SBS: Vừa cố vừa khấn

Cổ phiếu SBS sẽ bị hủy niêm yết vào cuối tháng 3/2013. Trong mắt nhà đầu tư thì coi như sbs đã cận kề cái chết. Tuy nhiên, bản thân SBS cũng như các cổ đông lớn nhất của Công ty vẫn đang cố gắng còn nước còn tát.
Phía trước SBS là con đường đầy gian khó Phía trước SBS là con đường đầy gian khó

Bắt tay cải tổ chính thức từ giữa năm 2012, đến nay SBS cũng đã làm được nhiều việc đáng kể.

Về hoạt động, SBS đã giảm khá nhiều nhân sự, gộp mảng Ngân hàng Đầu tư và Phân tích thành Khối Ngân hàng Đầu tư, giảm chi phí hoạt động xuống còn 100 triệu đồng/tháng. Công ty cũng giải thể công ty con tại Campuchia để thu về 47 tỉ đồng, thu hồi và xử lý làm tổng dư nợ giảm 233 tỉ đồng. Dù vậy, tình hình tài chính hiện nay cũng còn rất xấu. Tổng dư nợ của SBS còn hơn 1.100 tỉ đồng. Mọi hy vọng hiện nay đều nằm trong tay Ngân hàng Nhà nước.

Nói vậy vì dù ngân hàng mẹ cố gắng giải cứu bằng khoản trái phiếu 800 tỉ đồng nhưng bị Ngân hàng Nhà nước thanh tra và buộc thu hồi. Đại diện cổ đông lớn Sacombank (nắm gần 11% cổ phần) là ông Nguyễn Miên Tuấn thừa nhận, Ngân hàng Nhà nước kết luận Sacombank đã cố tình mua cổ phiếu SBS sai luật. Vì bản chất Sacombank không được phép mua trái phiếu trên thị trường sơ cấp.

Sau đó SBS và cổ đông lớn Sacombank đã thống nhất một phương án khác. Theo đó, SBS sẽ trả lại Sacombank 300 tỉ đồng tiền vay gốc (và 104 tỉ đồng lợi suất trái phiếu), còn 500 tỉ đồng trái phiếu thì được chuyển đổi. Phương án này vẫn đang chờ sự chấp thuận của các cơ quan nói trên.

Rõ ràng, Sacombank và các cổ đông lớn khác không còn con đường nào khác là phải cố gắng giúp cho SBS sống, dù trước đó họ từng tính đến phương án phá sản cho SBS. Bởi nếu SBS phá sản thì Sacombank sẽ chịu nhiều thiệt hại. Khoản đầu tư gần 11% tương đương hơn 14 triệu cổ phiếu SBS cộng với khoản trích lập dự phòng cũng là một khoản đáng kể. Ngoài ra, khoản nợ trái phiếu (không có tài sản đảm bảo) là 800 tỉ đồng. Nếu thu lại khi SBS phá sản sẽ bằng số tiền mặt SBS hiện có là hơn 500 tỉ đồng, nghĩa là thiệt hại khoảng 300 tỉ đồng và hơn 100 tỉ đồng lãi trái phiếu. Đây đều là những khoản tiền không nhỏ. Trong khi đó, nếu thất thu lớn sẽ càng tạo thêm áp lực cho Hội đồng Quản trị của Sacombank, vốn đang không dễ dàng gì khi xử lý các vấn đề nội tại của mình.

Nếu Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án đề xuất, tất nhiên SBS sẽ được cứu. Kế tiếp SBS lại được tiếp thêm sức mạnh bằng đợt tăng vốn từ cổ đông hiện hữu theo tỉ lệ 1:1,5 (dự kiến thu được 378 tỉ đồng). Việc gộp cổ phiếu 7 thành 1 để giảm vốn và xóa lỗ lũy kế để làm sạch báo cáo tài chính là biện pháp cuối cùng tạo cho SBS đời sống mới. Ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch SBS cho rằng, tỉ lệ này được tính toán để sau khi thực hiện, SBS đạt tỉ lệ an toàn tài chính trên 180% như quy định.

Dù sao, con đường phía trước vẫn phải bước tiếp. SBS đã đặt ra kế hoạch cụ thể trong năm 2013 theo hướng thận trọng. Chỉ tiêu doanh thu là hơn 210 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 45 tỉ đồng. Ông Dũng cho biết, kế hoạch này chủ yếu dựa vào các khoản thu nợ. Ngoài giá trị thương hiệu, SBS sẽ tiếp tục tập trung vào hoạt động môi giới và tư vấn tài chính doanh nghiệp cho đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn từng là lợi thế cạnh tranh của mình. Và trong lúc cố gắng vẫy vùng, SBS còn phải cầu mong Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án giải cứu của cổ đông lớn dành cho SBS.


Nhịp cầu Đầu tư

Tin cùng chuyên mục