Cam kết tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hội đồng Doanh nghiệp phát triển bền vững thế giới (WBCSD), ông Peter Bakker cho biết, ASEAN là khu vực gặp nhiều thách thức vì các nền kinh tế tại đây đang trong giai đoạn phát triển. Khu vực này cũng là trung tâm sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới.
Do đó, ứng dụng thành công nền kinh tế tuần hoàn có thể thúc đẩy sử dụng các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao, từ đó tối ưu hoá việc sử dụng các nguồn tài nguyên.
Ý thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững, tập đoàn SCG tiếp tục áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh.
Các kế hoạch ứng phó với các vấn đề như cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường do chất thải ngày càng trầm trọng, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, an sinh của người dân và an toàn của cộng đồng đều đã được đề cập trong chiến lược phát triển bền vững của tập đoàn.
SCG đã ứng dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn và hiện thực hoá “Mô hình tuần hoàn SCG” (SCG Circular Way) bằng cách cam kết tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên trong quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ và thu hồi.
Tuy nhiên, ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành SCG chia sẻ, để thực hiện thành công nền kinh tế tuần hoàn cần sự kết hợp của cả chính phủ sở tại cũng như cộng đồng doanh nghiệp.
“Với sự hợp tác của tất cả các bên, Thái Lan và khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam - nơi đang thực hiện nhiều dự án đầu tư lớn của SCG sẽ cùng bước vào hành trình áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững”, ông cho biết.
Tiên phong áp dụng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Có mặt tại Việt Nam từ năm 1992, SCG hiện là một trong những tập đoàn đi đầu trong việc áp dụng nền kinh tế tuần hoàn. Ông Roongrote Rangsiyopash cho biết, SCG đang triển khai các nguyên tắc về kinh tế tuần hoàn cho các công ty con của mình tại Việt Nam.
“Trong thời gian đầu, chúng tôi tập trung chủ yếu vào việc truyền thông và giáo dục về tầm quan trọng của việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường cũng như khả năng tái chế dễ dàng của sản phẩm từ nhựa cho cán bộ công nhân viên. Sau đó, chúng tôi mới truyền thông ra ngoài hay liên minh với các đối tác tại Việt Nam”, ông giải thích.
Ông Roongrote Rangsiyopash cũng chia sẻ, là chủ đầu tư của dự án Tổ hợp Hoá dầu miền Nam (LSP) với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 5,2 tỷ USD, SCG dự tính sẽ đưa tổ hợp này trở thành hình mẫu về áp dụng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
“Chúng tôi tin rằng, dự án có thể trở thành một ví dụ điển hình, trong đó tất cả các nhà thầu và người tham gia xây dựng dự án đều phải tuân thủ các điều kiện tương thích với kinh tế tuần hoàn, mà cụ thể là, tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường và khép kín chu trình vòng đời của sản phẩm”, ông nói.
Từ dự án này, chính quyền địa phương có thể thúc đẩy hệ thống trường học các cấp, các trường cao đẳng dạy nghề và đại học giáo dục khuyến khích học sinh và sinh viên tham gia vào kinh tế tuần hoàn.
“Có thể thấy, thế hệ học sinh và sinh viên đều rất năng động. Họ thực sự nhanh nhạy trong việc áp dụng và tìm hiểu về bối cảnh của nền kinh tế tuần hoàn, vì vậy, tôi mong muốn thúc đẩy mang khái niệm này đến nhiều quốc gia và Tổ hợp hóa dầu miền Nam là một ví dụ điển hình cho mọi người học tập và làm theo”, ông Rangsiyopash nói.
Nằm tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cách trung tâm TP.HCM 100 km, Tổ hợp Hoá dầu miền Nam dự kiến đưa vào sử dụng vào năm 2023 với tổng công suất olefin lên tới 1,6 triệu tấn/năm. Dự án sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất thế giới, với tiêu chuẩn an toàn quốc tế và thân thiện với môi trường.
Một số kết quả SCG đạt được trong thời gian qua
Năm 2018, SCG đã chuyển đổi khoảng 313.000 tấn chất thải công nghiệp thành nguyên liệu thô tái tạo và biến 131.000 tấn chất thải công nghiệp thành nhiên liệu thay thế. Năm 2019, SCG đã và đang tiếp tục tích hợp các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn vào sản xuất sản phẩm và đặt mục tiêu giảm sản xuất nhựa sử dụng một lần từ 46% xuống 20% vào năm 2025 và tăng tỷ lệ nhựa tái chế, tái sử dụng và phân hủy sinh học lên 100% đến năm 2025.