SBS nhen nhóm phương án hồi sinh

(ĐTCK) Sau một thời gian im lặng về kế hoạch tái cấu trúc, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) tiếp tục đưa ra một kế hoạch tái cấu trúc mới, trong nỗ lực phục hồi hoạt động.
SBS nhen nhóm phương án hồi sinh

>> Nhà đầu tư lo mất trắng khi cổ phiếu SBS hủy niêm yết

>> SBS - PNS thuận duyên hay ép duyên?

>> Bước chuyển mới trong tái cấu trúc CTCK

>> SBS: Ông Kiều Hữu Dũng rời ghế Chủ tịch HĐQT     

So với các bản kế hoạch trước đây, kế hoạch tái cấu trúc tài chính và khôi phục hoạt động này chủ yếu dựa vào nội lực của SBS. Mục tiêu đưa chỉ tiêu an toàn vốn khả dụng về mức trên 180% trước 30/11/2013 của SBS liệu có đạt được?

 

Tăng mạnh tỷ lệ an toàn vốn khả dụng

Theo nguồn tin từ SBS, tính đến thời điểm hiện nay, ước chỉ tiêu an toàn vốn khả dụng của SBS đạt khoảng 30%, tăng mạnh so với con số đã được công bố trong Báo cáo soát xét tỷ lệ an toàn vốn khả dụng thời điểm 30/6/2013 là 12,7%. Nguồn tin này cũng đồng thời cho biết, trong đề án đã trình UBCK từ tháng 8/2013, SBS đang triển khai kế hoạch để đưa tỷ lệ an toàn vốn khả dụng về mức trên 180% trong vòng 2 tháng tới.

Đây là thông tin bất ngờ với công chúng, bởi sau 3 phương án tái cấu trúc, nhưng bất thành, thông tin về SBS trở nên mù mịt, tưởng chừng như số phận của Công ty đã được an bài. Khác biệt với những đề án đã được công bố trước đây, lần này, SBS đặt mục tiêu cải thiện cả tỷ lệ an toàn vốn khả dụng thông qua tái cấu trúc tài sản và cả các công nợ phải thu, phải trả.

 SBS nhen nhóm phương án hồi sinh ảnh 1

SBS đang nỗ lực để đưa tỷ lệ an toàn vốn khả dụng về mức trên 180% trong vòng 2 tháng tới

Tái cấu trúc toàn diện tài sản

Câu chuyện tái cấu trúc toàn diện tài sản của SBS không mới, bởi nó đã được nhắc tới gần 2 năm nay và cũng thể hiện rất rõ trên báo cáo tài chính của Công ty. Trong lần tái cấu trúc này, đối với SBS, chỉ đơn giản là thêm một lần... giũ sạch những tàn dư tài sản cũ, để đưa tình trạng tài chính của SBS về mức tối giản. Nhưng, mục đích đi kèm của việc này chính là để cải thiện chỉ tiêu an toàn vốn khả dụng và bớt lỗ do hoàn nhập dự phòng, vì trong quá khứ, SBS đã trích lập đầy đủ các khoản trên.

Theo thông tin từ SBS, trong cơ cấu tài sản hiện nay của Công ty có một số khoản chính yếu là: 188 tỷ đồng tiền và tương đương tiền (là tiền của Công ty và tiền NĐT gửi giao dịch chứng khoán); 138,5 tỷ đồng là các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chủ yếu là gồm tiền gửi tại ngân hàng có kỳ hạn; một số khoản phải thu trị giá 137 tỷ đồng. SBS cũng đồng thời có 202,9 tỷ đồng là giá trị còn còn lại sau khấu trừ lỗ và trích lập dự phòng các khoản đầu tư dài hạn, chủ yếu là khoản góp vốn vào CTCK Lanexang Lào và giá trị còn lại tại SBS Campuchia.

Trong nỗ lực tái cấu trúc lần này, SBS đặt trọng tâm giải quyết triệt để các khoản phải thu ngắn hạn. Nguồn tin của ĐTCK cho biết, Công ty hiện đã hoàn thành việc thu công nợ từ một số đối tác và tiếp tục thanh lý danh mục đầu tư. Việc đẩy mạnh giảm các khoản phải thu ngoài ý nghĩa mang về lợi nhuận cho SBS, còn góp phần làm giảm tương ứng giá trị các khoản phải trả, đồng thời cải thiện chỉ tiêu an toàn vốn khả dụng. Nguồn tin cho hay, chỉ tính riêng các khoản này, tỷ lệ an toàn vốn khả dụng của Công ty đã cải thiện đáng kể.

Cũng trong đề án tái cấu trúc, SBS dự kiến sẽ thực hiện hoàn tất thoái vốn tại SBS Campuchia, thu về khoảng 40 tỷ đồng tiền mặt. Với việc này, ước tỷ lệ an toàn vốn khả dụng của SBS sẽ tăng lên mức trên 80%. Các giai đoạn sau của việc tái cấu trúc dự kiến sẽ đưa tỷ lệ an toàn vốn khả dụng của SBS từng bước vượt mức 120% để tiến tới ngưỡng 180% - ngưỡng an toàn của CTCK.

 

Và tiếp tục tái cấu trúc hoạt động

Từ cuộc họp ĐHCĐ thường niên diễn ra đầu năm nay, HĐQT SBS cho biết, Công ty đã có thể lấy thu bù chi phí phát sinh, dù lợi nhuận mang lại từ hoạt động thường xuyên hiện nay không nhiều. Biện pháp chủ yếu của việc này là cắt giảm mạnh các chi phí phát sinh, tái cấu trúc toàn diện bộ máy hoạt động, bước đầu đã mang lại hiệu quả cho Công ty.

Thêm vào đó, công tác thu hồi nợ cũng được đẩy mạnh. Theo tìm hiểu của ĐTCK, SBS hiện có trên 500 tỷ đồng là tài sản được hạch toán ngoại bảng. Đây là những khoản nợ xấu đã được trích lập dự phòng và ghi nhận tổn thất, nhưng đang được Công ty triển khai thu hồi nợ. Nếu làm tốt công tác thu hồi nợ, trong tương lai, SBS có thể sẽ thu về lợi nhuận tương đối khả quan do hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu khó đòi này.

Bước thứ hai của tái cấu trúc hoạt động là Công ty dự kiến sẽ xin rút bớt nghiệp vụ kinh doanh, trên cơ sở bỏ nghiệp vụ tự doanh và bảo lãnh phát hành, để tập trung mạnh vào mảng môi giới, tư vấn đầu tư, nhằm phù hợp với thực trạng của SBS.

Như vậy, vấn đề mấu chốt nhất của SBS là giải được bài toán kiểm soát đặc biệt (đưa tỷ lệ an toàn vốn khả dụng lên trên 120%). Hóa giải được “cửa tử” này, SBS sẽ có thể từng bước mang lại lợi ích cho cổ đông. Vẫn còn hơn 2 tháng nữa để công chúng đầu tư chờ đợi kết quả của đề án tái cấu trúc này, nhưng những thành tựu ban đầu là tín hiệu đáng mừng cho cổ đông SBS nói riêng, TTCK nói chung.        

Bùi Sưởng
Bùi Sưởng

Tin cùng chuyên mục