> 10 tín hiệu cảnh báo cổ phiếu SBS
> SBS “hỏi” cổ đông về việc hợp nhất với PNS
> SBS hủy niêm yết từ ngày 25/3
Cuối tháng 6, trong một thông báo gửi đi, Công ty chứng khoán (CTCK) Ngân hàng Sài Gòn – Thương Tín (SBS) cho biết, đang lên đề án hợp nhất SBS cùng CTCK Phương Nam (PNS). Việc chốt danh sách, lấy ý kiến cổ đông dự kiến sẽ thực hiện ngay trong tháng 7 này.
Dù còn phải chờ cổ đông thông qua, nhưng thông tin trên đã ngay lập tức gây chú ý đến thị trường. Trước đó, tin tức liên quan đến SBS chỉ cho thấy sự nan giải. SBS từng có nhiều phương án tái cấu trúc lại công ty, nhưng tất cả đều bất thành. Ngày 22/3/2013, do âm vốn chủ sở hữu, cổ phiếu SBS chính thức bị hủy niêm yết. Từ đó đến nay, câu chuyện về SBS tạm không được nhắc đến. Trong mắt nhà đầu tư, SBS đã cận kề cái chết. Người ta cho rằng, sở dĩ SBS còn trụ lại được là bởi không thể dễ dàng xóa sổ một CTCK mà thôi. Hơn nữa, Sacombank vẫn đang nắm gần 11% vốn ở SBS, tương đương 14 triệu cổ phiếu SBS, cộng với khoản trích lập dự phòng cũng là số tiền rất đáng kể. Sacombank còn là trái chủ của 800 tỷ đồng trái phiếu ở SBS. Nếu để SBS phá sản, Sacombank có thể sẽ mất trắng các khoản đầu tư tại đây. Tương tự, hàng ngàn cổ đông đang mắc kẹt ở SBS cũng có lý do muốn SBS tồn tại. Vì thế, dù SBS bị lỗ lũy kế hơn 1.700 tỷ đồng và cổ phiếu đã bị hủy niêm yết, SBS vẫn chưa đóng cửa. Nhưng “một” con đường sống như thế nào cho SBS vẫn là dấu hỏi lớn.
Còn nhớ hồi tháng 9 năm ngoái, để tồn tại, lãnh đạo SBS đã nghĩ đến đề án giảm vốn xóa lỗ. Theo đó, có 3 bước triển khai: một là thực hiện chuyển đổi 800 tỷ đồng trái phiếu thành cổ phiếu, hai là SBS sẽ thực hiện gộp cổ phiếu theo tỷ lệ 3,8 cổ phiếu cũ thành 1 cổ phiếu mới. Ba là, công ty tiếp tục phát hành riêng lẻ 257 tỷ đồng cổ phiếu bằng mệnh giá. Với đề án này SBS sẽ giảm vốn điều lệ về 800 tỷ đồng và sớm thoát khỏi tình trạng mất an toàn tài chính. Tuy nhiên, cuối cùng đề án giảm vốn xóa lỗ đã bị cổ đông phủ quyết.
Trong đại hội cổ đông thường niên năm 2013 diễn ra cuối tháng 2 vừa qua, lãnh đạo SBS tiếp tục trình cổ đông đề án tái cấu trúc mới. Đề án này cũng tương tự đề án cũ, nhưng khác ở chỗ, SBS sẽ xử lý khoản trái phiếu chuyển đổi (800 tỷ đồng) bằng hình thức chuyển đổi 500 tỷ đồng thành cổ phiếu với tỷ lệ chuyển đổi là 1:1 và thanh toán trước hạn 300 tỷ đồng trái phiếu còn lại. Tiếp theo, SBS gộp cổ phiếu theo tỷ lệ thích hợp, dự kiến 7:1; dùng vốn tự có để xóa lỗ lũy kế. Cuối cùng, SBS phát hành cổ phiếu tăng vốn cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1,5 trên vốn điều lệ mới. Giá phát hành dự kiến 10.000 đồng/cổ phiếu. Đề án này đã được cổ đông thông qua và cũng được trình lên Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty thừa nhận, muốn triển khai đề án, có nhiều cửa ải mà SBS cần vượt qua. Vì Thanh tra Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Sacombank phải thu hồi đầy đủ lãi và gốc ở khoản đầu tư 800 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi. Ngoài ra, luật của Việt Nam chưa có quy định về xóa lỗ, giảm vốn bằng gộp cổ phiếu.
Quý I/2013, SBS đã rút 400 tỷ đồng từ đầu tư tài chính ngắn hạn để trả bớt 300 tỷ đồng nợ trái phiếu và trả thêm trái tức cho Sacombank. Nhà đầu tư chờ đợi những bước đi tiếp theo như trong đề án. Vì thế, một kịch bản sáp nhập SBS với PNS là điều bất ngờ với công chúng đầu tư.
Dù đã nỗ lực tái cấu trúc, nhưng con đường của SBS vẫn còn quá gian nan do âm vốn chủ sở hữu hàng trăm tỷ đồng và lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng. Nếu có giải pháp nào khác giúp SBS thoát lầy, giới chuyên gia tin rằng, cổ đông SBS sẽ ủng hộ. Vấn đề của SBS là hợp nhất SBS – PNS cần sự đồng thuận của cả hai bên. Tại thời điểm cuối năm 2012, ông Lữ Bỉnh Huy, Chủ tịch PNS còn nắm tới 80,34% vốn ở PNS. Như vậy, kế hoạch hợp nhất SBS – PNS không chỉ chờ cổ đông SBS đồng ý mà còn phụ thuộc vào ông Huy. Tuy nhiên, dựa trên một số tín hiệu gần đây, giới đầu tư tin rằng, khả năng SBS hợp nhất với PNS vẫn “có thể” xảy ra. Bởi lẽ, ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Tổng giám đốc của PNS đã về làm Tổng Giám đốc SBS từ 3/4/2013. Trước đó, PNS cũng cử người tham gia vào HĐQT của SBS. Nếu xét sâu xa, giữa PNS-SBS-Sacombank cũng có những mối quan hệ đan xen. Ví dụ ông Trầm Khải Hòa, thành viên HĐQT Sacombank từng là Chủ tịch PNS.
Trên thực tế, PNS chỉ là CTCK tầm vừa và nhỏ, với vốn điều lệ 340 tỷ đồng. Ngoại trừ năm 2012 từng đột biến lọt top 10 thị phần môi giới HoSE nhờ giao dịch cổ phiếu STB, còn lại mảng môi giới không có nhiều đột phá. Tổng nhân sự cuối năm 2012 chỉ dưới 70 người, trong đó bộ phận môi giới trên dưới 15 người. Còn SBS dù cắt giảm mạnh nhân sự thì đến cuối 2012 vẫn còn tới 120 người. Đặc biệt, SBS có nền tảng hạ tầng kỹ thuật mà không phải CTCK nhỏ nào cũng đạt tới.
Theo thông tin công bố thì SBS vẫn còn quản lý gần 48.000 tài khoản và tiền nhà đầu tư tại SBS còn khoảng 135 tỷ đồng. PNS khó sánh với SBS ở phương diện này. Nhưng PNS có thế mạnh kinh doanh ổn định. Năm 2011, 2012, dù nhiều CTCK lỗ, PNS không lỗ. Cơ cấu nguồn vốn của PNS cũng khá an toàn với tỷ lệ đòn bẩy vốn thấp. Tính đến cuối quý I/2013, nguồn vốn tự có chiếm gần 90% tổng nguồn vốn. PNS còn có 110 tỷ đồng tiền gửi ở Ngân hàng Phương Nam. Trong khi đó, dù báo lãi tháng 4/2013, nhưng con đường của SBS vẫn rất bế tắc…
Việc hợp nhất SBS-PNS ít nhiều sẽ có lợi cho đôi bên. Vì sau khi sáp nhập, tỷ lệ an toàn vốn khả dụng của công ty mới sẽ tăng lên, tăng vốn chủ sở hữu, cắt giảm mạnh chi phí. Nhưng điều lo ngại cho cổ đông SBS là PNS không thể minh bạch bằng SBS. Thêm nữa ở PNS tồn tại những đặc quyền cho cổ đông lớn. Ví dụ, báo cáo tài chính chỉ ra, ở PNS có hiện tượng cho cổ đông lớn cầm cố cổ phiếu tại PNS để vay tiền, được ứng trước tiền… Với cổ đông PNS, cục nợ quá lớn của SBS cũng là một “miếng xương” khó nuốt.
Theo giới quan sát, nếu hợp nhất thành công, ngoài tận dụng lợi thế của đôi bên, CTCK mới sẽ mất thêm thời gian để giải quyết những vấn đề tồn tại ở cả hai công ty. Nhưng có lẽ đây mới là hướng đi khả thi và dễ chịu hơn cho SBS. Chờ xem!