy nhiên, cũng có địa phương, tăng trưởng GRDP lại thấp đi. Ví dụ TP.HCM sau sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, nếu tính lại mức tăng trưởng GRDP chỉ còn 6,56%...
Để thúc đẩy tăng trưởng, cũng như để thực hiện và theo dõi, đánh giá đối với các địa phương sau khi sáp nhập, Bộ Tài chính tại Phiên họp thường kỳ và Hội nghị Chính phủ với các địa phương, đã trình Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng, trình Chính phủ điều chỉnh Nghị quyết số 25/NQ-CP, giao mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 cho 34 địa phương sau sáp nhập.