Sẽ có một con sóng!

(ĐTCK) Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) gần như đã sử dụng dự phòng lãi suất cuối cùng trong nỗ lực… gần như cuối cùng can thiệp vào nền kinh tế đang suy thoái ngày một sâu hơn… Ngày 16/12, FED quyết định cắt giảm lãi suất chủ chốt, từ mức 1% áp dụng từ cuối tháng 10/2008 xuống mức thấp kỷ lục mới 0 - 0,25%.

Đồng USD đã mất giá hơn 12% so với EUR, JPY... chỉ trong gần một tháng qua, khiến các NĐT chạy khỏi USD để nhảy vào các vị thế khác ít… "vịt què" hơn, trong đó có TTCK. Chỉ số Dow Jone dưới tác động này đã tăng 4,2% ngay trước tuyên bố của FED… Tại châu Á, hầu hết TTCK cũng nhất loạt tăng giá, dù mức tăng có thấp hơn TTCK Mỹ.

Đối với TTCK Việt Nam, tỷ giá VND so với USD vẫn đứng ở mức xấp xỉ 17.000 đồng/USD mấy tuần nay. Có thể giải thích là do chính sách neo tỷ giá ổn định của Ngân hàng Nhà nước. Một cách giải thích khác là do động thái cắt giảm lãi suất và gói kích cầu với tổng trị giá lên tới 6 tỷ USD gần đây của Chính phủ. Với chính sách này, VND sẽ tự mất giá so với USD, kể cả khi USD không tự mất giá nhanh đến vậy trong mấy ngày qua. Thật là "vô chiến hữu thành", ít nhất là cho đến thời điểm này! Như vậy, nói VND đã mất giá hơn 12% so với các ngoại tệ khác ngoài USD là có cơ sở.

Các NĐT sẽ có tâm lý không giữ USD cũng như VND, vì lãi suất giảm và đặc biệt đang mất giá mạnh. Họ sẽ chuyển hướng vào đâu? TTCK đã suy thoái đến 70% kể từ đầu năm là một trong những kênh ít tệ hơn giữ VND và USD trong thời gian tới. Tháng 9 vừa qua, có ý kiến cho rằng, NĐT nước ngoài mua ròng trên TTCK là do vị thế yếu của USD khi Chính phủ Mỹ công bố các gói hỗ trợ, giải cứu nền kinh tế lúc đó. Hiện nay, tình hình đang lặp lại và dường như các NĐT đã bắt đầu bỏ vị thế USD và VND để nhảy sang các vị thế khác…

VN-Index thời gian qua dao động quanh mức tâm lý 300 điểm, nhưng nằm trong kênh giảm giá trung, dài hạn. Các cổ phiếu trên sàn HOSE đang được giao dịch với giá bình quân khoảng 8 lần thu nhập 1 năm trước và bằng 1,4 lần giá trị sổ sách tại thời điểm cuối quý 3/2008. Giá cổ phiếu là rẻ so với quá khứ nhưng chưa thể nói là rẻ so với hiện tại và tương lai. Thời điểm hiện nay, giá cổ phiếu của Việt Nam là đắt hơn so với thế giới (Thống kê của Bloomberg: giá cổ phiếu trên MSCI World-Index đang được giao dịch khoảng 0,61 lần giá trị sổ sách). Nền kinh tế Việt Nam trong năm 2009 còn tiềm ẩn nhiều yếu tố không khả quan, tâm lý thị trường bị chi phối bởi viễn cảnh này thì TTCK sẽ khó có thể phá vỡ xu hướng giảm để bứt phá đi lên mạnh mẽ.

Nhưng mặt khác, thị trường còn bị chi phối bởi các yếu tố ngắn hạn khác, trong đó có sự biến động tỷ giá đồng USD nói trên. Tình hình mất giá thực tế của USD và "mất giá do neo tỷ giá" của VND càng kéo dài càng có lợi cho nền kinh tế Việt Nam, vì hàng hóa xuất khẩu sẽ rẻ hơn, tiêu dùng và đầu tư sẽ tăng lên, trong khi sức ép lạm phát do tăng cung tiền sẽ giảm bớt. Và vì kỳ vọng này, TTCK sẽ tăng, nhưng trước hết phải nói tới sự "nhảy nhót" ngắn hạn của NĐT khi chuyển những tài khoản USD, VND một phần thành cổ phiếu.

Có thể những yếu tố ngắn hạn tích cực nói trên sẽ tạo lên một cú hích, lôi kéo các yếu tố khác để tạo thành một xu hướng tăng điểm cho TTCK. Và mặc dù là ngắn hạn, vì yếu tố tích cực có thể biến động thành tiêu cực rất nhanh, nhưng bạn nên biết một điều đã thành quy luật trên thị trường Mỹ: Khi Chính phủ giải cứu suy thoái kinh tế, đồng USD thường tăng giá ở pha đầu, giảm dần ở pha giữa, cuối cùng là mất giá mạnh cho đến khi FED nâng lãi suất trở lại. Hiện nay, họ đang ở giữa cuộc khủng hoảng tín dụng, đồng USD bắt đầu mất giá và sự mất giá này có lẽ còn xa mới tới cái đáy cuối cùng.

Có lẽ nhiều NĐT đang tính đến khả năng bán USD, rút tiết kiệm VND để giải ngân một phần vào TTCK, để đón đầu con sóng có khởi nguồn từ bên kia bán cầu.

Tuấn Tú
Tuấn Tú