SCIC sẽ tham gia mạnh hơn vào thị trường

(ĐTCK-online) Sau khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chính thức mua cổ phiếu (ngày 7/3), TTCK vẫn giảm gần như liên tục. Mặc dù thừa nhận, trong thời gian vừa qua, nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng gặp không ít khó khăn, nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh tin rằng, trong dài hạn, TTCK sẽ phục hồi.

Cách đây hơn một tuần, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, nếu là NĐT ông sẽ mua ngay cổ phiếu. Nếu là NĐT, ông có nghĩ rằng quyết định trên hoàn toàn sáng suốt, thưa Bộ trưởng?

Một quyết định hết sức sáng suốt. Nếu là NĐT, tôi cũng quyết định mua cổ phiếu (nếu có tiền). Còn nếu không có tiền để đầu tư tiếp, chắc chắn tôi sẽ không bán cổ phiếu mà mình đang nắm giữ. Nhiều người cũng hỏi tôi có nên mua cổ phiếu vào lúc này không, tôi thành thực khuyên họ là nên mua.

 

Chắc ông có kinh nghiệm trong việc đầu tư giá xuống?

Năm 2003, TTCK cũng rơi vào tình trạng như hiện nay, có thể nói là xấu hơn hiện nay. Tôi có một số người bạn tham gia vào TTCK và nếu tính ra là họ đã mất gần hết khi thị trường đi xuống nếu họ cố bán để giảm lỗ như tâm lý của đa số NĐT khác. Nhưng họ đã hành động ngược lại là kiên quyết giữ cổ phiếu, thậm chí còn tận dụng cơ hội đó để mua vào. Và kết quả là họ đã thu được lợi nhuận khi thị trường phục hồi. Đây chính là kinh nghiệm cho các NĐT khác. Phải biết nắm lấy cơ hội, đừng hành động theo đám đông, phải bình tĩnh khi thị trường biến động mạnh và phải biết phân tích, nhận định xu hướng của thị trường.

 

Nhưng đa số NĐT trong nước dường như chưa học được bài học trên, mặc dù không ít người đã phải trả giá?

Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tham gia can thiệp vào thị trường bất động sản và thị trường tiền tệ thì hoạt động đầu tư trên toàn cầu chuyển biến rất mạnh mẽ, TTCK thế giới bắt đầu phục hồi trở lại. Còn tại Việt Nam thì sao? Tất nhiên, những động thái của FED không có tác động rõ nét, ngay cả khi Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp nhằm phục hồi thị trường, lấy lại lòng tin của NĐT thì NĐT vẫn bán cổ phiếu khiến thị trường vừa phục hồi được mấy phiên đã vội quay đầu.

Nhìn vào diễn biến của TTCK Việt Nam, tôi có cảm giác rằng, tâm lý NĐT trong nước vẫn chưa vững vàng, không nghiên cứu đầy đủ các thông tin, các yếu tố tác động đến thị trường nên vẫn có suy nghĩ bán cổ phiếu càng nhanh càng tốt vì nếu càng để càng lỗ, ít người nhận ra đây thời điểm tốt nhất để đầu tư.

 

Tuy vậy, nếu NĐT nào đó quyết định đầu tư giá xuống cách đây hơn một tuần thì họ đang phải chịu lỗ, thưa ông?

Đúng là nền kinh tế nói chung, TTCK nói riêng đã và đang gặp phải khó khăn, nhưng đó chỉ là trước mắt. Còn trong trung và dài hạn thì nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định và bền vững. Cụ thể, tốc độ tăng giá tiêu dùng tháng 3 đã có dấu hiệu giảm so với tháng 2; tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2008 đạt 7,4%; nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài tiếp tục tăng... Điều đó cho thấy, các giải pháp mà Chính phủ đã và đang chỉ đạo bắt đầu phát huy hiệu quả. Trong bối cảnh chung này, chắc chắn TTCK sẽ bình phục và tăng trưởng trở lại. NĐT phải nhìn vào bản chất của nền kinh tế để bình tĩnh hơn khi ra quyết định mua bán cổ phiếu. Nếu không đủ hiểu biết để phân tích, nghiên cứu thì nhìn vào động thái của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trước khi quyết định bán. Theo tôi được biết, nhiều nhà ĐTNN đã bắt đầu mua cổ phiếu, trong đó có nhiều quỹ đầu tư.

 

Có nghĩa là nhà ĐTNN vẫn đặt niềm tin vào TTCK Việt Nam ?

Chắc chắn là như vậy, bởi nhà ĐTNN mua cổ phiếu không phải theo cảm tính, không đầu tư theo đám đông, mà họ phân tích, tính toán một cách khoa học và họ nhận ra rằng, chất lượng cổ phiếu của các doanh nghiệp Việt Nam khá tốt, thị giá cổ phiếu rẻ hơn giá trị thực và họ cũng nhận ra rằng, Việt Nam vẫn bảo đảm được sự ổn định kinh tế vĩ mô, những khó khăn chỉ là tạm thời trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu.

 

Yêu cầu số 1 của Thủ tướng tại Công văn 1909 là giao SCIC tập trung mua cổ phiếu có tỷ trọng lớn. Với tư cách là Chủ tịch SCIC, ông thực hiện việc này ra sao?

Về nguyên tắc thì Chính phủ đã cho phép SCIC tham gia TTCK. Với tư cách là Chủ tịch HĐQT SCIC, tôi đã quyết định mua cổ phiếu trên thị trường. Nhưng cũng phải nói thật là do chưa có cơ chế chính thức nên mặc dù được phép mua, song SCIC vẫn còn dè dặt.

Để có cơ sở pháp lý, trong một vài ngày tới, tôi sẽ ký quyết định tạm thời cho SCIC có căn cứ tham gia mạnh hơn vào thị trường. Trên cơ sở quyết định này, Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ

ban hành quyết định cụ thể theo hướng, SCIC hạch toán riêng khoản đầu tư vào TTCK ra khỏi hoạt động chung của mình, nếu xảy ra rủi ro thì khoản thua lỗ được coi như SCIC thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao.

 

Tuy vậy, NĐT vẫn nghi ngờ khả năng tham gia mạnh mẽ vào TTCK của SCIC do tiềm lực tài chính có hạn, thưa ông?

SCIC đã được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 15.000 tỷ đồng, gấp 3 lần so với trước đây. Vấn đề là SCIC sử dụng nguồn vốn này như thế nào. Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi cam đoan cấp đủ 15.000 tỷ đồng vốn điều lệ cho SCIC. SCIC sử dụng đến đâu, Bộ sẽ chuyển ngay đến đấy.

Mạnh Bôn thực hiện.
Mạnh Bôn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,244.7 0.0 0.0% 162,835 tỷ
HNX 235.68 0.0 0.0% 1,903 tỷ
UPCOM 91.72 0.02 0.02% 825 tỷ