SCR tự tin vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2016

(ĐTCK) Lũy kế 9 tháng đầu năm, SCR đạt hơn 406 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp 4,13 lần, lợi nhuận trước thuế cổ đông công ty mẹ gần 168 tỷ đồng. Đáng chú ý, chất lượng doanh thu, lợi nhuận của SCR được đánh giá cao hơn so với 9 tháng năm 2015.
SCR tự tin vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2016

Ngay sau khi được Sở GDCK TP.HCM (HOSE) chấp thuận niêm yết lần đầu trên HOSE, CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR) đã kịp mang thêm niềm vui đến cho cổ đông khi công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý III tăng trưởng đột biến, kéo lũy kế 9 tháng đạt 81,77% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tiếp tục tiến độ bán hàng tốt như hiện nay, khả năng SCR sẽ vượt kế hoạch 206 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế mà ĐHCĐ thường niên đã đề ra.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III năm 2016, SCR ghi nhận kết quả rất tích cực khi đạt gần 239 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng đột biến gần 8 lần so với cùng kỳ, trong đó đóng góp chủ yếu là doanh thu từ mảng kinh doanh bất động sản 194 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 81% tổng doanh thu (tăng vọt gấp 8,8 lần so với con số 22 tỷ đồng quý III năm 2015). Lợi nhuận gộp trong kỳ đạt 115 tỷ đồng, giúp biên lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể, gần 48%, trong khi cùng kỳ, SCR kinh doanh dưới giá vốn khiến âm 2,5 tỷ đồng.

Lý giải về kết quả “siêu tăng trưởng” của SCR, đại diện lãnh đạo Công ty cho biết, trong năm 2016, Công ty bắt đầu ghi nhận doanh thu từ 2 dự án Jamona Golden Silk và Jamona Home Resort, trong đó Jamona Golden Silk là dự án đóng góp chủ lực về cả doanh thu và lợi nhuận cho quý vừa rồi. Bên cạnh đó, chi phí được kiểm soát tốt, cộng với việc Công ty luôn duy trì ổn định các dòng sản phẩm Carillon, Jamona, Charmington, đảm bảo năng lực và hiệu quả kinh doanh của từng dự án là những yếu tố giúp SCR vượt kế hoạch quý III.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, SCR đạt hơn 406 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp 4,13 lần, lợi nhuận trước thuế cổ đông công ty mẹ gần 168 tỷ đồng. Đáng chú ý, chất lượng doanh thu, lợi nhuận của SCR được đánh giá cao hơn so với 9 tháng năm 2015.

Cụ thể, lợi nhuận được đóng góp chủ yếu từ lĩnh vực hoạt động cốt lõi là kinh doanh bất động sản thể hiện qua lợi nhuận gộp đạt gần 195 tỷ đồng. Trong khi đó, 9 tháng năm 2015, con số lợi nhuận gộp chỉ đạt gần 16 tỷ đồng; đóng góp chủ yếu trong 149,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế lại đến từ phần thu nhập khác (từ việc rút vốn khỏi liên doanh là CTCP Đầu tư bất động sản Sài Gòn Thương Tín Tân Thắng).

Ngoài ra, khả năng bán hàng của SCR được cải thiện rõ rệt. Tính đến 30/9/2016, hàng tồn kho của SCR là 3.574 tỷ đồng, tăng từng quý khi lượng sản phẩm hoàn thành chờ bán tăng, đi đôi với sự gia tăng tương ứng của doanh thu bán hàng và các khoản phải thu ngắn hạn. Ngoài ra, chỉ tiêu người mua trả tiền trước cũng liên tục tăng từ 1.007 tỷ đồng đầu năm 2016, lên mức 1.819 tỷ đồng cuối quý II,I cũng phản ánh rõ nhu cầu gia tăng của khách hàng trong việc đặt mua trước sản phẩm bất động sản của SCR. Đây là cơ sở để doanh nghiệp tiếp tục hoạch toán doanh thu và lợi nhuận khá trong thời gian tới.

Theo SCR, bên cạnh hệ thống sàn giao dịch của Sacomreal-S, Công ty còn đẩy mạnh bán hàng thông qua các sàn giao dịch liên kết. Kết quả 9 tháng, 100% đất nền, căn hộ nhà ở xã hội thuộc dự án Jamona City đều đã bán hết. Các dự án Carillon 3, Charmington La Pointe, Jamona Home Resort đều có tỷ lệ tiêu thụ trên 97%. Dự án Carillon 5 đạt tỷ lệ 55% chỉ sau 1 tháng chào bán. Đặc biệt là sản phẩm đất nền dự án Jamona Golden Silk (quận 7) mở bán đầu quý III/2016, nhưng tỷ lệ tiêu thụ đạt gần 50%.

Ông Phạm Điền Trung, Tổng giám đốc SCR cho biết, trong quý IV, Công ty sẽ tiếp tục ghi nhận doanh thu từ các dự án gồm Jamona Golden Silk, Jamona Home Resort...

“Với tốc độ bán hàng như hiện nay, Sacomreal hoàn toàn vượt kế hoạch mục tiêu lợi nhuận của năm 2016”, ông Trung nói.

Xét về tình hình tài chính Sacomreal được đánh giá khá cân đối. Tính đến 30/9/2016, nợ ngắn hạn Công ty 2.893 tỷ đồng, chiếm 81,7% tổng nợ phải trả, trong đó chủ yếu là khoản khách hàng mua trả tiền trước ngắn hạn 1.819 tỷ đồng, nợ vay ngắn hạn 515 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của SCR cao trong giai đoạn 2011-2014 (thấp nhất 135% năm 2014), tuy nhiên, tỷ số này đã cải thiện từ năm 2015 khi Công ty bán dự án Celadon cho Gamunda land Vietnam, chỉ còn 64,5%. Theo Báo cáo tài chính quý III năm 2016, tỷ lệ tổng nợ/vốn chru sở hữu của SCR có phần tăng lên 1,09 lần, nhưng được đánh giá vẫn trong mức an toàn; hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu thấp, khoảng 34%; khả năng thanh toán hiện hành tốt, đạt 1,97 lần.

Với tình hình tài chính lành mạnh sẽ tạo thuận lợi cho SCR tiếp cận nguồn vốn vay mới, huy động vốn trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh Thông tư 06/2016 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014 trước đó quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, nâng hệ số rủi ro các khoản vay bất động sản từ 150% lên 200%.

Ngày mai (18/11), SCR cũng chính thức niêm yết lần đầu tiên trên HOSE với giá tham chiếu là bình quân 10 phiên gần nhất. Trước đó, ngày 11/1, cổ phiếu SCR đã chính thức ngưng  giao dịch trên Sàn Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Theo đó, SCR sẽ hủy niêm yết toàn bộ 217 triệu cổ phiếu để chuyển sang đăng ký niêm yết trên HOSE.


Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục