Sẽ có 6-7 thương vụ M&A ngân hàng trong năm nay

(ĐTCK) Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là giảm xuống còn khoảng 20 ngân hàng trong toàn hệ thống và riêng năm nay sẽ có 6-7 thương vụ M&A trong ngành. Đây sẽ là điểm nóng trong mùa ĐHCĐ năm nay.
Năm nay dự kiến có khoảng 6 - 7 thương vụ M&A ngân hàng Năm nay dự kiến có khoảng 6 - 7 thương vụ M&A ngân hàng

Các ngân hàng đang rốt ráo lên kế hoạch cho kỳ ĐHCĐ thường niên năm 2015, nhưng khác với năm trước, mùa đại hội ngân hàng năm nay được thị trường chờ đợi khi các luồng thông tin về M&A giữa các nhà băng xuất hiện ngày càng nhiều.

Thông thường, các ngân hàng thương mại chỉ đưa ra tờ trình ĐHCĐ thông qua chủ trương sáp nhập và triển khai sau khi đệ trình lên NHNN để được thông qua mới xây dựng đề án sáp nhập, hợp nhất. Tuy nhiên, năm nay, tiến độ của các thương vụ M&A được đánh giá sẽ đẩy nhanh hơn khi NHNN tuyên bố, sẽ sớm xem xét các quy trình để thông qua khoảng 5 - 6 thương vụ M&A trong 6 tháng đầu năm. Từ đó, các ngân hàng mới có thời gian cho triển khai việc sáp nhập, hợp nhất ở 6 tháng còn lại.

Trong đó, thương vụ được chờ đợi nhiều nhất là Eximbank - Nam A Bank. Hiện thông tin giữa hai bên vẫn chưa được các nhà băng tiết lộ, nhưng theo một nguồn tin đáng tin cậy, cả hai bên ngân hàng đang trong quá trình đàm phán để Nam A Bank sở hữu tỷ lệ cổ phần nhất định tại Eximbank. Phía NHNN cũng ủng hộ chủ trương này, khi cả hai nhà băng có ý định hợp nhất để trở thành một ngân hàng có quy mô lớn mạnh hơn.

Nam A Bank sẽ tiến hành ĐHCĐ vào ngày 27/3 tới, với các văn kiện trình cổ đông được hé lộ gồm: chủ trương sáp nhập với một ngân hàng khác và tiến hành niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán sau khi hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng.

Eximbank ấn định lịch tổ chức ĐHCĐ vào cuối tháng 4, tức sau 1 tháng so với ĐHCĐ của Nam A Bank. Trên thị trường đang xuất hiện những luồng thông tin cho rằng, Nam A Bank sẽ chủ động trong việc sáp nhập này, nhất là khi tình hình hoạt động của Eximbank năm qua có phần sa sút, do phải trích dự phòng cao. Tuy nhiên, điều đó chưa phải là quyết định cuối cùng, mà quan trọng vẫn là tỷ lệ cổ phần Nam A Bank sở hữu tại Eximbank. Hiện tại, cuộc so găng giữa các cổ đông lớn vẫn chưa ngã ngũ.

Hai thương vụ M&A khác được nhắc đến nhiều đó là Southern Bank - Sacombank; MDB - Maritime Bank. Câu chuyện về hai cặp nhà băng cùng dáng dấp chủ sở hữu này được kỳ vọng sớm hoàn tất sáp nhập trong năm 2014, nhưng điểm bất ngờ là sau gần 1 năm vẫn chưa có động tĩnh mới.

Một số thương vụ được kỳ vọng sẽ sớm công bố kết quả như Saigonbank sáp nhập vào Vietcombank hay Vietinbank nhận sáp nhập PGBank… Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank, sáp nhập thêm PGBank là con đường ngắn nhất để tăng vốn, tổng tài sản và mở rộng mạng lưới. Các thông tin còn đưa ra, BIDV sẽ sáp nhập thêm MHB hay DongA Bank sẽ về một nhà với nhà băng khác. Thêm vào đó, một số cái tên khác như OceanBank, VietA Bank xem ra cũng khó tránh M&A.

Trả lời báo giới nhân dịp đầu năm mới, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, thời gian tới, không chỉ có VNCB mà còn có một số ngân hàng khác cũng sẽ được xử lý theo con đường M&A. Không chỉ ngân hàng yếu, một số ngân hàng đang khỏe mạnh cũng cần tính việc M&A để tạo ra một ngân hàng có quy mô lớn hơn và không loại trừ sẽ có cả những ngân hàng nhà nước sáp nhập.

TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, động thái của NHNN trong chủ trương tái cấu trúc ngành năm nay quyết liệt và mạnh mẽ hơn. Điều này được NHNN đặt ra trong thời gian gần đây khi nhấn mạnh đến vấn đề không chỉ sáp nhập tự nguyện mà còn tính đến cả chuyện can thiệp bắt buộc để lành mạnh hệ thống. Theo TS. Kiêm, đây là một quyết sách mạnh mẽ và phù hợp, để từ đó có thể hình thành được các định chế tài chính lớn cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Theo nhận định của một chuyên gia lĩnh vực tài chính, nhìn tổng quan, kết quả về kinh doanh của toàn hệ thống năm 2014 khả quan hơn so với 2013, nghĩa là hiệu quả kinh doanh đã tốt hơn, nhưng nếu xét riêng lẻ thì hiệu quả kinh doanh của một số ngân hàng còn hạn chế. Vì thế, NHNN nên xem xét, nếu ngân hàng nào có quá nhiều chi nhánh mà làm ăn không hiệu quả nên có cơ cấu, sắp xếp lại cho phù hợp với sự chỉ đạo, năng lực, điều kiện hoạt động.

Chất lượng quản trị và chất lượng nhân lực của hệ thống các ngân hàng là điểm cần quan tâm hàng đầu trong giai đoạn tái cấu trúc, vì đây là những điều kiện ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh giữa khối ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài. Thực tế, khối ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định ngay cả ở những thời kỳ khó khăn nhất của nền kinh tế, nợ xấu luôn ở mức thấp. Trong khi, nợ xấu lại tăng cao ở các ngân hàng Việt. Cơ cấu lại ngân hàng nội, vì thế cần có “luồng gió” mới để thay đổi bức tranh toàn diện của ngành, chặt chẽ, minh bạch và hiệu quả hơn.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục