Theo ông, có điểm gì đáng chú ý về tình hình trả thù lao cho lãnh đạo các CTCP trong thời gian gần đây?
Thực tế, thời gian qua xuất hiện một số DN mà tiền lương của thành viên HĐQT, ban điều hành, cán bộ chủ chốt tăng rất cao so với hồi các cá nhân này quản lý DNNN, trong khi năng suất chất lượng hiệu quả hoạt động của DN không tăng tương ứng.
Ngoài ra, đại diện vốn nhà nước tại một số CTCP đã quyết định những phương án lương, thưởng không đảm bảo lợi ích cổ đông (trong đó có cổ đông nhà nước), không giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người quản lý và lao động trong DN…
Với thực tế đó, cơ quan quản lý sẽ điều chỉnh vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Hiện nay, chúng tôi đang dự thảo một nghị định quản lý lao động tiền lương và thu nhập trong các công ty có vốn góp chi phối của Nhà nước, dự kiến trình Chính phủ ban hành ngay trong năm 2009. Theo thống kê, trong số xấp xỉ 5.400 DNNN đã cổ phần hóa có khoảng 1.200 công ty mà Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối.
Nghị định trên sẽ đưa ra những hướng dẫn, tiêu chí và định lượng cụ thể về vấn đề lương thưởng, như xây dựng hệ thống thang bảng lương, kế hoạch sử dụng lao động, giải quyết chế độ cho người lao động… Chẳng hạn như quy định cụ thể tỷ suất lợi nhuận/vốn điều lệ của DN tăng bao nhiêu phần trăm/năm thì thù lao cho HĐQT, ban điều hành được tăng tương ứng bao nhiêu. Dựa vào đó Nhà nước sẽ có cơ sở để yêu cầu, chỉ đạo người đại diện của mình trong các CTCP có ý kiến hoặc bỏ phiếu cho những phương án trình ĐHCĐ; chứ như hiện nay không có một cơ sở định lượng nào về vấn đề này, dẫn tới nhiều trường hợp DN không có gì nổi trội sau cổ phần hoá, song quỹ lương cho ban lãnh đạo tăng một cách bất hợp lý với lý do chung chung là “tăng lương để phù hợp với mặt bằng chung trên thị trường”.
Trong CTCP, ĐHCĐ có quyền quyết định cao nhất, trong đó có vấn đề lương, thưởng, thù lao. Với những CTCP mà Nhà nước sở hữu 51% vốn trở lên, chỉ cần cổ đông nhà nước lắc đầu thì phương án lãnh đạo DN đưa ra không được thông qua. Vậy tính cần thiết của khung pháp lý này thể hiện ở khía cạnh nào?
Đối tượng điều chỉnh của nghị định là các CTCP có vốn nhà nước chi phối. Tuy nhiên, Nhà nước chỉ điều chỉnh một cách gián tiếp (bằng cách thực hiện quyền như một cổ đông, dựa trên các quy chuẩn mà nghị định đưa ra), chứ không mang tính áp đặt với các cổ đông khác. Đây cũng là khung pháp lý để người đại diện có cơ sở trong việc bỏ phiếu thông qua các phương án về thù lao, lương thưởng tại cuộc họp ĐHCĐ, đồng thời cũng có chế tài với người đại diện bỏ phiếu cho những phương án đi ngược lại lợi ích cổ đông nhà nước và các cổ đông khác.
Với những DN mà Nhà nước không giữ cổ phần chi phối thì cổ đông nên nhìn nhận vấn đề lương thưởng ra sao, thưa ông?
Tính hiệu quả trong hoạt động của DN là tiêu chí quan trọng nhất. Lương, thưởng cũng là động lực quan trọng góp phần tạo ra hiệu quả sản xuất - kinh doanh của DN, vì thế nếu kết quả kinh doanh của DN không đạt, bên cạnh xem xét trách nhiệm của lãnh đạo DN, cổ đông cũng nên tính đến những yếu tố khách quan như thiên tai địch họa, đầu tư vốn, công nghệ thời kỳ đầu cần khấu hao nhiều… khi quyết định ủng hộ hay phản đối một phương án. Với cơ quan quản lý lĩnh vực lao động tiền lương, quan điểm của chúng tôi là có định hướng hợp lý cho những CTCP có vốn nhà nước chi phối và từ đó sẽ tạo mặt bằng hợp lý về tiền lương, còn những công ty tư nhân hoặc CTCP khác, hơn ai hết, những cổ đông bỏ tiền ra sẽ có trách nhiệm với đồng vốn của mình.