Sẽ hướng kiểm toán nội bộ theo chuẩn mực quốc tế

(ĐTCK) Nghị định của Chính phủ về kiểm toán nội bộ (KTNB) dự kiến ban hành vào tháng 12/2016 và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2017, sẽ hướng KTNB tại các doanh nghiệp dần theo chuẩn quốc tế.
Công tác kiểm toán nội bộ  tại các doanh nghiệp Việt hiện vẫn chưa thực sự hiệu quả. Công tác kiểm toán nội bộ tại các doanh nghiệp Việt hiện vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Nhanh chóng kiện toàn nhân sự cho kiểm toán nội bộ

Tại buổi hội thảo “Cập nhật các quy định mới và xu hướng kiểm toán nội bộ tại Việt Nam” diễn ra mới đây tại Sở GDCK TP. HCM, PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam cho biết, để doanh nghiệp tồn tại trong một nền kinh tế thị trường, việc kiểm soát nội bộ nói chung và kiểm toán nội bộ nói riêng là một bộ phận không thể thiếu.

Vấn đề này đã được Nhà nước quan tâm cách đây hơn 20 năm, thể hiện qua Quyết định 832 quy định quy chế kiểm toán nội bộ của Bộ Tài chính năm 1997 và Luật Kiểm toán nhà nước năm 2005, tuy nhiên, công tác triển khai và áp dụng tại các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Theo ông Thanh, lý do lớn nhất nằm ở nhận thức của doanh nghiệp về lợi ích mà kiểm toán nội bộ mang lại. Hiện nay, nhà quản trị tài chính doanh nghiệp phần lớn là các đại diện chủ sở hữu, chứ không phải người chủ thực sự của doanh nghiệp, nên họ không đặt nặng vấn đề kiểm toán nội bộ trong doanh nghiệp. Mặt khác, tâm lý chung của người Việt ít muốn bị kiểm tra, đánh giá, nên trong nhiều trường hợp, các nhà quản trị thậm chí còn xem đó là bất lợi trong hoạt động quản trị, quản lý của họ.

Chính sự nhận thức chưa đầy đủ đó đã khiến nhiều doanh nghiệp từ chối kiểm toán nội bộ, hoặc nếu có cũng không phát huy được hiệu quả. Điều này cũng dẫn đến tình trạng thiếu sự quan tâm đầu tư, bồi dưỡng cho đội ngũ kiểm toán nội bộ.

“Đội ngũ kiểm toán nội bộ hiện nay, về kiến thức kế toán quản lý tương đối khá, tuy nhiên, khi tiến hành kiểm toán nội bộ lại cần kiến thức, kỹ năng của một nhà kiểm toán. Việc đào tạo ở trường chỉ là những kiến thức cơ bản, nhưng để thực hiện tốt, cần thêm kỹ năng và bản lĩnh trong giải quyết thực tế công việc”, ông Thanh cho hay.

Về đạo đức, bên cạnh chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, cần thiết ban hành kèm quy chế kiểm soát đạo đức nghề nghiệp của kiếm toán viên, nhằm đảm bảo việc thực hiện được minh bạch. Mặt khác, công tác đánh giá năng lực của đội ngũ kiểm toán nội bộ cũng phải được kiểm tra, đánh giá thường xuyên, để phù hợp với những thay đổi thực tế trong nước, cũng như quốc tế.

Dựa trên khung hành nghề quốc tế, CIA là chứng chỉ duy nhất hiện nay được quốc tế công nhận dành cho nhân viên kiểm toán nội bộ được cấp bởi Hiệp hội Kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ (IIA). Trên thế giới, có hơn 115.000 kiểm toán viên sở hữu chứng chỉ này, tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ có 44 người sở hữu CIA, trong khi so với các quốc gia trong cùng khu vực, trung bình có khoảng 3.000-4.000 kiểm toán viên sở hữu chứng chỉ này.

Bên cạnh đó, theo số liệu của IIA năm 2016, hầu hết các kiểm toán viên nội bộ chỉ được đào tạo trung bình từ 21-40 giờ mỗi năm, trong khi thực tế yêu cầu thời gian đào tạo tối thiểu đối với một kiểm toán viên nội bộ là 40-80 giờ. 

Không biên soạn chuẩn mực kiểm toán nội bộ riêng

Về vấn đề chuẩn mực kiểm toán nội bộ, một  số doanh nghiệp thắc mắc, liệu Việt Nam có biên soạn bộ khung chuẩn mực riêng hay không? Trả lời câu hỏi này, bà Lê Thị Tuyết Nhung, Phó vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính) cho biết, định hướng về việc áp dụng chuẩn mực quốc tế đã có.

Theo đó, kiểm toán nội bộ sẽ theo hướng nghiên cứu và hướng dẫn chuẩn mực kiểm toán nội bộ quốc tế do IIA ban hành để áp dụng cho Việt Nam. Ngay cả trong Dự thảo Nghị định về kiểm toán nội bộ, Luật Kế toán sửa đổi cũng đã quy định về việc khuyến khích các đơn vị áp dụng thông lệ và chuẩn mực quốc tế trong hoạt động kiểm toán nội bộ, nhưng không trái lại các quy định kiểm toán nội bộ khác và quy định có liên quan.

“Sau khi Nghị định chính thức được ban hành, Vụ sẽ phối hợp với các nhà tài trợ và các đơn vị hiệp hội để xuất bản một cẩm nang về kiểm toán nội bộ, trong đó thể hiện được chuẩn mực và định hướng theo thông lệ quốc tế”, bà Nhung cho hay.

Mặt khác, một vài doanh nghiệp bày tỏ lo ngại tính độc lập về lâu dài của kiểm toán nội bộ sẽ bị ảnh hưởng và cơ chế phối hợp giữa kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ, bà Nguyễn Anh Xuân Trang, Giám đốc Bộ phận Tư vấn Công ty Kiểm toán KPMG cho biết, việc kiểm toán độc lập tham gia kiểm toán nội bộ thực chất chỉ là biện pháp nhất thời, trong bối cảnh nguồn nhân lực đang được bổ sung. Kiểm toán độc lập có thể hỗ trợ trong một số trường hợp thực sự cần thiết, chứ không thể nào thay thế được kiểm toán nội bộ, bởi đó là việc kiểm toán bên ngoài, mang tính dịch vụ.

Thực tế, luật pháp cho phép các tổ chức, doanh nghiệp nếu không đủ năng lực thực hiện kiểm toán nội bộ có thể thuê các đơn vị bên ngoài. Tuy nhiên, nếu việc kiểm toán nội bộ được thuê ngoài hoàn toàn, đặc biệt với các doanh nghiệp niêm yết, là không ổn. Vì vậy, xuất hiện xu hướng mô hình cùng thực hiện trong lĩnh vực kiểm toán nội bộ.

Cụ thể, ở những mảng mà doanh nghiệp không có chuyên môn, nhân lực nội bộ không đáp ứng được yêu cầu (chẳng hạn, kiểm toán về công nghệ thông tin, ngân quỹ…), theo tiêu chí của quốc tế, vẫn cho phép thuê ngoài, miễn sao đảm bảo chất lượng kiểm toán. Tuy nhiên, người chịu trách nhiệm về kiểm toán nội bộ của công ty phải là người của công ty đó. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch.

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục