Đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội chiều 13/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh được đánh giá đã trả lời nhiều câu hỏi ở mức kỷ lục với những vấn đề đang rất nóng như nguồn lực tái cơ cấu nền kinh tế, đầu tư công, đầu tư dàn trải…
Trả lời câu hỏi của đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) về nhu cầu nguồn lực để tái cơ cấu nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, không nên đặt vấn đề Nhà nước phải bỏ ra bao nhiêu nghìn tỷ để hỗ trợ chỗ này, hỗ trợ chỗ kia, mà điều quan trọng nhất là đề ra chính sách để định hướng các thành phần kinh tế chuyển đổi theo yêu cầu của Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.
Ông Vinh ví dụ, chúng ta đang yêu cầu tất cả DN và các thành phần kinh tế phải từng bước chuyển từ đầu tư công nghệ kém, công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường, năng suất thấp, giá trị sản phẩm cạnh tranh thấp hoặc không tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển sang năng suất cao, hàm lượng khoa học cao... Muốn như vậy, Nhà nước phải có chính sách ưu đãi và định hướng. Cụ thể là nếu ai làm theo Đề án thì sẽ có những cái lợi nhất định và theo cái lợi của kinh tế thị trường thì người ta sẽ làm, còn nếu chỉ gây áp lực hành chính thì chắc người ta không làm hoặc có làm cũng không hiệu quả.
Ông Vinh nhấn mạnh, đây là Đề án tổng thể nên sẽ chỉ là định hướng, quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc và giải pháp cho các đề án thành phần. Cho nên sau khi được Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ sẽ hoàn chỉnh và giao cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng các đề án thành phần. “Trước mắt, để đáp ứng yêu cầu cấp bách thì Chính phủ đã xây dựng 1 đề án tổng thể và 3 đề án thành phần, bao gồm tái cơ cấu đầu tư, trong đó chủ đạo là đầu tư công; tái cơ cấu DN, chủ đạo là khối DNNN và tái cơ cấu thị trường tài chính, trong đó chủ đạo là tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và TTCK”, ông Vinh cho biết.
Đặc biệt, theo ông Vinh, khi thực hiện Đề án tái cơ cấu thì sẽ có nhiều DN phải thu hẹp sản xuất, giải thể hoặc chuyển đổi, cho nên sẽ có một bộ phận nhất định lao động phải chuyển đổi, thậm chí thất nghiệp. Đây là vấn đề xã hội mà trong Đề án đã nêu rõ là Nhà nước phải có chính sách để đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ cho những đối tượng này.
Trả lời chất vấn của Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc chậm phát hiện ra những sai phạm tại các tập đoàn, tổng công ty thời gian qua, Bộ trưởng Vinh thẳng thắn: “Chúng tôi cũng thấy trách nhiệm của Bộ, chứ không thể nói là không được”. Tuy nhiên, ông Vinh cũng giải thích rằng, kể từ khi có chủ trương thành lập các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, hệ thống chính sách đã trải qua nhiều thời kỳ và có nhiều thay đổi, khiến các chế tài về quản lý DNNN không còn chặt chẽ như trước. Ví dụ như theo quy định hiện hành thì DN có dự án tự chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và quản lý dự án; hay như việc giao hoàn toàn hoạt động đầu tư cho DN tự làm và tự chịu trách nhiệm…
“Từ những quy định như vậy cho nên các tập đoàn, tổng công ty cũng không báo cáo với các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các đơn vị chức năng trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến xin tài liệu cũng không được”, ông Vinh cho biết.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu vấn đề, việc cắt giảm đầu tư công quá mức như vừa qua gây ra hệ quả là nhiều công trình bị giãn, hoãn, gây lãng phí, Bộ trưởng có trách nhiệm gì trước việc này và giải pháp đề xuất với Chính phủ ra sao?
Bộ trưởng Vinh cho biết, qua đánh giá, giám sát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy, do số vốn đầu tư công giảm đi so với giai đoạn trước, trong khi nhu cầu ngày càng tăng lên của các bộ, ngành, các địa phương, cho nên có nhiều công trình, dự án đã bố trí dàn trải trước đây thì bây giờ không đủ tiền để tiếp tục bố trí cho đủ. Khi chúng ta tập trung khắc phục đầu tư dàn trải, Chính phủ đã chỉ đạo kiên quyết tập trung công trình nào hoàn thành công trình đó đưa vào sử dụng. Còn lại công trình nào có thể giãn, hoãn được thì để lại giai đoạn sau.
“Tôi nghĩ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với các địa phương là phải sử dụng nguồn vốn ngân sách làm sao cho đúng chỗ, phát huy được hiệu quả hợp lý nhất, tối ưu nhất”, ông Vinh nói và cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung rất nhiều vào hoạt động tái cơ cấu đầu tư công, trong đó việc bố trí vốn ngân sách nhà nước sẽ được công khai, minh bạch, để các bộ trưởng, chủ tịch UBND địa phương biết tổng số vốn được cấp trong một nhiệm kỳ của mình để sử dụng cho hiệu quả, không bố trí dàn trải.
Độc quyền điện, xăng dầu, Bộ Công Thương nhận “một phần trách nhiệm”
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội sáng 14/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã nhiều lần nhận trách nhiệm vì để xảy ra tình trạng độc quyền tại một số lĩnh vực do Bộ Công Thương phụ trách như điện, xăng dầu… Về lộ trình tiến tới xóa bỏ độc quyền DN trong lĩnh vực điện lực, Bộ trưởng Hoàng cho biết, ngay trong tháng 7/2012 sẽ chính thức vận hành thị trường phát điện cạnh tranh. Trước mắt, Bộ Công thương đã kiến nghị tách khâu truyền tải khỏi khâu phân phối, quyết định thành lập ba tổng công ty phát điện độc lập, đây chính là tiền đề để thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh. Đối với ngành xăng dầu, trước đây chỉ có Petrolimex là nhà phân phối chính, hiện nay đã có 12 đầu mối, nên về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống người dân. Việc Petrolimex chiếm 60% thị phần xăng dầu có tính lịch sử, hệ thống đã được hình thành nhiều năm nay. Bộ trưởng Hoàng cho biết, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính xem xét một số vấn đề như quỹ bình ổn giá xăng dầu, tần suất điều chỉnh giá, trách nhiệm của thương nhân đầu mối nhập khẩu, phân phối xăng dầu... để áp dụng trong thời gian tới. Về sự cố tại công trình Thủy điện Sông Tranh 2, Bộ trưởng Hoàng cho rằng, đây là sự cố hi hữu. Dẫn lời Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhà nước (Bộ trưởng Bộ Xây dựng) khẳng định cho đến giờ phút này chưa có cơ sở để nói rằng Thủy điện Sông Tranh 2 không an toàn, ông Hoàng nói: “Trách nhiệm của chúng ta là đảm bảo tuyệt đối an toàn, nếu phát hiện không an toàn thì kiên quyết dừng”. |