Sẽ có cơ chế đẩy nhanh 1 tỷ USD ra thị trường

(ĐTCK) Đang có nhiều ý kiến từ các chuyên gia, giới đầu tư và DN xung quanh gói giải pháp kích cầu 1 tỷ USD của Chính phủ. Dự kiến, đây là một trong những nội dung được đề cập tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 12 này. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trả lời phỏng vấn Báo ĐTCK về những vấn đề giới đầu tư đang quan tâm liên quan đến gói giải pháp kích cầu này.
Ông Võ Hồng Phúc. Ông Võ Hồng Phúc.

Thưa Bộ trưởng, kế hoạch giải ngân 1 tỷ USD được thực hiện ra sao và lúc nào gói kích cầu sẽ được tung ra?

Chính phủ đã thống nhất chủ trương tung ra gói giải pháp trị giá 1 tỷ USD để kích cầu đầu tư, tiêu dùng. Lượng tiền này sẽ được lấy trong dự trữ ngoại tệ quốc gia, vì thế có nghĩa là Chính phủ cho vay chứ không phải cho không. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì lập phương án phân bổ 1 tỷ USD này. Chúng tôi chủ trương hỗ trợ vốn cho lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và những lĩnh vực có nhiều đối tượng chịu tác động mạnh khi kinh tế khó khăn. Ví dụ, vốn sẽ được xem xét tập trung đầu tư vào các dự án đường, điện, nhà ở cho công nhân, sinh viên, nhà ở cho người thu nhập thấp… Tiền sẽ được cấp cho vay các dự án hiệu quả, sắp hoàn thành, có hiệu quả kinh tế cao và xã hội đang cần nhưng chưa được đáp ứng đủ.

Vậy những DN nào sẽ thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ?

Tiền sẽ không đưa trực tiếp vào một DN nào mà đưa vào một số dự án, giúp tiêu thụ số lượng lớn sắt thép, xi măng, tháo gỡ khó khăn cho các DN và đảm bảo việc làm cho người lao động. Tiêu chí chủ yếu là nhóm đối tượng bị tác động nhiều từ khó khăn. Song cũng phải thấy rằng, gói 1 tỷ USD này chỉ là chất xúc tác và không lớn, chỉ chiếm trên 1% GDP cả nước, trong khi các nước khác, như Mỹ chi cả nghìn tỷ USD, Trung Quốc chi tới 600 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế; đi kèm với giải pháp đó, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện hệ thống cả gói hỗ trợ, như giảm lãi suất cho vay, cải tiến cơ chế bảo lãnh tín dụng (giao cho Ngân hàng Phát triển làm đầu mối), giãn, hoãn, giảm thuế cho một số đối tượng…

Bộ trưởng nói đây là tiền cho vay, vậy những dự án phải đảm bảo tiêu chí nào để được nhận vốn?

Sẽ có tiêu chí lựa chọn, đánh giá dự án nào thật sự cần thiết, đem lại hiệu quả mới đầu tư để đảm bảo thu hồi vốn. Chẳng hạn, đầu tư cho sân bay, cầu đường thì chủ đầu tư phải có phương án thu hồi vốn qua phí... Quan điểm của chúng tôi là đã đưa tiền ra là phải thu hồi được. Ở các nước khác cũng vậy, như tại Mỹ, Chính phủ bỏ tiền ra hỗ trợ DN và coi đó như phần vốn nhà nước góp vào DN, đến lúc nào đó Nhà nước sẽ lấy lại.

Điều DN và nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại là lâu nay thủ tục cấp vốn đầu tư của chúng ta còn rườm rà, vậy với gói 1 tỷ USD này có cơ chế nào để tiền nhanh chóng được đưa ra thị trường?

 Sẽ có cơ chế, chính sách để xử lý nhanh việc hỗ trợ vốn cho các dự án, ví dụ như lĩnh vực xây dựng nhà ở để tạo ra khả năng hấp thụ vốn thật nhanh. Trong các giải pháp chống suy giảm kinh tế đã được công bố có nhấn mạnh đến việc tăng cường năng lực điều hành của Chính phủ. Cái gì thuộc về cơ chế cần tháo gỡ sẽ được tháo gỡ; cái gì do Chính phủ, Chính phủ có thể xem xét sửa; cái gì thuộc về Quốc hội, Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội sửa.

Năm 2009 được dự báo sẽ là năm tiếp tục khó khăn đối với DN và cả nền kinh tế, công tác điều hành chính sách vĩ mô có gì mới để kịp thời đưa ra những chính sách thật linh hoạt, thưa Bộ trưởng?  

Chủ trương của Chính phủ là phải theo dõi chặt tình hình, vì biến động trên thị trường quốc tế rất nhanh. Đầu năm 2008, căn cứ vào diễn biến giá thế giới, chúng ta dự báo giá dầu tăng 100 USD/thùng, khi dầu thô tăng lên 145 USD/thùng, nhiều người nói giá dầu có thể tới 200 USD/thùng, nay giá dầu giảm xuống dưới 50 USD/thùng.

Năm 2009, Chính phủ đặt vấn đề phải bám sát tình hình thế giới và trong nước, hàng tháng có họp đột xuất, chuyên đề. Tháng 11 vừa qua, Chính phủ họp 1 phiên thường kỳ nhưng tổ chức 2 lần, mỗi phiên đều đưa ra nội dung thật cụ thể. Hiện Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị cho kỳ họp tháng cuối năm 2008 để bàn các giải pháp điều hành thật chính xác.

Nhiều ý kiến nhận định suy thoái kinh tế thế giới có thể kéo dài đến hết năm sau, theo Bộ trưởng, Việt Nam cần có kịch bản đối phó ra sao?

Xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước ta, vì thế trong năm tới, xuất khẩu sẽ được hỗ trợ tối đa. Một đặc điểm nữa là đại bộ phận người dân làm nông nghiệp, do vậy tác động đến người dân và DN do kinh tế thế giới suy thoái có mức độ. Chúng ta vẫn cố gắng để có tăng trưởng dù tốc độ thấp hơn, đồng thời chú trọng đến mục tiêu duy trì tiềm năng tăng trưởng, để tạo tiền đề phát triển ngay khi kinh tế thế giới hồi phục.

Phong Lan thực hiện.
Phong Lan thực hiện.

Tin cùng chuyên mục