Sảy chân, sảy miệng…

(ĐTCK-online) Trước khi đưa ra dự đoán về "Một vụ sụp đổ sắp xảy ra trên TTCK Mỹ", Elaine Garzarelli chỉ là một trong hàng ngàn nhân viên xử lý số liệu bình thường tại TTCK NewYork. Điều đáng nói là dự báo này được đưa ra vào ngày 12/10/1987, đúng một tuần trước sự kiện "ngày thứ Hai đen tối" xảy ra. Sau sự kiện trên, Elaine bỗng trở nên nổi tiếng, liên tục xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng và trở thành một trong số chuyên gia tư vấn có mức lương cao nhất thời ấy tại Mỹ, ước tính lên tới 1,5 - 2 triệu USD/năm.
Nhà đầu tư có thể gặp rất nhiều dự báo về TTCK và đôi khi các dự báo 
trái ngược nhau. Nhà đầu tư có thể gặp rất nhiều dự báo về TTCK và đôi khi các dự báo trái ngược nhau.

Sau khi lọt vào tâm điểm chú ý của giới đầu tư, Elaine vẫn duy trì được sự nổi tiếng của mình kể cả khi các dự đoán không còn đúng với thực tế. Ví dụ, ngày 21/7/1996, khi chỉ số Dow Jones đang là 5.452 điểm, Elaine tiên đoán thị trường sẽ tăng đến mức 6.400 điểm. Nhưng hai ngày sau, Elaine quay ngoắt 180 độ, tuyên bố thị trường sẽ rớt giá 15 - 25%, tương đương với một cuộc khủng hoảng cỡ vừa. Kết quả thực tế ra sao? Chỉ số Dow Jones năm đó như tên lửa nằm trên bệ phóng và tăng giá một mạch đến tận tháng 3/2000. Đó chỉ là một trong số 14 dự đoán công khai của Elaine từ năm 1987 đến năm 1996 mà Tạp chí Wall Street Journal dày công ghi chép lại. Rất tiếc, trong số 14 dự đoán đó, chỉ có 5 dự đoán đúng. 5/14 - tỷ lệ thành công 36%, một người bình thường cũng có thể làm tốt hơn bằng cách tung một đồng xu sấp ngửa…

Các NĐT vào lứa tuổi trung niên tại TTCK Mỹ hẳn còn nhớ đến Joe Granville - người được các NĐT yêu mến và là tâm điểm săn đón của báo giới đầu thập niên 1980. Sự sùng bái chỉ chấm dứt vào đầu năm 1982, khi ông khuyên mọi nguời nên bán bớt cổ phiếu lúc Dow Jones đang ở mức 800 điểm, trước khi một cuộc sụt giảm mạnh sắp xảy ra. Nhưng năm 1982 là năm đánh dấu sự khởi sắc đáng kinh ngạc của TTCK Mỹ. Trong suốt mấy năm sau đó, thị trường tăng điểm liên tục cho đến khi bất ngờ đổ sụp vào tháng 10/1987. Chỉ khi Dow Jones tăng tới 50%, đạt mức 1.200 điểm, Granville mới thừa nhận ông đã phạm sai lầm và rút lui vào hậu trường truyền thông phố Wall.

 Sự bùng nổ của lĩnh vực thương mại điện tử tại TTCK Mỹ vào những năm cuối của thập niên 1990 cũng đã làm xuất hiện hàng loạt "nhà tiên tri" trên các phương tiện truyền thông đại chúng tư vấn NĐT mua cổ phiếu sinh học và dot.com. Tuy nhiên, tên tuổi của hầu hết chuyên gia đều rơi vào quên lãng từ sau tháng 3/2000, thời điểm chỉ số chứng khoán NADAQ, sàn giao dịch tập trung các công ty điện tử và công nghệ, giảm tới 50% trong vòng hai năm, các cổ phiếu dot.com mất giá tới 90%.

Tại TTCK Việt Nam cũng gặp nhiều câu chuyện về dự báo thị trường. Mới đây nhất, chuyên gia phân tích chứng khoán người Thái Lan, ông Wanchai Tanjasiri sang Việt Nam và đưa ra một số quan điểm cá nhân về thị trường (xin nhấn mạnh quan điểm cá nhân). Tuy nhiên, nhiều NĐT cá nhân đã quan trọng hóa các dự báo của ông đến mức coi như "kim chỉ nam" cho hành động của mình. Có NĐT tinh ý đã mổ xẻ và phát hiện có hai nhận định dường như mâu thuẫn nhau trong phát biểu của Tiến sỹ Wanchai: ông nhận định, khi VN-Index dưới 400 điểm là cơ hội để mua vào, nhưng ông cũng dự báo, thị trường có khả năng mất 84 tuần  mới có thể hồi phục vững chắc.

Thật ra, NĐT chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm cỡ như Tiến sỹ Wanchai không dại dột đánh cược danh tiếng của mình qua việc nhận định chính xác đáy của thị trường. Theo Tiến sỹ, mức giá cổ phiếu trong khoảng giá đó thích hợp để cá nhân ông mua vào. Mua xong giá có thể giảm tiếp, nhưng mức giảm nằm trong khoảng thua lỗ dự kiến của ông. Đây là mức thua lỗ mà cá nhân ông có thể chấp nhận, nhưng không có nghĩa NĐT Việt Nam khác nên bắt chước. Thiên tài đầu tư người Mỹ, Warren Buffett cũng đã từng phát biểu: nếu không có can đảm nhìn các khoản đầu tư của mình thua lỗ 40% thì đừng nên đầu tư... Cũng may, sau khi nhiều NĐT "hiểu sai" lời ông Wanchai, thị trường vẫn tăng điểm, nếu không, hẳn nhiều NĐT có cớ lại than vãn về câu chuyện dự báo thị trường. Và dĩ nhiên, ông Wanchai phần do bất đồng ngôn ngữ, phần không có mặt ở Việt Nam không thể lên tiếng thanh minh.

Thực tế, NĐT có thể gặp rất nhiều dự báo về TTCK và đôi khi các dự báo trái ngược nhau. Nhưng hãy hiểu rằng, nếu có một chuyên gia nào đó dự đoán đúng 70% các trường hợp thì chắc hẳn công việc chính của ông ta là ngồi đếm tiền. NĐT quá quan trọng hóa hay thần thánh hóa dự báo của các chuyên gia vô hình trung đã tạo sức ép rất lớn lên các nhà dự báo thị trường và truyền thông. Hãy chỉ nên coi ý kiến của họ như một kênh tham khảo, chứ không phải là những câu sấm truyền chỉ đúng chứ không sai!           

Giang Thanh
Giang Thanh

Tin cùng chuyên mục