Chiết khấu bán hàng, chiết khấu thanh toán tăng đột biến
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Nhựa Bình Minh cho biết, từ tháng 3/2017, Công ty đã tăng mức chiết khấu bán hàng cơ bản cho nhà phân phối từ mức 11% trước đó lên mức 15%.
Việc tăng chiết khấu này là để đáp ứng lại yêu cầu cạnh tranh từ thị trường do xuất hiện một vài đối thủ mới đã áp dụng chính sách chiết khấu lên tới 40%, thậm chí 60% giá hàng bán để chiếm lĩnh thị trường.
Không chỉ chiết khấu bán hàng tăng, trong thuyết minh báo cáo tài chính quý III, khoản mục chi phí tài chính - phần chiết khấu thanh toán cũng tăng lên đáng kể.
Báo cáo tài chính Công ty mẹ cho thấy, với doanh thu thuần 850,6 tỷ đồng trong quý III/2017, Nhựa Bình Minh đã chi tới 26,1 tỷ đồng chiết khấu thanh toán. 9 tháng đầu năm, chiết khấu thanh toán của Công ty lên tới 62,1 tỷ đồng trên tổng doanh số thuần 2.499,7 tỷ đồng.
Năm 2016, với doanh số thuần 832,9 tỷ đồng trên báo cáo tài chính công ty mẹ, Nhựa Bình Minh chỉ chi 8,1 tỷ đồng chiết khấu thanh toán và lũy kế 9 tháng chi 24,9 tỷ đồng chiết khấu thanh toán trên doanh số thuần 2.414,8 tỷ đồng.
Những con số trên cho thấy, mức độ chia sẻ lợi ích của Nhựa Bình Minh với các nhà phân phối đang lớn dần. Yếu tố này khiến quý III/2017, kết quả kinh doanh của Công ty giảm mạnh. Quý III/2017, Nhựa Bình Minh đạt 120 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ, lũy kế 9 tháng đạt 348 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2016 tương ứng là 194,2 tỷ đồng và 539,6 tỷ đồng.
Thách thức lớn, nhưng chỉ là ngắn hạn?
“Doanh nghiệp phải đầu tư rất lớn vào nhà xưởng, máy móc, phải đào tạo con người, nghiên cứu khoa học, làm thương hiệu… để có lợi nhuận khoảng 10% doanh thu, còn khâu trung gian thì nhận ngay 40% chiết khấu thương mại. Đó là sự vô lý. Tôi tin sự vô lý này không tồn tại lâu dài và mong rằng tình trạng cạnh tranh không lành mạnh sẽ sớm chấm dứt”, ông Lê Quang Doanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhựa Bình Minh nói.
Theo ông Doanh, Nhựa Bình Minh dù không thể tránh khỏi vòng xoáy chiết khấu của thị trường, nhưng vấn đề lâu dài vẫn là chất lượng sản phẩm, dịch vụ ổn định.
“Chúng tôi chỉ có một loại chất lượng sản phẩm, đó là loại 1, chứ không có nhiều loại chất lượng khác nhau. Tôi tin, theo thời gian, khách hàng sẽ vẫn ưu tiên chất lượng, chứ không phải là giá. Bằng chứng là dù chiết khấu thấp hơn, nhưng doanh số chúng tôi vẫn tăng lên trong thời gian qua”, ông Doanh nói.
Về kênh bán hàng, theo Nhựa Bình Minh, hiện tại, Công ty duy trì cả 2 kênh là bán qua nhà phân phối và bán trực tiếp, nhưng bán qua nhà phân phối vẫn chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 90% doanh thu.
Để vượt qua áp lực cạnh tranh giai đoạn này, ông Doanh cho biết, trong thời gian tới, Công ty sẽ tung ra nhiều loại sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Áp lực có tăng lên, nhưng chúng tôi vẫn phải tăng cường đào tạo con người, nghiên cứu phát triển, củng cố hệ thống ERP, đầu tư máy móc mới”, ông Doanh nói.
SCIC thoái vốn: cổ phiếu BMP có đáng mua?
Lợi nhuận giảm do áp lực cạnh tranh từ các nhà cung cấp mới khiến giá cổ phiếu BMP đã có lúc sụt giảm. Thế nhưng, chỉ trong vòng 2 tuần qua, cổ phiếu BMP đã tăng giá từ mức 74.000 đồng (tương đương 72.760 đồng sau hưởng quyền) lên 88.900 đồng vào cuối phiên giao dịch ngày 15/11, tương đương mức tăng giá hơn 22%. Việc tăng giá này được đánh giá là có tác động bởi 2 yếu tố lớn: Sóng thoái vốn SCIC và sóng tăng giá các cổ phiếu blue-chip.
Nhựa Bình Minh, ngoài vị thế là doanh nghiệp có thị phần nhựa dân dụng lớn nhất khu vực phía Nam, còn là doanh nghiệp có tình hình tài chính mạnh và kết quả kinh doanh tốt. 9 tháng đầu năm, dù lợi nhuận sụt giảm, nhưng thu nhập trên mỗi cổ phiếu của Công ty 9 tháng vẫn đạt 4.252 đồng.
Ngoài ra, báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2017 của Công ty cho thấy, Công ty đang có số dư tiền và tương đương tiền lên tới 845 tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2017, trong khi hầu như không có vay.
Đặc biệt, về tài sản cố định hữu hình, Nhựa Bình Minh cũng đã khấu hao tới 772,1 tỷ đồng trên tổng giá trị đầu tư ban đầu là 1.131,4 tỷ đồng. Đây là lợi thế lớn cho Công ty có thể tăng lợi nhuận trong tương lai, khi khấu hao cơ bản hoàn thành.
Lãnh đạo doanh nghiệp này tin rằng, Nhựa Bình Minh sẽ “giữ được mình” trong cuộc cạnh tranh bằng chiết khấu mạnh, giành thị phần của đối thủ, còn nhà đầu tư sẽ trả giá nào cho cổ phiếu BMP sắp tới? Câu trả lời chính xác sẽ đến vào ngày đấu giá cổ phiếu BMP tới đây.