Gần đây, SCIC đã xây dựng lộ trình chuyển đổi mô hình, từ Tổng công ty sang Quỹ đầu tư chính phủ, ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Dự thảo Chiến lược phát triển SCIC giai đoạn 2020 - 2030 và tầm nhìn đến 2035 xác định định hướng tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, thực hiện tốt vai trò là “nhà đầu tư của Chính phủ”, hướng tới mục tiêu trở thành Quỹ Đầu tư chính phủ.
Việc phát triển SCIC theo mô hình Quỹ Đầu tư chính phủ phù hợp với sự chuẩn bị và chuyển hướng trong chiến lược hoạt động của SCIC. Theo đó, từ sau 2025, SCIC sẽ chuyển trọng tâm từ quản trị doanh nghiệp sang đầu tư, kinh doanh vốn một cách tích cực và chủ động. Thông qua đó, SCIC sẽ thực hiện đầy đủ và rõ nét hơn vài trò là nhà đầu tư của Chính phủ, với mục tiêu tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế hoặc Nhà nước cần tiếp tục nắm giữ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp.
Tại Thông báo số 186/TB-VPCP ngày 22/5/2020 về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại buổi làm việc về định hướng chiến lược phát triển SCIC, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo định hướng chuyển đổi mô hình hoạt động của SCIC sang mô hình Quỹ Đầu tư chính phủ.
Việc phát triển SCIC theo hướng trở thành Quỹ Đầu tư chính phủ là phù hợp với định hướng của Đảng về củng cố, phát triển các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, đồng thời là giải pháp thiết thực trong việc tăng cường quy mô và chất lượng danh mục tài sản của Nhà nước do SCIC đại diện chủ sở hữu, qua đó bổ sung nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước, góp phần tăng sức chống chịu, bảo đảm an toàn, an ninh tài chính quốc gia.
SCIC trở thành Quỹ Đầu tư chính phủ sẽ thực hiện theo lộ trình ra sao, thưa ông ?
Việc chuyển đổi mô hình hoạt động SCIC thành Quỹ Đầu tư chính phủ dự kiến sẽ triển khai theo lộ trình sau:
Giai đoạn 2020 - 2025, SCIC sẽ dần chuyển hướng từ hoạt động tiếp nhận, quản trị doanh nghiệp và bán vốn sang tập trung đầu tư vào ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả và ngành, lĩnh vực Nhà nước cần tiếp tục nắm giữ chi phối để thực hiện vai trò then chốt của doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài ra, đẩy mạnh triển khai hoạt động đầu tư, thực hiện tốt vai trò nhà đầu tư chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ và cơ chế được giao.
Triển khai xây dựng Đề án chuyển đổi mô hình thành Quỹ Đầu tư chính phủ báo cáo các cơ quan có thẩm quyền và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện tiền đề để hoạt động theo mô hình Quỹ Đầu tư chính phủ như thể chế, quy trình, quy chế; quy mô năng lực tài chính; nguồn nhân lực...
Giai đoạn sau năm 2025, sau giai đoạn chuẩn bị, SCIC sẽ hoạt động theo mô hình hoạt động Quỹ Đầu tư chính phủ.
Để thực hiện được các định hướng trên, SCIC sẽ triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án chuyển đổi mô hình hoạt động của SCIC sang mô hình Quỹ Đầu tư chính phủ với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước, trên cơ sở hợp tác với các tổ chức tư vấn tài chính quốc tế có uy tín, từ đó báo cáo các cơ quan có thẩm quyền và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện.
Trên thế giới có nhiều mô hình quỹ đầu tư chính phủ. Vậy mô hình quỹ đầu tư chính phủ của SCIC sẽ hoạt động dưới hình thức nào?
Thực tế cho thấy, các quỹ đầu tư chính phủ trên thế giới hiện nay chủ yếu vận hành dưới một trong hai hình thức là công ty quản lý quỹ và công ty đầu tư. Việc chuyển đổi mô hình hoạt động của SCIC thành Quỹ Đầu tư chính phủ cần xem xét, lựa chọn một trong hai mô hình này.
Tuy nhiên, để có thể kế thừa và phát triển trên cơ sở mô hình hiện tại, kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là về hệ thống thể chế, cơ chế chính sách cho hoạt động của SCIC thì việc lựa chọn cách thức tổ chức hoạt động dưới hình thức công ty đầu tư là phù hợp hơn (chẳng hạn công ty Temasek của Singapore đang hoạt động theo hình thức này) và phát huy tốt vai trò của một quỹ đầu tư chính phủ.
Cùng là các tổ chức 100% vốn nhà nước, vậy SCIC là tổng công ty hay là quỹ đầu tư chính phủ, sẽ khác nhau như thế nào, thưa ông?
Một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa mô hình Tổng công ty và mô hình Quỹ đầu tư là tính tự chủ, tự quyết trong hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn cũng như quy mô của nguồn vốn được quản lý.
Nếu vẫn vận hành dưới hình thức một tổng công ty nhà nước như hiện nay, SCIC sẽ vẫn gặp phải những vướng mắc về cơ chế và hành lang pháp lý áp dụng chung cho mọi doanh nghiệp nhà nước, trong khi hoạt động của SCIC lại hết sức đặc thù.
Có thể nói, sau khi chuyển sang mô hình Quỹ Đầu tư chính phủ, cùng với các quy định pháp lý chuyên ngành được ban hành, SCIC sẽ được “cởi trói” và thực sự “lớn lên”, chủ động triển khai các hoạt động kinh doanh của mình.
Khi đó, mặc dù việc quản lý phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn do SCIC thực hiện, nhưng tính chất của mối quan hệ giữa SCIC và doanh nghiệp sẽ có sự thay đổi đáng kể. Theo đó, SCIC thực sự có điều kiện để thể hiện rõ vai trò “cổ đông năng động” và hỗ trợ tích cực doanh nghiệp trong việc cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp theo thông lệ tốt nhất.
Đặc biệt, do được vận hành trong hành lang pháp lý mới thông thoáng hơn, phù hợp hơn với mô hình quỹ đầu tư chính phủ nên việc SCIC ra các quyết định quan trọng liên quan đến các hoạt động kinh doanh, đầu tư... của doanh nghiệp sẽ nhanh nhạy hơn và thực sự gắn với thị trường, thay vì bị ràng buộc bởi nhiều quy định pháp luật chung cho các doanh nghiệp nhà nước như hiện nay.
Đây chính là mấu chốt dẫn tới sự thay đổi về chất trong công tác quản trị, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của SCIC, từng bước thực hiện tốt vai trò là một trong các nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh tài chính quốc gia.