SCB sẽ vững lên từ năm 2014

(ĐTCK) Hoàn trả 100% khoản tái cấp vốn, trả nợ ròng trên liên ngân hàng, giảm tỷ lệ nợ xấu xuống 3%... là những kết quả Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) gặt hái được sau 2 năm hợp nhất và nỗ lực tái cơ cấu. Có thể nói, đây là nền tảng để SCB vững bước từ năm 2014.
SCB sẽ vững lên từ năm 2014

Qua cơn bĩ cực

Được hợp nhất từ 3 tổ chức tín dụng là SCB, Ficombank, TinNghia Bank, SCB kế thừa nhiều tồn tại của các ngân hàng trước hợp nhất: tỷ lệ nợ xấu có lúc lên đến 9% trong năm 2012 và trạng thái vàng âm có thể khiến SCB lỗ hàng trăm tỷ đồng. Thế nhưng, với sự nỗ lực lớn, SCB đã sớm bắt tay vào việc tái cơ cấu dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo đề án đã được phê duyệt. 

Trao đổi với ĐTCK, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết, SCB đã hoàn trả được toàn bộ nguồn vốn vay tái cấp vốn cho NHNN (hơn 20.000 tỷ đồng) vào tháng 9/2013. Vốn vay trên thị trường liên ngân hàng cũng được SCB hoàn trả phần lớn, giúp SCB khôi phục lại niềm tin đối với thị trường này. SCB cũng đã tất toán được trạng thái vàng đúng với yêu cầu đưa ra của NHNN vào tháng 6/2013. Còn đối với số dư trạng thái dư nợ cho vay vàng, hiện SCB vẫn còn một phần nhỏ, nhưng trong thời gian tới, Ngân hàng sẽ thương thảo với khách hàng để chuyển đổi các khoản vay vàng này thành vay tiền đồng. Giá vàng đang đà giảm, nếu chuyển dư nợ sang tiền đồng thì khách hàng sẽ có lợi khi giảm khoảng vài chục phần trăm so với trước kia, còn Ngân hàng sẽ thu được lãi cao hơn khi cho vay bằng tiền đồng.

Trong năm qua, SCB đã tăng vốn điều lệ thêm 1.711 tỷ đồng, để nâng vốn lên trên 12.500 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, trong khó khăn, các cổ đông vẫn luôn sát cánh với SCB, tăng cường năng lực tài chính của Ngân hàng, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu và trích lập dự phòng…

Thành quả nổi bật nhất của quá trình tái cơ cấu mà SCB đạt được trong năm 2013 chính là tỷ lệ nợ xấu đã được giảm xuống dưới ngưỡng an toàn 3%. SCB sớm nhận ra lợi ích thiết thực của công cụ xử lý nợ qua Công ty Quản lý tài sản các TCTD (VAMC) và đã bán khoảng 6.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong quý IV/2013.

Ông Văn cho biết, sau khi bán nợ xấu, SCB cùng VAMC đẩy mạnh việc tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, phát mãi tài sản đảm bảo… SCB dự kiến sẽ tiếp tục rà soát để bán tiếp khoảng 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong thời gian tới.

Đến thời điểm cuối năm 2013, các chỉ số tài chính của SCB đều được cải thiện rõ rệt. Tổng tài sản của SCB tăng 25% so với cuối năm 2012, Ngân hàng đã trích khoảng 3.000 tỷ đồng dự phòng đối với rủi ro nợ xấu.

Có thể nói, giai đoạn khó khăn nhất của SCB đã qua và thị trường đã có những đánh giá tích cực, ghi nhận nỗ lực của SCB trong thời gian vừa qua.

Lên kế hoạch phục hồi

“Trong thời gian tái cơ cấu, chủ trương của Ngân hàng là không chia cổ tức để tập trung khôi phục hoạt động Ngân hàng và vấn đề này cũng đã được cổ đông chia sẻ”, ông Văn nói và cho biết, SCB nhắm đến mục tiêu lâu dài là khi nội lực được củng cố thì quyền lợi của các cổ đông sẽ được đảm bảo và nâng cao giá trị cho cổ đông. 

Trong mắt các nhà đầu tư, cổ đông của SCB, việc Ngân hàng tích cực đưa được tỷ lệ nợ xấu về ngưỡng an toàn rất quan trọng. Điều này sẽ tạo tiền đề vững chắc cho SCB trong việc hoàn thành những mục tiêu của Đề án Tái cơ cấu trong năm 2014, năm cuối trong kế hoạch tái cơ cấu 3 năm (2012 - 2014).

Một trong những vấn đề lớn được SCB đặt ra cho năm nay và quyết tâm thực hiện là khôi phục lại hoạt động kinh doanh. Theo Tổng giám đốc SCB, chỉ khi khôi phục hoạt động kinh doanh bình thường, mở rộng cho vay, SCB mới tạo được nguồn thu để bù đắp chi phí và trích lập dự phòng rủi ro; trong đó, có cả phần trích dự phòng cho trái phiếu đặc biệt sau khi SCB bán nợ xấu cho VAMC là 20%.

SCB cũng dự kiến mở rộng lĩnh vực bán chéo sản phẩm thông qua việc liên kết với các công ty bảo hiểm, nhằm tăng nguồn thu ngoài mảng hoạt động tín dụng. SCB đang phát triển các sản phẩm mới, thậm chí mở rộng mạng lưới hoạt động ở một số tỉnh, thành ngoài TP. HCM và Hà Nội.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục