Ông có thể chia sẻ về kết quả kinh doanh của Ngân hàng trong năm 2017?
Kết quả kinh doanh của SCB năm qua đạt mức tăng trưởng phù hợp, với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 164 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm 2016. Điều đáng nói là nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận Ngân hàng nằm đều ở các mảng, cả tín dụng và dịch vụ.
Trong đó, nguồn thu ngoài lãi có mức tăng trưởng 76% so với năm 2016, đạt 1.516 tỷ đồng. Cụ thể, lợi nhuận từ hoạt động mua bán chứng khoán của SCB gấp 2,5 lần so với năm 2016, đạt 626 tỷ đồng; thu phí dịch vụ tăng 54%, đạt 871 tỷ đồng; doanh số giao dịch ngoại tệ đạt trên 50 tỷ USD, tăng 60% so với năm trước. Hoạt động thanh toán quốc tế của Ngân hàng cũng tăng trưởng vượt bậc trong năm 2017 với doanh số đạt khoảng 2,8 tỷ USD và phí dịch vụ đạt khoảng 153 tỷ đồng, gấp 2,55 lần năm 2016. Tất cả những kết quả đạt được đã minh chứng cho sự tăng trưởng bền vững của nguồn thu phi tín dụng của SCB qua các năm và cho thấy chất lượng nguồn thu của Ngân hàng ngày càng được cải thiện.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn
Nguồn thu ngoài lãi tốt đã đóng góp tích cực vào lợi nhuận, giúp Ngân hàng có cơ hội xử lý nợ xấu, miễn và giảm lãi cho khách hàng. Do SCB đã chủ động giảm lãi cho khách hàng và thực hiện trích dự phòng nên lợi nhuận bị tác động. Thực tế, lợi nhuận của SCB trước khi giảm lãi cho khách hàng và trích dự phòng trong năm 2017 đạt 4.000 tỷ đồng.
Cụ thể, SCB đã giảm lãi cho khách hàng được bao nhiêu, thưa ông?
Trong năm qua, Ngân hàng đã giảm lãi cho khách hàng với con số trên 3.000 tỷ đồng. Đây được xem là nỗ lực lớn của SCB trong việc chia sẻ khó khăn với khách hàng. Trong đó, có cả lãi dự thu, lãi đến hạn và giảm lãi trực tiếp cho khách hàng vay vốn theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc giảm lãi vay cho doanh nghiệp, nhằm giảm bớt gánh nặng cho khách hàng trong bối cảnh khó khăn. Tùy tình hình, trong năm nay, chúng tôi cũng sẽ xem xét để chia sẻ với khách hàng.
Tình hình xử lý nợ của SCB đến thời điểm này ra sao? Ngân hàng dự kiến xử lý và thu hồi nợ theo Nghị quyết 42 của Quốc hội như thế nào trong năm nay?
SCB đã xử lý và thu hồi được khoảng 4.000 tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42 trong năm 2017; đồng thời thiết lập nhiều hoạt động để đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu trong năm nay. Mục tiêu của SCB trong năm 2018 là sẽ xử lý, thu hồi từ 4.000 - 5.000 tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42.
Chúng tôi cũng đang từng bước nỗ lực đẩy mạnh xử lý các khoản nợ xấu mà Ngân hàng đã bán cho VAMC ở các năm trước, giảm dự phòng rủi ro. Các khoản nợ xấu của SCB đều có tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Thị trường bất động sản đang dần ấm lên là cơ hội để Ngân hàng phát mại tài sản. Mặc dù có nợ xấu mới phát sinh, nhưng về cơ bản, trong năm 2018, SCB sẽ nỗ lực xử lý phần lớn nợ xấu để hoàn nhập dự phòng rủi ro bắt đầu từ năm 2019.
Quỹ dự phòng rủi ro SCB đến nay chắc hẳn đạt con số rất lớn, thưa ông?
Vì các khoản nợ xấu bán cho VAMC buộc phải trích lập dự phòng 20% mỗi năm nên lợi nhuận Ngân hàng làm ra hàng năm phải dành phần lớn để trích dự phòng. Đến thời điểm này, Quỹ dự phòng rủi ro của SCB đã đạt con số 6.375 tỷ đồng và chúng tôi sẽ tiếp tục gia tăng trích dự phòng rủi ro cho trái phiếu nhận lại từ các khoản nợ mà Ngân hàng đã bán cho VAMC chưa xử lý hết.
Khoản dự phòng đã trích nói trên, chúng tôi xem là "của để dành" lớn cho SCB, tích tụ tài chính tốt cho Ngân hàng sau giai đoạn tái cơ cấu. Theo đề án tái cơ cấu, đến hết năm 2019, SCB sẽ kết thúc quá trình tái cấu trúc sau khi hợp nhất.
Việc bán hơn 50% vốn cho đối tác ngoại sẽ được triển khai sau giai đoạn này?
Về vấn đề này, chúng tôi đang trong quá trình tìm hiểu, đàm phán với các đối tác. Chủ trương của Ngân hàng là sẽ gọi vốn ngoại sau khi quá trình tái cấu trúc hoàn tất vào năm 2019. Khi đó, hoạt động và năng lực của SCB được củng cố sau quá trình tái cơ cấu, việc gọi thêm vốn từ cổ đông nước ngoài sẽ có lợi thế và đem lại lợi ích tốt hơn cho cả Ngân hàng cũng như cổ đông. Sau đó, chúng tôi mới tính đến việc đưa cổ phiếu SCB niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung.
Quan điểm của SCB về việc lên sàn chứng khoán là phải chuẩn bị tiềm lực tài chính mạnh, lợi nhuận đạt được ở mức tốt hơn sau khi không còn trích lập dự phòng, cổ phiếu mới thu hút nhà đầu tư và khi ấy các cổ đông của Ngân hàng mới có lợi.
Vậy năm nay, SCB có triển khai kế hoạch tăng vốn, thưa ông?
Năm qua, chúng tôi chưa thực hiện được kế hoạch tăng vốn điều lệ. Trong năm nay, SCB sẽ phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ thêm 1.705 tỷ đồng theo phương án đã trình NHNN. Đồng thời, Ngân hàng dự kiến tăng vốn từ quỹ dự trữ và lợi nhuận giữ lại khoảng 600 tỷ đồng thông qua phát hành thêm khoảng 60 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Như vậy, tổng mức vốn điều lệ SCB dự kiến tăng thêm trong năm 2018 là 2.305 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ cuối năm 2018 lên gần 16.600 tỷ đồng.
Việc tăng vốn của SCB là nhằm bổ sung nguồn vốn cho quá trình tái cấu trúc, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cũng như mở rộng mạng lưới, tiếp cận nhiều hơn với các khách hàng tiềm năng. Năm 2017, SCB đã được NHNN cấp giấy phép cho mở mới 11 điểm giao dịch, trong đó có 2 chi nhánh tại Thanh Hóa và Thái Bình. Đầu năm 2018, Ngân hàng đã khai trương cả 2 chi nhánh này và sắp tới sẽ hoàn thành việc khai trương các điểm giao dịch mới, mở rộng mạng lưới hoạt động của SCB lên 239 điểm trên cả nước.
SCB đã chuẩn bị thế nào cho việc đón đầu xu hướng hoạt động ngân hàng trong kỷ nguyên số?
Với định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ, đa năng, hiện đại hàng đầu Việt Nam, cũng như phù hợp với xu hướng hoạt động của ngân hàng trong kỷ nguyên số và sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, SCB xác định công nghệ thông tin luôn là một trong những nền tảng hoạt động quan trọng, góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh của Ngân hàng. Chính vì vậy, thời gian qua, SCB không ngừng chú trọng đầu tư phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là hệ thống core banking và ngân hàng điện tử (digital banking).
Năm 2018, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống core banking phiên bản mới nhất Flexcube 12.4 có tích hợp cả ngân hàng điện tử. SCB là một trong những ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam đầu tư phần mềm công nghệ mới này. Việc ký kết đầu tư nâng cấp hệ thống là một hoạt động cần thiết, phù hợp với định hướng của Ngân hàng. Dự kiến, sau một năm triển khai, đến tháng 9/2018, SCB sẽ vận hành hệ thống core banking mới, tạo nền tảng quan trọng cho mọi hoạt động của Ngân hàng, đặc biệt là mảng ngân hàng điện tử.
Song song với việc triển khai hệ thống core banking mới, SCB sẽ tiếp tục phát triển dự án Treasury FIS hỗ trợ quản lý, quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh tiền tệ, đồng thời tích hợp hệ thống phòng chống rửa tiền theo các tiêu chuẩn quốc tế. Những sự chuẩn bị như trên giúp SCB có được nền tảng công nghệ vững chắc, an toàn để triển khai mọi sản phẩm, dịch vụ tích hợp công nghệ, vốn được xem là xu hướng tương lai.
Định hướng của SCB là trở thành ngân hàng bán lẻ đa năng, hiện đại, SCB đã và đang làm gì để hiện thực hóa mục tiêu này?
Với định hướng phát triển thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu, SCB đang thực hiện nhiều kế hoạch kinh doanh nhằm cải thiện cơ cấu thu nhập, tăng nguồn thu phi tín dụng và giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng. Theo đó, SCB đã đẩy mạnh việc bán chéo các sản phẩm với mục tiêu cung cấp những gói sản phẩm tài chính toàn diện và ưu việt nhất, đáp ứng các nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng cùng phương châm “Mọi dịch vụ - Một điểm đến”. Các mảng kinh doanh phi tín dụng của SCB đã gặt hái nhiều kết quả khả quan trong năm 2017.
Năm 2017 cũng là năm chúng tôi đẩy mạnh việc nghiên cứu và cho ra đời hàng loạt sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi đối tượng khách hàng. Những năm trước, SCB được xem là ngân hàng yêu thích của các khách hàng từ độ tuổi trung niên trở lên. Tuy nhiên, năm 2017, tôi rất vui mừng vì chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của đối tượng khách hàng dưới 40 tuổi. Điều này phần nào minh chứng cho sự phát triển đúng hướng của SCB. Tính đến cuối năm 2017, số lượng khách hàng cá nhân tại SCB đạt hơn 768.000 khách hàng, tăng 26% so với cuối năm 2016. Trong đó, số lượng khách hàng trung niên, cao tuổi từ 40 tuổi trở lên chiếm tỷ trọng 54% và số lượng khách hàng dưới 40 tuổi chiếm tỷ trọng 46%. Cả hai phân khúc khách hàng này đều có mức tăng trưởng trong năm 2017.
Theo ông, tình hình thị trường năm nay tác động ra sao đến hoạt động ngành ngân hàng?
Thị trường năm nay được dự báo theo chiều hướng tích cực với ngành ngân hàng. Thứ nhất, các yếu tố vĩ mô được dự báo ổn định. Thứ hai, sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam rất lớn khi FDI vào Việt Nam những năm gần đầy liên tục tăng. Thứ ba, Hiệp định CPTPP có hiệu lực dự báo sẽ thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư đến Việt Nam. Vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam sẽ giúp tạo công ăn việc làm cho người dân, giúp thu nhập tăng, kéo theo tiêu dùng nội địa tăng và các ngân hàng cũng sẽ hưởng lợi. Thêm vào đó, thị trường bất động sản đang ấm dần sẽ tác động tích cực lên hoạt động tín dụng của ngân hàng.
Chính sách tiền tệ cũng được NHNN điều hành linh hoạt và kiểm soát ở mức hợp lý. Tỷ giá ổn định, lãi suất đang từng bước được ngành ngân hàng nỗ lực giảm. Đối với tăng trưởng tín dụng, mục tiêu tăng trưởng toàn ngành NHNN đưa ra cho năm 2018 ở mức 17-18% là phù hợp.
Bên cạnh đó, Chính phủ đang hướng đến phát triển ngành nông nghiệp, đặc biệt chuỗi sản xuất nông sản, liên kết chặt chẽ từ người nông dân, công ty thu mua - sản xuất - xuất khẩu và ngân hàng. Nếu thành công, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển lên một tầm cao mới, kéo theo thị trường rộng mở hơn cho các ngân hàng, đặc biệt là tín dụng nông nghiệp vốn còn khiêm tốn hiện nay.
Tình hình kinh doanh ngân hàng đang có nhiều thuận lợi, SCB đặt ra mục tiêu lợi nhuận ra sao trong năm nay?
Do Ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu nên mục tiêu lợi nhuận SCB đặt ra cho năm 2018 tăng trưởng khoảng 30% so với năm 2017. Mặt khác, lợi nhuận thu về, chúng tôi cũng dành phần lớn để trích lập dự phòng rủi ro. Đây được xem là "của để dành" cho giai đoạn hậu tái cơ cấu, khi các khoản nợ xấu bán cho VAMC được xử lý xong thì Quỹ dự phòng rủi ro nói trên sẽ được hoàn nhập vào lợi nhuận của Ngân hàng. Lúc này, cổ đông của SCB sẽ nhận được mức lợi tức phù hợp hơn.