Sẽ hạn chế tối đa doanh nghiệp đóng cửa, phá sản vì Covid-19

Sẽ lưu ý đến các doanh nghiệp không có doanh thu, đang dừng sản xuất để có những cơ chế hỗ trợ phù hợp. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cam kết trong phiên chất vấn sáng 12/11.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong phiên chất vấn sáng 12/11/2021.

Nếu doanh nghiệp không trở lại, sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,7%. Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) bày tỏ sự lo ngại với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong phiên chất vấn sáng 12/11/2021.

Tỷ lệ doanh nghiệp đóng cửa khiến nhiều đại biểu lo ngại, nhất là với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ.

"Khả năng các doanh nghiệp này trở lại rất khó nếu không có đánh giá sát thực để có giải pháp phù hợp", đại biểu Trịnh Xuân An bày tỏ quan điểm khi nhìn vào khó khăn trong tiếp cận các gói hỗ trợ doanh nghiệp hiện tại của các doanh nghiệp này.

Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cũng là nội dung nhiều câu hỏi chất vấn của các đại biểu dành cho người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư. Trước đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cũng đặt câu hỏi về những giải pháp căn cơ để có 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025.

Đây là một chỉ tiêu có trongĐề án Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 mà chiều nay các đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua. Cũng phải nhắc lại, trong kỳ 5 năm trước, mục tiêu tương tự cũng được đặt ra, đó là 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020, nhưng đã không đạt được trên thực tế.

“Tôi cho rằng, mục tiêu này sẽ không thể đạt được nếu không có một giải pháp đột phá nào về khung khổ chính sách và pháp lý đối với doanh nghiệp”, đại biểu Vũ Tiến Lộc đặt vấn đề.

Giải thích rõ về con số này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, con số 1,5 triệu doanh nghiệp được tính toán trên cơ sở tốc độ tăng trưởng như vừa qua, trên cơ sở tốc độ thành lập doanh nghiệp, trên các điều kiện thuận lợi, môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi cũng như các chương trình khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đang được triển khai.

Có thể nhắc đến các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới, hỗ trợ các hoạt động của doanh nghiệp trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; các chương trình chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp công nghệ cao... cùng với nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.

“Những điều này tạo được niềm tin cho doanh nhân, doanh nghiệp, khuyến khích người dân bỏ tiền vào đầu tư, thành lập doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới”, Bộ trưởng Dũng tin tưởng.

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc đến 5 triệu hộ kinh doanh với những đóng góp lớn cho nền kinh tế, đang tạo việc làm cho khoảng 8 triệu lao động.

“Chính phủ đã đề xuất là bổ sung trong Luật Doanh nghiệp, nhưng Quốc hội đề nghị nên tách ra thành một luật riêng, việc này chúng tôi sẽ báo cáo lại với Chính phủ, trong thời gian tới sẽ xây dựng một luật riêng cho hộ kinh doanh”, Bộ trưởng Dũng nói.

Đây cũng được xác định là giải pháp tạo điều kiện phát triển và phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của các hộ kinh doanh, thúc đẩy các hộ kinh doanh lớn lên và chuyển thành doanh nghiệp.

“Với nhiều giải pháp, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, chúng tôi tin là mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2025 có thể sẽ đạt được”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tin tưởng.

Trong giai đoạn trước mắt, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng,trong tình hình của doanh nghiệp hết sức khó khăn, tỷ lệ doanh nghiệp dừng hoạt động cao, các giải pháp chính sách sẽ chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn duy trì sản xuất, giữ chân lao động để doanh nghiệp trở lại sản xuất.

“Chúng ta đang thực hiện chính sách mở cửa nhanh nền kinh tế kết hợp với phòng, chống dịch tốt và một chương trình phục hồi tới để cho các doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế khôi phục trở lại. Điều đặc biệt hơn nữa là ngay trong khi chúng ta có Nghị quyết 105 và Nghị quyết 128 thì tình hình doanh nghiệp đã quay trở lại rất nhanh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Hiện nay, việc sản xuất - kinh doanh của các nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp lớn đã quay lại, có nơi đến 80-90%, lao động trở lại khoảng 70-80%, khả năng quý I/2022 sẽ trở lại hết công suất.

Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong các lĩnh vực dịch vụ vẫn tiếp tục khó khăn. Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với 3 thách thức lớn là tiếp cận vốn, dòng tiền, thiếu hụt lao động. Đặc biệt, chi phí phòng dịch đang tăng cao.

Các giải pháp đang được thực hiện tập trung hỗ trợ về mặt y tế, hỗ trợ về lưu thông hàng hóa, hỗ trợ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp, lao động, chuyên gia.

Cùng với đó là tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá tình hình doanh nghiệp để có các đề xuất giải pháp phù hợp. Chúng tôi cũng sẽ lưu ý đến các doanh nghiệp không có doanh thu, đang dừng sản xuất để có những cơ chế hỗ trợ phù hợp”

Cũng trong phiên chất sáng 12/11, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cung cấp tin vui, đó là 100% doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao đã trở lại với 47.000 lao dộng. Các khu công nghiệp khác, tỷ lệ trở lại là 96%.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tiếp tục được tập trung.

Cụ thể là đẩy nhanh tiến độ triển khai Nghị quyết số 105/NQ-CP, 125/NQ-CP, 128/NQ-CP và các chính sách, giải pháp về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với tinh thần hợp tác công tư chặt chẽ để phát huy đồng bộ nguồn lực của nhà nước và doanh nghiệp.

Riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm rõ, sẽ khẩn trương hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các giải pháp hỗ trợ khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có khả năng khôi phục, tận dụng cơ hội sau dịch bệnh.

"Chúng ta cần cố gắng hạn chế doanh nghiệp phải đóng của, phá sản hoặc bị thâu tóm do tác động của dịch bệnh Covid-19", Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nói.

Khánh Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục