Điều này hứa hẹn dòng vốn mới vào TTCK Việt Nam sắp tới chủ yếu sẽ từ NĐT nước ngoài. Trong số 500 triệu USD (thậm chí có thống kê ghi nhận gần 1 tỷ USD) mà NĐT nước ngoài giải ngân từ đầu năm đến nay, chủ yếu là để mua cổ phiếu niêm yết, phần còn lại vào trái phiếu và các DN tiềm năng chưa niêm yết.
Với mức tăng trưởng khá ấn tượng kể từ đầu năm đến nay, trong cái nhìn của NĐT nước ngoài, TTCK Việt Nam đang có sức hấp dẫn hơn so với nhiều thị trường mới nổi và thị trường biên như Indonesia, Ấn Độ, Srilanka, Bangladesh, Thái Lan… Trong bối cảnh như vậy, TTCK Việt Nam sẽ chứng kiến sự nhập cuộc tích cực hơn của làn sóng vốn ngoại nếu việc nới room sở hữu cổ phần cho NĐT nước ngoài được thực thi sớm, thay vì khóa cứng ở tỷ lệ 49% tại các DN niêm yết và 30% tại các ngân hàng như hiện tại. Nếu cản trở này không được tháo gỡ sớm, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội thu hút dòng vốn ngoại.
Việc hóa giải trần 49% không quá phức tạp và nếu muốn, Việt Nam có thể làm sớm bằng cách tăng room sở hữu cổ phần cho NĐT nước ngoài, chẳng hạn lên 70 - 80%, nhưng họ chỉ có quyền biểu quyết với tỷ lệ tối đa 49%, số cổ phần sở hữu còn lại chỉ được hưởng cổ tức và tự do chuyển nhượng.