Theo công bố của SCIC, đến 31/12/2018, doanh thu của SCIC ước đạt 12.582 tỷ đồng, đạt 159% kế hoạch. Trong đó, cả ba mặt hoạt động đều có doanh thu tăng trưởng và vượt kế hoạch.
Cụ thể, doanh thu cổ tức ước là 3.399 tỷ đồng, đạt 138% kế hoạch, và tương ứng 169% so với cùng kì năm trước; doanh thu bán vốn ước là 7.692 tỷ đồng, trong đó chênh lệch bán vốn là 5.076 tỷ đồng, đạt 187% kế hoạch, gấp hơn 8 lần so với cùng kì năm trước; doanh thu tài chính ước là 1.480 tỷ đồng, đạt 114% kế hoạch, tương ứng 111% so với cùng kì năm 2017.
Lợi nhuận trước thuế năm 2018 ước đạt 9.467 tỷ đồng, đạt 153% kế hoạch, tương ứng 142% thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 8.253 tỷ đồng, đạt 152% kế hoạch và tương ứng 130% so với cùng kì năm 2017.
Trong năm 2018, SCIC dự kiến nộp ngân sách nhà nước từ thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận sau thuế trên 6.990 tỷ đồng, đạt 154% so với kế hoạch. Ngoài ra, chênh lệch từ bán vốn các doanh nghiệp lớn thuộc Thông báo 281/TB-VPCP không được hạch toán doanh thu mà nộp trực tiếp vào Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là 2.185 tỷ đồng.
Công tác tiếp nhận vốn bước đầu có những chuyển biến căn bản.
Năm 2018, Tổng công ty đã triển khai tích cực công tác phối hợp, làm việc trực tiếp để đôn đốc các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố (tham gia 6 Đoàn công tác liên ngành); chủ động báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để ban hành các văn bản chỉ đạo, thúc đẩy chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC.
SCIC đã chủ động xây dựng và báo cáo Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 83/2018/TT-BTC ngày 30/8/2018, hướng dẫn chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại SCIC thay thế Thông tư số 118/2014/TT-BTC ngày 21/8/2014. Ngày 20/9/2018, SCIC đã có Công văn số 1781/ĐTKDV-KHTH gửi các Bộ/UBND cấp tỉnh đề nghị Bộ/UBND cấp tỉnh rà soát doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao và triển khai chuyển giao về SCIC theo đúng thời hạn quy định tại Thông tư 83.
Với những nỗ lực như trên, trong năm 2018, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 14 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước là hơn 4.055 tỷ đồng (tăng mạnh so với 2 năm trước liền kề, vốn tiếp nhận chỉ ở mức khoảng 1.000 tỷ đồng/năm). Trong đó có một số doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Dệt may, Tổng công ty Thủy sản Việt Nam - Seaprodex, Tổng công ty Ligogi… Theo Quyết định 1232/QĐ-TTg, đến nay, SCIC đã hoàn thành tiếp nhận 30/62 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước là 4.069 tỷ đồng.
Công tác bán vốn tại doanh nghiệp đạt được hiệu quả đột biến
Trong năm 2018, SCIC thực hiện bán vốn thành công tại 09 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn tại 07 doanh nghiệp, bán bớt vốn tại 02 doanh nghiệp) và ghi nhận doanh thu bỏ cọc tại 02 doanh nghiệp, với tổng giá trị doanh thu ghi nhận là 7.693 tỷ đồng, chênh lệch bán vốn là 5.706 tỷ đồng trên giá vốn là 2.617 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 2,94 lần.
Thành công của công tác bán vốn năm 2018 không nằm ở số lượng, mà còn nằm ở chất lượng, hiệu quả bán vốn. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động mạnh, SCIC đã lựa chọn thời điểm thích hợp, phương thức bán vốn phù hợp để triển khai bán vốn thành công tại một số doanh nghiệp lớn như Nhựa Bình Minh và Vinaconex cao hơn so với giá thị trường tại thời điểm thoái vốn, đem lại hiệu quả cao cho Nhà nước.
Ngày 09/3/2018, SCIC đã triển khai bán vốn thành công tại CTCP Nhựa Bình Minh, mang lại hiệu quả cao, thu về gần 2.330 tỷ đồng, giá vốn 145 tỷ, chênh lệch bán 2.185 tỷ đồng (giá trị này không được ghi nhận vào kết quả tài chính của SCIC, mà chuyển hết về quỹ HTSXPTDN theo công văn 698/BTC-TCDN ngày 27/6/2017).
Ngày 22/11/2018, SCIC đã tổ chức phiên đấu giá cổ phần tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Vinaconex (VCG). Với giá đấu thành công 28.900 đồng/cổ phiếu, giá trị cổ phần bán được hơn 7.366 tỷ đồng, giá vốn 2.549 tỷ đồng, chênh lệch hơn 4.800 tỷ đồng, vượt cao hơn nhiều so với mức dự kiến.
Theo Chỉ thị 01/CT-TTg về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 15/1, các đơn vị thoái vốn chưa thực hiện được trong giai đoạn 2016 - 2018 phải chuyển giao sang SCIC để thực hiện thoái vốn trong giai đoạn 2019 - 2020. Việc chuyển giao được thực hiện trước ngày 31/3/2019 để SCIC tổ chức thoái vốn theo quy định.
Về công tác quản trị doanh nghiệp:
Trong năm 2018, SCIC tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp quản trị thông qua vai trò cổ đông nhà nước, tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động, xử lý tồn tại phát sinh tại các doanh nghiệp.
Đến 31/12/2018, danh mục doanh nghiệp của SCIC gồm 145 doanh nghiệp với giá trị vốn nhà nước gần 16.740 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 85.082 tỷ đồng. Trong đó có: 22 doanh nghiệp nhóm A1 chiếm tỷ trọng 60% giá trị vốn nhà nước, 09 doanh nghiệp nhóm A2 chiếm tỷ trọng 1,1% giá trị vốn nhà nước, 34 doanh nghiệp nhóm B1 chiếm tỷ trọng 15,6% giá trị vốn nhà nước và 79 doanh nghiệp nhóm B2 chiếm tỷ trọng 23,3% giá trị vốn nhà nước.
SCIC tiếp tục tập trung thực hiện quản trị, củng cố và tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động và xử lý tồn tại phát sinh tại một số doanh nghiệp trọng điểm như: Tổng CTCP Điện tử và tin học; Tổng CTCP Vinaconex; Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển HPI...
Đối với các doanh nghiệp thuộc diện giám sát đặc biệt, hàng quý SCIC đều rà soát, cập nhật danh sách doanh nghiệp giám sát đặc biệt, tổng hợp, báo cáo, đề xuất hướng xử lý về các vướng mắc trong tình hình hoạt động và phương án tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc diện giám sát đặc biệt.